Nếu người Hà Nội tự hào vì món phở bò thơm ngon, người dân Huế có món bún bò đặc sắc thì người xứ Quảng lại tự hào về mì Quảng, một món ăn đặc sản Hội An. Món này từng khiến bao thực khách phải lưu luyến mãi hương vị thơm ngon đặc trưng.
Trên khắp làng quê của Quảng Nam, từ những nơi dân cư đông đúc, ghe thuyền tấp nập đến những vùng xa xôi, hẻo lánh…, du khách đều có thể thấy hình ảnh những chiếc cối xay bột bằng đá nhỏ xinh thấp thoáng sau hè hay ngoài hiên nhà. Thêm vào đó, gia đình của người dân nơi đây còn xuất hiện những lò tráng bánh bằng đất sét, đất bùn đơn sơ giản dị nằm ngay trong bếp.
Cối xay bột, lò tráng bánh là công cụ thiết yếu nhất để làm mì. Chỉ cần ít gạo ngon đem ngâm, xay thật mịn rồi tráng là người dân địa phương đã có những lá mì mềm mướt, trắng nõn đẹp mắt.
Rau thì đã có sẵn ở vườn: rau muống, búp chuối, các loại rau thơm xanh mướt ở đầu vườn… Nước nhưn (nước lèo) có thể nấu từ xương gà, cua, tôm, cá… Chỉ bằng những thứ có sẵn xung quanh mình như vậy, người dân Hội An đã chế biến ra những tô mì thơm ngon, mang hương vị đậm đà của vùng thôn dã. Bởi vậy, du khách vẫn gọi mì Quảng là món ăn bình dân, mộc mạc.
Mì Quảng Hội An có nhiều loại như mì gà, mì cua, mì tôm, mì cá… Mỗi loại lại có nét độc đáo và sự hấp dẫn riêng, rất khó để so sánh mì nào hấp dẫn hơn mì nào.
Một số người dân bản sứ cho rằng, mì gà được chế biến làm bằng thịt gà mái tơ vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch, khi đó, nguồn thức ăn của loại gia cầm này dồi dào khiến gà béo mập. Bên cạnh đó, nhiều người lại ưa thích mì cá rói (một loại cá to như cá chép nhưng mình tròn, có nhiều ở sông Thu Bồn). Họ đưa món ăn này vào loại “thượng hạng”. Một số khác lại thích mì sứa.
Có thể nói, mì Quảng ngon hay không là nhờ tài nấu nướng của người chế biến. Đầu tiên, gạo dùng xay bột phải là thứ gạo ngon. Chọn được gạo rồi, người dân địa phương đem ngâm để gạo mềm, xay sẽ nhanh và dễ dàng hơn. Sau đó, gạo phải được xay thật kĩ, thật mịn. Trước khi xắt mì, người dân thường xoa một lớp dầu phộng đã khử chín để mì không bị dính.
Còn nước nhân, nếu là gà, lúc mổ xong, họ lọc thịt nạc, ướp kỹ rồi đem xào. Xương gà chặt nhỏ, bỏ vào nồi nấu cho ngọt nước. Khi nước sôi, đổ thịt đã xào vào nồi. Dĩ nhiên, nước nhân có thơm, ngon hay không là tùy thuộc vào gia vị và kinh nghiệm của người nấu.
Trong tô mì Quảng, rau sống là thành phần không thể thiếu và đóng một vai trò rất quan trọng. Rau ăn cùng mì thường là rau muống hoặc rau cải xắt nhỏ, trộn với búp chuối non, rau thơm, rau quế, rau răm… Đặc biệt, nếu có loại rau sống Trà Quế nổi tiếng của Hội An thì hương vị tô mì càng tăng thêm phần đậm đà, hấp dẫn.
Để trình bày món ăn đặc sản Hội An này, trước hết, người bán cho một lớp rau sống vào tô rồi phủ một lớp mì xắt sẵn lên trên. Nước nhưn phải chan sao cho thấm vào từng sợi mì, lẫn vào lớp rau sống, bên trên chỉ còn lớp thịt màu mỡ giữa màu vàng mịn của sợi mì.
Khi chan lên mì, người Quảng chỉ chan xâm xấp chứ không chan nhiều nước như phở hay bún. Cuối cùng, chủ quán rắc một nhúm đậu phộng rang giòn giã nhỏ lên trên, thêm chút dầu và hành tươi xắt vụn, chanh, ớt…
Đây là những phần phụ làm tăng độ béo ngậy, chua, cay đồng thời làm bát mì có thêm màu sắc, khiến tô mì càng thêm ngon và hấp dẫn.
Ăn mì Quảng thì không thể thiếu bánh tráng nướng giòn. Một số thực khác để nguyên miếng bánh tráng, khi ăn thì cắn một miếng bánh tráng và một đũa mì. Ngoài ra, không ít người lại bóp nhỏ bánh tráng vào tô mì, dùng đũa trộn đều lên, cho thêm nhiều ớt, rồi vừa ăn vừa xuýt xoa.
Phong cách ăn mì Quảng rất khác với phở hay bún. Khi ăn phở, thực khách ăn rất từ từ, điềm đạm. Bún bò cũng thể hiện sự nhàn nhã, thong thả. Còn ăn mì Quảng, bạn phải ăn nhanh mới ngon miệng.
Tại Hội An, mì Quảng được bày bán ở khắp nơi. Tại các ngã ba, ngã tư đường, hay các khu dân cư đông đúc, thực khách đều dễ dàng tìm được quán bán mì Quảng Hội An. Nếu dạo bước trên con phố cổ kính của Hội An, du khách chớ ngại ngần dừng chân trước một hàng mì Quảng và thưởng thức hương vị đậm đà khó quên của một món ăn ngon tại Hội An.