Tất cả các món ăn được chế biến từ các loại thịt sẽ mất đi hương vị vốn có của nó hoặc sẽ không hấp dẫn nếu bạn khử mùi sai cách hoặc vô tình làm cho nó tăng mùi hơn trong quá trình chế biến.
Nhưng bạn hãy yên tâm và bình tĩnh đọc hết các cách khử mùi sau cho từng loại thịt cụ thể được liệt kê ngay sau đây:
Thịt heo là món ăn quen thuộc trong mỗi bữa cơm. Đa số thịt mua ngoài chợ về chế biến liền sẽ không có mùi hôi đặc trưng. Nhưng nếu bạn bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần trong tuần thì khi chế biến bạn không xử lý tốt, thịt sẽ dễ bị bám mùi và làm món ăn mất ngon.
Để khử mùi thịt heo, bạn cần làm như sau: trước khi chế biến thành những món ăn, hãy trần thịt heo trong nước sôi khoảng 3 phút, sau đó rửa lại thịt với nước lạnh rồi mang đi chế biến tiếp, thịt sẽ không còn mùi hôi nữa và thức ăn sẽ thơm ngon hơn.
Khi thực hiện món thịt luộc, hãy cho vào nước luộc một củ hành đập dập, hành sẽ giúp khử mùi hôi rất tốt. Bên cạnh đó, để tránh mùi, bạn hãy cho vào nước luộc thịt một ít rượu trắng trước khi vớt thịt ra, rượu trắng sẽ giúp tẩy sạch mùi hôi có trong thịt hiệu quả nhất.
Cũng đừng quên vớt bọt thường xuyên khi luộc để giúp thịt sạch và đỡ hôi hơn nhé.
Thịt bò là một thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng với nhiều người chúng có mùi gây làm họ cảm thấy khó chịu. Cách nhanh chóng để loại bỏ mùi này chính là dùng rượu.
Sau khi rửa sạch thịt bò với nước bạn có thể rửa lại thịt với rượu hoặc ngâm thịt trong rượu khoảng 15 phút. Cách làm này sẽ giúp giảm bớt mùi hôi trong thịt đồng thời khi chế biến thịt sẽ mềm và ngon hơn.
Trong lúc ướp thịt, thay vì dùng tỏi theo cách thông thường, bạn có thể nướng một củ hành khô, bóc vỏ rồi giã hành, sau đó đem ướp cùng thịt bò.
Với các món hầm thái miếng lớn, để khử đi mùi hôi của thịt, bạn cho thịt vào nước lạnh và đem đun nóng lên (không để sôi), sau đó vớt ra và thái miếng theo sở thích.
Cách 1: Bỏ thịt dê cắt thành miếng vào nồi nước nóng, thêm một ít bã rượu (hèm). Tỉ lệ như sau: cứ 500g thịt dê thêm 500g nước và 25g bã rượu. Nước sôi vớt ra, thịt dê sẽ hết mùi gây.
Cách 2: Rửa sạch thịt dê bằng nước nóng, cắt thành những miếng to rồi cho một lượng hương liệu vừa phải (như hồi hương, quế, hồ tiêu... - tốt nhất là hồi hương và quế), cho cả vào nồi luộc tới lúc sôi thì hãy vớt thịt ra là đã hết mùi gây.
Cách 3: Bạn chỉ cần cho vài củ cải đã được gọt vỏ, dùng tăm nhọn chọc nhiều lỗ quanh thân rồi cho vào nồi nấu với thịt dê cũng giúp hút mùi của thịt dê.
Cách 4: Cho thêm khoảng một nắm nhỏ hạt đậu xanh vào nồi nấu cùng thịt dê, mùi gây của thịt dê sẽ biến mất. Hoặc bạn thay đậu xanh bằng vỏ quýt hoặc cam cũng được.
Thịt sau khi rửa sạch nên dùng gừng giã nát hoà với rượu trắng xát vào thịt để độ 15 phút, rồi mang thịt thui trên lửa than đến khi nào lớp ngoài của thịt hơi vàng là được. Sau đó hãy dùng gia vị để ướp thịt theo như món ăn muốn nấu. Thông thường, thịt cừu có mùi nặng nhất, do đó khi chế biến món ăn cần cho thêm củ cải thái nhỏ và giấm vào. Cách này giúp cho món ăn không những hết mùi hôi mà còn thơm ngon hơn.
Thịt gà, vịt thường có mùi hôi vì thế trong quá trình nấu, nếu không biết cách khử mùi, món thịt gà hay vịt sẽ mất đi phần hấp dẫn.
Để món ăn chế biến từ gà hoặc vịt không bị hôi, trước khi luộc nên bóp thịt với chút muối hoặc gừng đập giập, có thể cả chút rượu trắng, khoảng 5 phút rồi rửa sạch, để ráo sau đó đem luộc.
Cho một mẩu gừng đập dập vào nồi luộc. Như vậy gà, vịt sẽ hết mùi hôi và món ăn của bạn luôn thơm ngon, hấp dẫn.
Sau khi đã làm sạch cá (bỏ mang, đánh vẩy, cắt vây, bỏ ruột) để khử bớt mùi tanh, bạn có thể dùng muối thường hoặc muối hạt chà xát lên cá.
Với những loại cá có mùi tanh mạnh, phải bỏ thật sạch màng đen, gân máu trong bụng cá, rồi rửa cá kỹ lại bằng nước sạch.
Muốn chắc ăn hơn, hãy ngâm cá trong nước vo gạo hoặc nước muối khoảng 15 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch, cá sẽ sạch nhớt và khử được mùi tanh.
Khi mua tôm về, sau khi cắt bỏ râu, đuôi, rửa sạch, bạn hãy ngâm tôm trong nước có pha muối và chút rượu trắng, tôm sẽ bớt tanh, sau đó vớt tôm ra để ráo nước. Với cách làm như thế, khi chế biến thành món ăn, tôm sẽ mất mùi tanh và còn dai giòn.
Lươn làm sạch nhớt bằng cách tuốt với nước cốt chanh hay nước vo gạo. Không nên dùng giấm, vì giấm sẽ làm cho lươn mất mùi vị đặc trưng riêng. Khi nào thấy không còn nhớt là được.
Bạn cũng có thể cho nước nóng vào để lươn tự quẫy đạp cũng có thể sạch nhớt. Khi lươn đã sạch, mổ bụng, bỏ hết nội tạng, rửa lại bằng nước muối cho sạch.
Hấp lươn chín rồi mới lóc thịt, muốn cho nhanh và lấy được hết nên dùng cật tre, hoặc muỗng gỡ thịt. Tuyệt đối không được đụng nước khi lươn đã chín, chỉ cần bạn lỡ tay để nước vấy vào thịt, lươn sẽ rất tanh.