Nếu bạn mua gà vịt chưa qua chế biến thì bạn cần phải nhổ thật sạch lông gà vịt để không còn mùi hôi khi nấu nướng. Bạn đun một nồi nước sôi với 1 muỗng cà phê vôi (loại vôi dùng để ăn trầu) hoặc với 1 ít lá khế, rồi cho gà vịt đã cắt tiết trụng qua nước sôi 1 - 2 phút.
Sau đó lấy ra làm sạch lông, lưu ý khi nhổ lông bạn làm nhổ kỹ cả phần chân lông và lông tơ trên thịt gà vịt.
Ngoài ra, tuyến nhờn ở phần đuôi gà vịt cũng là nguyên nhân gây mùi hôi khi chế biến. Vì thế, bạn nên bỏ phần tuyến nhờn này đi để tránh cho gà vịt bị hôi nhé.
Giấm có tính axit sẽ giúp khử mùi hôi của gà vịt dễ dàng. Trước khi chế biến, bạn hoà giấm và muối theo tỉ lệ: 2 muối 1 giấm rồi thoa khắp mình gà vịt, chà sát nhiều lần sau đó rửa lại thật kỹ bằng nước sạch, như thế thì gà vịt sẽ không còn hôi khi chế biến nữa.
Tương tự như giấm, chanh cũng có tính axit nhẹ và có thể khử mùi hôi của thịt gà vịt hiệu quả. Trước khi chế biến, bạn chỉ cần chà sát vài lát chanh lên thịt gà vịt với 1 ít muối, sau đó rửa lại thật sạch bằng nước lạnh là đã có thể đánh tan đi mùi hôi của gà vịt rồi.
Bạn có thể đập dập 1 củ gừng với một ít rượu trắng và xoa bóp lên thịt gà vịt và để yên trong khoảng 30 phút trước khi nấu sẽ giúp át đi mùi hôi khó chịu. Ngoài ra, nếu chế biến các món luộc thì bạn cũng có thể cho vài lát gừng vào nước luộc cùng gà vịt sẽ loại bỏ được hoàn toàn mùi hôi.