Đọc nhiều

Những món phải ăn thử một lần khi đến Huế

Bánh canh, bánh nậm, bánh bèo hay bánh ướt... là những món ăn vặt hấp dẫn mà du khách mỗi khi đến Huế thường muốn thưởng thức ít nhất một lần để hiểu hơn về ẩm thực miền cố đô.

Bánh canh Nam Phổ: Mặc dù nhiều tỉnh thành miền Trung có bánh canh nhưng bánh canh Nam Phổ mang nét đặc trưng và mùi vị riêng. Nó đã được xếp hạng là một trong những loại bánh hấp dẫn nhất Việt Nam.

Cái tên này sở dĩ được gọi quen thuộc bởi Nam Phổ là một ngôi làng thuộc huyện Phú Vang – Thừa Thiên Huế.

Từ hàng trăm năm nay, việc nấu bánh canh trở thành nghề gia truyền của người làng Nam Phổ. Có năm thịnh, cả làng Nam Phổ nấu bánh canh bán dạo khắp tỉnh Thừa Thiên Huế. Khách thập phương đến du lịch Huế dù thưởng thức bao nhiêu "nem công chả phượng" cũng không quên món hàng rong này.

Bánh nậm: Bánh nậm Huế có thể được xem là một trong những loại bánh đại diện vì tính hữu dụng của nó trong đời sống văn hóa Huế nói chung. Tính hữu dụng đó nằm ở nhân bánh được chế biến khá hài hòa sáng tạo, có thể dùng trong mọi trường hợp, cả ngày thường lẫn nghi lễ và mọi thực khách đều có thể dùng được.

Bánh ướt cuốn tôm: Nguyên liệu chính vỏ bánh ướt là bột gạo được pha chung với bột năng hoặc bột khoai mì với tỉ lệ nhất định. Ba loại bột này được hòa tan với nước sao cho khi tráng bánh tạo được vỏ bánh ướt thật mỏng nhưng khi tráng không bị rách, cuốn lại thì ăn rất vừa miệng mà không quá dai. Những người trong nghề nói rằng bánh ướt càng mỏng càng thể hiện sự khéo léo của người làm, và cũng là loại ngon nhất.

Bánh bèo chén Huế: Những chiếc bánh trắng muốt, dính vào chén, phía trên điểm tô sắc màu tôm chấy, hành phi và top mỡ rất duyên dáng và bắt mắt. Khi ăn thơm lừng vị ngọt của tôm, vị thơm của hành và dai dai của bột. Nhìn có vẻ tỉ mẩn nhưng bánh bèo chén làm lại khá đơn giản. Nguyên liệu chính là bột gạo. Gạo xay thành bột nhỏ, đem ngâm nước vài phút để có độ dẻo lỏng vừa phải. Sau đó, người làm trộn chút mỡ và muối vào bột rồi đổ vào các chén nhỏ xinh xinh. Mỡ sẽ giúp bánh không bị dính bết vào chén. Đổ bột vừa phải vào chén để bánh có độ mỏng như cánh bèo. 

Sắp các chén bánh vào nồi hấp cất thủy chừng 10-15 phút. Sau khi chín, cho thêm tôm chấy, hành phi và tóp mỡ phía trên bánh. Bí quyết tạo nên hương vị khó quên ở chiếc bánh bèo chén nằm ở nhiều yếu tố. Bánh bèo ngon là nhờ ở nhân tôm chấy phải tươi, ngọt và thơm.

Bánh bột lọc: Thực ra, với người Huế, bánh bột lọc vốn đơn giản chỉ là thức quà, được các mệ, các o chế biến thành một món ngon làm đẹp lòng chồng con, xóm giềng, bè bạn… Thế nhưng, nhờ đôi bàn tay khéo léo, cách chế biến riêng mà từ lâu bánh bột lọc đã tồn tại song song với các đặc sản “thương hiệu”.

Bánh ướt cuốn thịt nướng Huyền Anh: Nổi tiếng xứ Huế ở khu Kim Long có truyền thống từ lâu đời. Món chính của quán là thịt nướng được tẩm ướp theo bí quyết gia truyền, kết hợp với bánh ướt hoặc bún. Bánh ướt chủ yếu được làm từ bột gạo nhưng do Huế là nơi có nguồn củ sắn (miền Nam gọi là củ mì) dồi dào nên được pha thêm hỗn hợp bột lọc là củ sắn xay nhuyễn và lọc lấy bột.

Để có mẻ bánh ướt trắng mịn, mềm, nóng và không chua người làm phải chọn loại gạo ngon, xay nhuyễn rồi trộn với bột lọc theo một tỷ lệ thích hợp, bánh ăn đến đâu tráng đến đó

Bánh ướt tráng mỏng, cuộn lại, thịt luộc thái mỏng để cạnh bên, thực khách sẽ chấm cùng nước mắm nguyên chất. Về sau, người ta biến tấu thành các món cuốn kết hợp với rau và thịt nướng. Lúc này bánh ướt phải tráng dày hơn sao cho khi cuốn thì ôm trọn phần nhân, khi chấm không bị bung ra.

Bánh khoái: Là một món ăn phổ biến ở Huế. Bánh khoái được làm từ bột gạo và chiên bằng dầu ăn. Bánh khoái cũng tương tự như bánh xèo miền Nam, nhưng có kích thước nhỏ hơn và vỏ bánh giòn.

Đậu sốt cà chua: Đây là món ăn với cách nấu chay nhưng đậm đà khiến thực khách không khỏi ngạc nhiên khi nếm thử.

Ăn chay: Món này từ lâu đã trở thành nghệ thuật ẩm thực, một đặc sản của Huế. Trước đây, các món chay ngon xuất phát từ nhà chùa, vào cung phủ, rồi dần dần phổ biến rộng rãi ra ngoài. Nhờ thế càng ngày món chay Huế càng phong phú với cách chế biến có hương vị đặc trưng, vượt trội món chay ở các vùng, miền khác.

Thực hiện một bữa tiệc chay còn công phu hơn là tiệc mặn và giá thành không hề thấp nếu làm đúng yêu cầu. Gọi là ăn chay nhưng từ những nguyên liệu đơn giản là rau, đậu, củ, quả, nấm, phù chúc, bánh tráng… người đầu bếp giỏi vẫn chế biến thành những món ăn sang trọng.

Ăn chay ở Huế du khách sẽ cảm thấy ngon hơn các nơi khác còn nhờ không gian, môi trường. Đó là những ngôi chùa, những phủ đệ, những ngôi nhà truyền thống nghiêng về hướng thiện và hoà mình giữa hoa lá cỏ cây của người Huế. Khách đến Huế được đãi bữa cơm chay ở một ngôi chùa thì đó là sự trân trọng và quý mến đặc biệt của gia chủ.

Theo news.zing.vn