Tác dụng của trà gừng không chỉ giúp bạn giảm các cơn đau, say tàu xe hay stress mà còn rất tốt cho tim mạch. Tuy nhiên, nhiều người học cách làm trà gừng mà không hề biết loại thảo dược này có thể gây vấn đề tiêu hóa hoặc tụt huyết áp do uống quá nhiều!
Gừng từ lâu không chỉ là một loại gia vị để món ăn ngon hơn mà còn là thảo dược chữa bệnh. Tác dụng của trà gừng không chỉ cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa bệnh mà còn giúp bạn duy trì vóc dáng một cách hoàn toàn tự nhiên. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm về loại thức uống quen thuộc này nhé.
Tác dụng của trà gừng
Bạn có thể từng biết đến trà gừng như một loại thức uống giúp làm ấm bụng vào những ngày mùa đông lạnh giá. Thật ra, tác dụng của trà gừng còn nhiều hơn bạn nghĩ đấy!
1. Tác dụng của trà gừng làm giảm say tàu xe
Cả y học dân gian và nghiên cứu khoa học đều cho rằng trà gừng có thể giúp làm dịu các triệu chứng say tàu xe như chóng mặt, nôn mửa và đổ mồ hôi lạnh. Vậy nên, nếu bạn cảm thấy buồn nôn hay chóng mặt khi đi tàu xe, hãy mang theo ít trà gừng để uống.
2. Tác dụng của trà gừng làm giảm buồn nôn
Ngoài các cơn buồn nôn do say tàu xe, một số chuyên gia tin rằng trà gừng còn có thể giảm buồn nôn do các nguyên nhân khác. Các thành phần trong gừng như tinh dầu và các hợp chất phenol được gọi là gingerol có thể giúp giảm buồn nôn do mang thai, hóa trị hoặc phẫu thuật. Vì thế, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để dùng trà gừng sau phẫu thuật nếu thấy buồn nôn.
Những ai buồn nôn do mang thai hay hóa trị nhưng không dung nạp được những loại thuốc chống buồn nôn có thể dùng trà gừng để thay thế.
3. Tác dụng của trà gừng tốt cho tim mạch
Một nghiên cứu cho rằng thói quen uống trà gừng có thể giúp bạn ngăn ngừa bệnh tim. Sau đây là một số tác dụng của trà gừng tốt cho sức khỏe tim mạch:
Hạ huyết áp
Giảm cholesterol
Giảm chứng ợ nóng
Ngăn ngừa máu đông
Cải thiện lưu thông máu
Ngăn ngừa các cơn đau tim
4. Tác dụng của trà gừng giúp kiểm soát cân nặng
Một nghiên cứu năm 2012 từ Đại học Columbia (New York, Hoa Kỳ) trên 10 người đàn ông thừa cân cho thấy uống trà gừng nóng làm giảm cảm giác đói, từ đó giúp kiểm soát căn bệnh béo phì. Một số thí nghiệm trên chuột cho thấy rằng gừng có thể giúp ngăn ngừa béo phì và các biến chứng liên quan đến béo phì.
Gừng cũng có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu, giảm A1C, insulin và triglyceride ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
5. Tác dụng của trà gừng giúp giảm đau
Gừng đã được sử dụng để điều trị viêm trong nhiều thế kỷ và thực tế có rất nhiều bằng chứng khoa học cũng đã công nhận tác dụng này của gừng. Một số nghiên cứu đã chứng minh trà gừng giúp giảm đau do viêm xương khớp đầu gối.
Tác dụng của trà gừng cũng có thể giúp giảm đau đầu, đau bụng trong kỳ kinh nguyệt, đau cơ và các loại đau khác.
6. Tác dụng của trà gừng hỗ trợ hệ miễn dịch
Các chất chống oxy hóa trong gừng có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch và giảm stress. Thậm chí, bạn chỉ cần hít hơi nước từ trà gừng cũng có thể giảm nghẹt mũi và các vấn đề hô hấp khác do cảm lạnh thông thường hoặc dị ứng môi trường.
Một nghiên cứu thậm chí đã chỉ ra rằng gừng có thể giúp bạn ngăn ngừa ung thư.
Trong một nghiên cứu phòng thí nghiệm, gừng đã được chứng minh là có thể chống lại một số loại tế bào ung thư khác nhau, bao gồm ung thư tuyến tụy và ung thư đại tràng.
Tác dụng phụ của trà gừng
Trước khi học cách làm trà gừng để cải thiện sức khỏe, bạn cũng nên biết đến một số rủi ro ngoài ý muốn do tác dụng phụ của trà gừng khi uống quá nhiều:
• Khó chịu trong bụng: Một số tác dụng phụ có thể kể đến là đầy hơi, ợ nóng và buồn nôn thường thấy sau khi ăn đồ nóng. Để tránh những tác dụng phụ này, bạn nên hạn chế lượng gừng mình dùng xuống khoảng 4mg/ngày.
• Tụt huyết áp: Vì gừng có thể làm giảm huyết áp và loãng máu nên bạn có thể cảm thấy hơi choáng váng sau khi uống trà gừng. Bên cạnh đó, những ai đang dùng thuốc làm loãng máu hoặc thuốc huyết áp cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống.
Những tác dụng phụ như ợ nóng hay khó chịu trong bụng có thể khiến bạn lầm tưởng mình bị dị ứng gừng. Tuy nhiên, đây chỉ là phản ứng bình thường của cơ thể khi bạn ăn thực phẩm có tính nóng như gừng.
Những dấu hiệu của chứng dị ứng gừng là nổi mẩn ở miệng hay khó chịu vùng miệng sau khi uống trà gừng.
Cách làm trà gừng tại nhà
Bạn có thể áp dụng cách làm trà gừng với gừng tươi hoặc bột gừng tùy theo nguyên liệu có sẵn tại nhà.
Cách làm trà gừng với gừng tươi
Nếu trong nhà có sẵn gừng tươi, bạn có thể áp dụng cách làm trà gừng theo hướng dẫn sau đây:
Chuẩn bị nguyên liệu
– Khoảng 4 – 6 lát gừng tươi rửa sạch, gọt vỏ, thái mỏng. Nếu muốn bạn cũng có thể thêm vài lát cho trà đậm hơn.
– Khoảng 470ml nước.
– Nửa quả chanh để vắt lấy nước.
– Mật ong (nếu có).
Cách làm trà gừng
– Đầu tiên, bạn đổ nước vào nồi cùng số gừng đã chuẩn bị.
– Đun sôi nhẹ nhàng nồi nước trong 10 – 20 phút tùy thuộc vào bạn muốn trà đậm và cay tới mức nào.
– Nhắc nồi nước xuống rồi thêm nước chanh và mật ong sao cho hợp khẩu vị
Bạn cũng có thể pha thêm sữa vào trà theo cách làm trà gừng sau:
– Đun sôi nước và gừng như trên trong khoảng 10 phút.
– Nhắc nồi xuống và đổ thêm vào trà khoảng 470ml sữa.
– Đun sữa và trà gừng với lửa nhỏ trong 5 phút.
Cách làm trà gừng với bột gừng
Nếu bạn có sẵn bột gừng nguyên chất ở nhà, hãy tận dụng nguyên liệu này để thực hiện theo cách làm trà gừng sau đây:
– 0.9 – 1.8g bột gừng
– 250ml nước
– Mật ong hoặc đường thốt nốt (nếu có)
– Bạn đun sôi lượng nước đã chuẩn bị.
– Khi nước sôi, bỏ bột gừng vào và tiếp tục đun sôi hỗn hợp.
– Vặn nhỏ lửa và tiếp tục đun trong 2 phút.
– Thêm mật ong hoặc đường thốt nốt cho vừa miệng.
– Đổ trà gừng ra ly và uống nóng.
Trà gừng ấm nóng, thơm nồng có tác dụng cải thiện sức khỏe một cách tự nhiên. Để bắt đầu một ngày mới lành mạnh hơn, bạn có thể uống một ly trà gừng thay vì một tách cà phê đấy!