Đồ uống và sức khỏe

Quả dừa: Bổ nên dễ gây nguy hiểm

Nếu lạm dụng các sản phẩm từ dừa thường xuyên trong ăn uống hàng ngày, dừa có thể sản sinh các chất gây tăng mỡ máu, chuyển hoá lipid, các chị em nội trợ nên thận trọng trong việc sử dụng.

Trong những lần đi chợ, thực đơn không thể thiếu của chị Nguyễn Thu Thúy ở Dương Quảng Hàm, TP.HCM là dừa. Khi thì chị mua cả trái, khi thì mua dừa miếng. Cả gia đình chị đều thích uống nước dừa và các món thịt kho dừa, chè nhân dừa. 

Chị nói: “Trước đây, tôi nghe nói nước dừa mát, cùi dừa lành tính và an toàn nên gia đình tôi thường xuyên nấu món thịt kho dừa, nấu chè cho dừa khô để tạo cảm giác ngon miệng và cũng để chăm sóc sức khỏe”. Chị còn kể: Mình đã đọc được trên internet rằng dầu dừa cũng rất tốt, vừa có thể dùng ăn, vừa có thể làm đẹp tóc nên có ý định tìm mua.


Nhưng những suy nghĩ của chị Thúy đã thay đổi sau một lần đi khám tổng quát. Bác sỹ kết luận chị bị cholesterol trong máu cao và khuyên chị giảm dùng các sản phẩm từ dừa. 

Bổ nên dễ gây nguy hiểm

Ths. Hồ Thu Mai, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia cho biết: Cùi dừa và nước dừa là thực phẩm bổ dưỡng. Nước dừa chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp cân bằng điện giải. Giải khát bằng nước dừa khi trời nắng nóng hoặc khi bị tiêu chảy gây mất nước rất tốt. Acid béo bão hòa trong dừa có khả năng cung cấp năng lượng cho cơ thể một cách nhanh chóng.

Dầu dừa không chứa cholesterol và không có liên kết đôi nên giúp cơ thể tránh khỏi quá trình oxy hóa và giúp chống lại sự tấn công của các gốc tự do. Thực phẩm nấu với dầu dừa hấp thụ ít chất béo, giữ được độ tươi ngon và cho dinh dưỡng tốt hơn các loại thực phẩm được nấu bằng các loại dầu thực vật khác. 

Tuy nhiên -ThS Hồ Thu Mai phân tích: Dầu dừa nói chung không chứa cholesterol, nhưng chất béo từ dừa (dầu dừa, nước cốt dừa) lại. Đây là loại chất béo thực vật có hàm lượng acid béo no cao. Khi vào cơ thể, aicd béo no lại làm tăng sự tổng hợp cholesterol nên gây hại cho tim mạch và không có lợi cho người đái tháo đường. Bớt dùng nước cốt dừa góp phần giảm nguy cơ béo phì, rối loạn lipid máu, hội chứng chuyển hoá, đái tháo đường tuýp 2... 

Phụ nữ mang thai, có nên uống nước dừa?


Uống nước dừa khi mang thai đã có lúc trở thành phong trào của nhiều phụ nữ Việt Nam. Không ít người khẳng định rằng vì chăm uống nước dừa nên con sinh ra mới trắng, hồng hào. Tuy nhiên bác sỹ Mai cho rằng phụ nữ mang thai 3 tháng đầu không nên uống nước dừa. 


Bác sỹ Mai giải thích: Nước dừa nhất là dừa xiêm thuộc âm, có tính hàn, tức là có tính giải nhiệt, làm mát, làm mềm yếu gân cơ, hạ huyết áp nên dễ gây lạnh bụng, ảnh hưởng tới thai nhi. Thường xuyên dùng nước dừa, đặc biệt dùng vào buổi tối kết hợp với đá lạnh rất dễ gây tiêu chảy. 

Cách dùng quả dừa an toàn - Mỗi ngày chỉ nên uống nước của một trái dừa.- Nếu dùng dầu dừa, chỉ nên dùng 2-3 muỗng/ngày.- Chỉ nên dùng cùi dừa 1-2 lần/tuần. Những người bị mắc chứng suy nhược, phụ nữ mang thai, bệnh nhân đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch nên hạn chế ăn cùi dừa. 



Theo giaoduc.net.vn