Bánh đúc mềm dẻo với thịt băm trộn mộc nhĩ nấm hương, một ít rau thơm cùng nước chấm chua ngọt.
A. Phần bánh đúc
B. Phần thịt xào & nước chấm chua ngọt ăn kèm
C. Dụng cụ: Chảo, tô, muỗng,...
Bước 1:
- Dùng nồi to để quấy bánh đúc. Cho vào nồi 100 gram bột gạo tẻ, 100 gram bột năng, ¼ thìa café muối và 600 ml nước.
- Dùng đũa hoặc phới lồng quấy thật đều tới khi bột tan hết, có thể lọc qua rây để loại bỏ hoàn toàn bột vón cục.
- Để ngâm bột khoảng 1 – 1.5 giờ cho bột lắng xuống đáy. Nhẹ nhàng múc bớt phần nước trên mặt sang một bát khác. Đong một lượng nước đúng bằng phần nước này, đổ vào nồi, quấy đều (nước ngâm cũ bỏ đi).
- Việc ngâm bột và thay nước sẽ giúp bột nở mềm hơn, và loại bớt mùi bột khô. Nếu dùng bột xay từ gạo thì có thể bỏ qua bước này. Nhưng cần lưu ý lượng nước để không bị quá nhiều nước.
- Bánh đúc làm theo công thức này không sử dụng hàn the hay vôi nên cần sử dụng bột gạo để tạo độ cứng giòn và bột năng để tạo độ dai dẻo. Tỉ lệ bột gạo vào bột năng trong công thức là 1:1 cho bánh có độ giòn mềm vừa phải. Càng nhiều bột năng, bánh sẽ càng dai, mềm và dẻo hơn, nhiều bột gạo, bánh sẽ cứng giòn hơn. Bên cạnh đó, lượng nước cũng quyết định độ mềm của bánh. Càng nhiều nước bánh sẽ càng mềm hơn. Như vậy, tuỳ theo khẩu vị mà bạn có thể điều chỉnh lượng bột năng, bột gạo và nước trong công thức, cụ thể:
+ Nếu muốn bánh giòn hơn có thể tăng lượng bột gạo (giữ nguyên lượng nước hoặc tăng một chút).
+ Nếu muốn bánh dẻo, dai, mềm hơn có thể tăng lượng bột năng (và tăng nước).
+ Nếu muốn bánh cứng hơn có thể giảm bớt nước.
Bước 2: Bắc nồi bột lên bếp, để lửa ở mức trung bình-cao, dùng đũa hoặc phới quấy đều liên tục trong quá trình nấu để hỗn hợp không bị bén đáy nồi. Sau khoảng 2~3 phút, khi hỗn hợp bắt đầu sệt và đặc dần lại, hạ lửa xuống mức thấp hơn.
Lưu ý:
- Bột càng đặc lại, càng phải nhỏ lửa.
- Khi quấy bánh tốt nhất nên sử dụng phới lồng để hỗn hợp được mịn hơn.
Bước 3:
- Đến khi hỗn hợp rất đặc và bắt đầu ngả màu trắng đục, chỉnh lửa xuống mức thấp nhất của bếp, cho 2 thìa lớn (30 ml) dầu ăn và 1 thìa (15 ml) dầu mè vào trộn đều.
- Hỗn hợp ban đầu sẽ hơi lổn nhổn, tách thành mảng, nhưng sau khi trộn khoảng 1 phút sẽ mịn và đồng nhất trở lại. Hỗn hợp lúc này vẫn sẽ dính dẻo, kéo thành sợi dài và còn mùi bột sống. Bạn có thể cho thêm nước nếu thấy bánh quá đặc.
- Tiếp tục quấy ở mức lửa thấp nhất trong khoảng 5~10 phút đến khi bột bắt đầu trong. Hỗn hợp lúc này dẻo quánh, nhưng khi nhấc phới/đũa lên thì bột sẽ đứt thành đoạn, nếm thử không thấy vị bột sống nữa. Bột như vậy là đạt.Tắt bếp, bắc nồi khỏi bếp để ngăn không cho bột bánh bén đáy nồi. Đậy hé vung để bánh không bị khô mặt nếu chưa ăn ngay.
B. Phần thịt ăn kèm:
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
- Nấm hương ngâm nước ấm 10 – 15 phút cho nở, bỏ phần chân cứng (nếu có), băm nhuyễn.
- Mộc nhĩ ngâm nước ấm 10 – 15 phút cho nở, bỏ phần chân cứng (nếu có), băm nhuyễn.
- Hành hương bóc vỏ, bỏ rễ, băm nhuyễn.
Bước 2: Trộn đều thịt xay với nấm hương và mộc nhĩ. Nêm chút muối hoặc gia vị. Láng một chút dầu ăn lên chảo, để lửa vừa. Cho hành hương vào phi thơm, rồi cho thịt xay với các loại nấm khô vào xào săn.
Bước 3: Chuẩn bị nước mắm chua ngọt chan bánh:
- Pha nước cốt chanh với đường và nước theo tỉ lệ 1: 1: 1. Điều chỉnh lại theo khẩu vị của bạn, chúng ta cần có một bát nước chanh chua ngọt vừa phải. Từ từ thêm nước mắm tới khi nước chấm có độ mặn như bạn mong muốn.
- Rửa sạch rau mùi, thái nhỏ. Có thể phi hành khô nếu thích.
Bước 4: Múc bánh đúc vào bát (nên dùng loại miệng rộng, loe), xúc phần thịt xào đổ lên bánh, chan nước mắm chua ngọt, rắc rau mùi thái nhỏ lên và thưởng thức.
Bánh đúc có thể quấy nhiều một lúc rồi cất trong hộp, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn, chỉ cần xúc lên đĩa, đậy kín cho vào lò vi sóng quay nóng lên là bạn sẽ có ngay món bánh đúc hấp dẫn nóng hổi.