An toàn thực phẩm

Hại xương do ăn nhiều thịt cá

Ăn quá nhiều thức ăn giàu đạm cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh loãng xương, còi xương, xốp xương.

Mọi người thường nghĩ loãng xương, còi xương, xốp xương… là do thiếu canxi, thiếu vitamin D, thiếu ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, ăn quá nhiều thức ăn giàu đạm cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh này.

GS.TS Bùi Minh Đức, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thức ăn chúng ta đưa vào cơ thể gồm hai loại chính là kiềm và axit. Thực phẩm tạo axit không phải là những thực phẩm có vị chua như nhiều người nghĩ mà là các thực phẩm giàu protein động vật như thịt, cá, pho mát và ngũ cốc. Thực phẩm tạo kiềm bao gồm trái cây và rau, có thể có vị chua như chanh, khế, me.



Để khoẻ mạnh, chế độ ăn uống cần đảm bảo cân bằng axit – kiềm. Việc mất cân bằng axit và kiềm sẽ dẫn đến thừa axit hoặc thừa kiềm dẫn tới việc hấp thu bị đảo lộn, gây nhiều bệnh cho cơ thể. Đặc biệt, thường xuyên ăn nhiều thịt cá, ít rau, khiến việc thừa axit trở thành mạn tính hoặc tăng mãi, cơ thể không còn khả năng trung hòa, sẽ dẫn tới hậu quả tai hại, sinh nhiều bệnh: Cơ thể mệt mỏi, thiếu tập trung, các bệnh đường ruột, sâu răng, táo bón, đau đầu, gân cốt rã rời…

Theo BS Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, có nhiều trẻ bị còi xương do cha mẹ bồi bổ quá nhiều chất đạm. Nguyên nhân là do ăn quá nhiều chất đạm có thể xuất hiện tình trạng toan chuyển hoá, dẫn đến tăng đào thải canxi ra nước tiểu. Hậu quả là trẻ vẫn bị còi xương cho dù lượng canxi đưa vào cơ thể và được hấp thu ở mức bình thường.

Phân tích về tình trạng ăn nhiều thịt cá gây loãng xương, còi xương… các chuyên gia cho biết, xương là nơi dự trữ các chất có tính bazơ hay kiềm. Vì vậy, ăn nhiều thịt cá tức là gia tăng tính axit liên tục, xương sẽ giải phóng các nguyên tố canxi và magiê… và dần dần sẽ mất chất khoáng, nhất là trường hợp tăng tính axit cao và dài hạn sẽ dẫn đến loãng xương với rối loạn trong cấu trúc mô xương. Ngoài ra, thừa axit cũng làm giảm khối cơ vì để trung hòa lượng axit thừa, thận rút axit amin thừa của cơ, lâu dài cơ sẽ giảm. Hơn nữa, tăng tính axit còn tạo nguy cơ bị sỏi tiết niệu, liên quan đến sự loại trừ canxi qua thận, tạo nguy cơ cơn đau sỏi thận.

Vì vậy, để có một bộ xương chắc khoẻ, cần chú ý đến sự phối hợp giữa kiềm và axit trong bữa ăn hằng ngày. Để giảm axit, không nên ăn quá nhiều thịt, cá, trứng, các đồ ngọt hay uống rượu bia và để tăng tính kiềm nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đồ biển, đậu nành… và uống nhiều sữa. Thành phần bữa ăn tốt nhất gồm: 70% thức ăn tạo kiềm (rau, trái cây), 30% tạo axit (thịt cá)…
Theo Afamily/Bee.net