An toàn thực phẩm

Dừa con dao hai lưỡi với sức khỏe

Dừa là món ăn ưa thích của nhiều người, nhất là trong thời tiết nóng nực như hiện nay. Tuy nhiên, nếu ăn uống quá đà các món chế biến từ dừa sẽ không có lợi cho sức khoẻ.

Cây đa năng, trái đa dụng

Dừa được trồng rất nhiều từ Nam Trung bộ trở vào. Tất cả các phần của cây dừa đều có thể được sử dụng. Trong đó, riêng dùng trong ẩm thực, phổ biến nhất là phần cùi (cơm) dừa trắng, và nước dừa. Nước dừa chứa đường, đạm, chất chống oxy hoá, clorua, kali, magiê, đường glucose, các vitamin nhóm B và chất khoáng… là nguồn cung cấp và tạo ra cân bằng điện giải đẳng trương tốt, cũng như là nguồn thực phẩm bổ dưỡng.

Giải khát bằng nước dừa khi trời nắng nóng hoặc khi bị tiêu chảy gây mất nước rất tốt. Uống nước dừa, nhâm nhi một ít cơm dừa cũng không làm tăng cân.


Vẫn phải dè chừng

Mặc dù dầu thực vật nói chung không chứa cholesterol, nhưng chất béo từ dừa (dầu dừa, nước cốt dừa) lại được xếp vào loại thực phẩm giàu chất béo (1g chất béo cho 9kCalo). Đây là loại chất béo thực vật có hàm lượng axít béo no cao và khi vào cơ thể, sự chuyển hoá của chất béo này sẽ gây hại cho tim mạch và không có lợi cho người đái tháo đường. Người ta nhận thấy, bớt dùng nước cốt dừa có thể góp phần giảm nguy cơ béo phì, rối loạn lipid máu, hội chứng chuyển hoá, đái tháo đường týp 2…

Như vậy, để không bị tác dụng phụ từ dừa, mọi người không nên thường xuyên dùng những món ăn có nước cốt dừa, ngoại trừ trường hợp muốn… tăng cân. Tốt nhất, không nên ăn nhiều cơm dừa (chỉ nên ăn 1 – 2 bữa/tuần). Người mắc chứng suy nhược, phụ nữ mang thai, bệnh nhân đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì, xơ vữa động mạch, có bệnh tim mạch… nên hạn chế tối đa ăn cơm dừa. Riêng với nước dừa, cần lưu ý, mỗi ngày chỉ nên uống một trái. Uống nhiều dễ gây đầy bụng, nhất là khi có kèm cơm dừa nạo, đá lạnh và uống vào chiều tối.

Theo SGTT
Theo afamily.vn