Trong 3 miền, mâm cỗ Tết của miền Bắc mang tính chuẩn mực và giữ được nét truyền thống nhiều hơn cả. Mâm cỗ Tết của người Bắc rất chú trọng hình thức, cầu kỳ trong cách chế biến các món ăn cổ truyền. Trong mâm cỗ Tết của miền Bắc gồm có 4 bát, 4 đĩa làm chủ đạo tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Mâm cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Những mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng.
Mâm cỗ ngày Tết của người dân miền Bắc.
Bốn bát chính trong mâm cỗ Tết gồm một bát chân giò lợn hầm măng, một bát bóng thả, một bát miến và một bát mọc nấm thả. Bốn đĩa gồm một đĩa thịt gà, một đĩa thịt lợn, một đĩa giò lụa, một đĩa chả quế. Nhiều mâm cỗ còn bày thêm cho mâm cỗ thêm đầy đủ, sung túc các món ngon như đĩa thịt đông, đĩa giò thủ, đĩa cá kho riềng, đĩa nộm su hào hoặc nộm rau cần. Những món tráng miệng có mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho, tất cả bày vào đĩa nhỏ nên mâm cỗ Tết thêm đa dạng, đầy đủ lại đẹp mắt.
Quan trọng nhất trên mâm cỗ ngày Tết của miền Bắc phải nói tới bánh chưng xanh. Dù là trên bàn thờ, mâm cơm hay bữa cỗ nào cũng Bắc đều sẽ có sự hiện diện của món ăn này. Bánh chưng xanh là linh hồn của ngày Tết cổ truyền, thể hiện tinh hoa đất trời qua bàn tay khéo léo của con người.
Mâm cỗ Tết miền Trung
Mâm cỗ ngày Tết của người dân miền Trung.
Với người dân miền Trung khi Tết đế, Xuân về trên mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh tét, nem chua, thịt giấm, riêng người Huế thì mâm cỗ phải có đĩa giò lụa, đĩa thịt đông, đĩa gà bóp rau răm, đĩa chả Huế, đĩa thịt heo luộc… Món chính ăn kèm với cơm thì có món heo, gà quay, rán, bò nấu thưng, củ cải kho nạc heo, thịt nạc rim, hon… Và thường không thiếu món canh giò heo hầm, bánh tét. Ngoài ra, mâm cỗ ngày Tết ở miền Trung còn có các món như thịt bò, thịt heo ngâm nước mắm. Miền Trung còn là nơi nổi bật với thói quen “cuốn” cho nên mâm cỗ ngày Tết của các tỉnh không thể thiếu các món bánh tráng, rau sống cuốn.
Phong tục truyền thống được truyền lại kế tục từ bao đời nay ngoài mang sự gắn kết giữa các thế hệ con cháu với tổ tiên mà còn là thông điệp gắn kết mỗi người với quê hương, đất nước.
Mâm cỗ Tết miền Nam
Trái ngược với thời tiết giá rét của miền Bắc, miền Nam đón Tết với thời tiết vẫn còn vương chút nắng chút nóng. Thêm nữa, miền Nam có nhiều sản vật phong phú, xưa kia lại là vùng đất của dân di cư, nên cỗ Tết của phương Nam có phần phong phú và ít nặng về nghi thức như miền Bắc. Nếu bánh chưng là linh hồn của Tết miền Bắc thì bánh tét lại là thứ quà không thể thiếu trên mâm cỗ của miền Nam. Bánh tét miền Nam rất đa dạng về cả hương vị lẫn màu sắc. Mỗi một loại bánh tét lại có cách kết hợp nguyên liệu, tạo hình và màu sắc khác nhau. Đó có thể là đòn bánh tét có phần nếp bên ngoài trộn lẫn với dừa nạo, đậu đen, lá cẩm, lá dứa… để cho ra đời những mẻ bánh có màu sắc bắt mắt.
Mâm cỗ ngày Tết của người dân miền Nam.
Ngoài ra, Tết ở miền Nam không thể thiếu nồi thịt kho tàu. Nem bì, lòng heo khìa, giò heo nhồi, lạp xưởng tươi, gỏi gà xé phay trộn củ hành, củ kiệu chua, tôm khô kiệu chua cũng là những món ăn Tết thường có.
Cho dù có sự khác nhau giữa cách bày biện mâm cỗ ngày Tết 3 miền, song chúng đều mang ý nghĩa rất lớn nhớ về cội nguồn , tổ tiên. Mong muốn cả gia đình được quây quần đông đủ thưởng thức những món ngon của ngày Tết truyền thống, cầu mong một năm mới phát tài - an khang - thịnh vượng.
NGỌC ANH (tổng hợp)