Hầu hết những người nghiện cà phê có thể bị “sốc” khi biết rằng cách mà họ đang tiêu thụ caffeine mỗi ngày có thể phá huỷ thay vì tăng năng suất làm việc. Các cựu chuyên gia công nghệ của Google đã đề xuất năm bước sau giúp bạn tận dụng tối đa lượng caffeine có trong cà phê để làm việc hiệu quả hơn.
Thức dậy, uống cà phê. Đi làm, uống cà phê. Uể oải vào buổi chiều, uống cà phê. Sau giờ làm việc, uống cà phê. Hoạt động này đã trở thành thói quen không thể bỏ mỗi ngày của 85% người trưởng thành. Hãy duy trì thói quen này với năm bước sau để duy trì sự tỉnh táo mỗi ngày, ngăn ngừa mệt mỏi, kích thích sự tập trung và tăng hiệu quả làm viêc.
1. Uống tách cà phê đầu tiên vào 9:30 mỗi sáng
Mỗi buổi sáng, cơ thể phải giải phóng một lượng lớn cortisol, còn gọi là "hoóc-môn căng thẳng" để đánh thức bạn dậy. Khi lượng hoóc-môn này cao sẽ giảm khả năng hấp thụ caffeine, ngoại trừ việc giảm các triệu chứng nghiện caffeine một cách tạm thời.
Do mức cortisol của hầu hết mọi người cao nhất vào khoảng 8 đến 9 giờ sáng, nên 9:30 là thời điểm lý tưởng để bạn uống ly cà phê đầu tiên trong ngày.
2. Uống tách cà phê thứ hai trước khi cơ thể mệt mỏi
Chúng ta cảm thấy uể oải không phải vì đó là cơ chế hoạt động của đồng hồ sinh học. Sự tích tụ các phân tử adenosine trong cơ thể mới chính là thủ phạm khiến não bộ làm việc chậm lại, gây buồn ngủ hoặc mất tập trung. Caffeine thực sự không cung cấp năng lượng cho bạn, nó chỉ giúp ngăn chặn lượng adenosine sản sinh trong cơ thể mà thôi. Thế nên sẽ là quá muộn nếu bạn chờ đến khi cơ thể mệt mỏi mới uống cà phê.
Mức năng lượng của con người thường giảm xuống sau bữa trưa. Do đó, hãy uống ly cà phê hoặc thức uống chứa caffeine thứ hai trong ngày khoảng 30 phút sau thời điểm này.
3. Tranh thủ ngủ một giấc sau khi nạp caffeine
Trong trường hợp bạn không uống được ly cà phê thứ hai trong ngày kịp giờ, hãy thay thế bằng một giấc ngủ ngắn. Sau một buổi sáng làm việc căng thẳng, hãy uống một chút thức uống chứa caffeine và tranh thủ ngủ khoảng 15 phút ngay sau đó, mệt mỏi trong bạn sẽ nhanh chóng tan biến.
Caffeine mất một khoảng thời gian để hấp thụ vào máu và đưa đến não bộ. Khi bạn tỉnh dậy, các thụ thể của phân tử adenosine sẽ bị loại bỏ, thay vào đó là lượng caffeine vừa nạp vào. Bạn sẽ cảm thấy sảng khoái, tràn đầy năng lượng và sẵn sàng cho buổi làm việc tiếp theo.
4. Uống trà hoặc espresso vào buổi chiều
Thay vì uống một tách cà phê lớn, trong đó chưa một lượng lớn caffeine, các nhà công nghệ khuyên bạn nên thay bằng trà xanh hoặc espresso (loại cà phê đậm đặc, 25 – 30ml/shot) , có liều lượng caffeine thấp hơn.
Điều này giúp cho mức năng lượng của bạn ổn định và cân bằng suốt cả ngày, tránh các tác dụng không mong muốn như mất ngủ, tim đập nhanh, tăng huyết áp khi cơ thể quá tải caffeine.
Một cách tiết kiệm và dễ dàng để làm điều này là bạn có thể mua một hộp trà túi lọc, thay mỗi tách cà phê bình thường bằng hai hoặc ba tách trà xanh.
5. Sắp xếp thời gian cho thức uống cuối cùng trong ngày
Thời gian bán thải của caffeine là năm đến sáu giờ, có nghĩa là nếu bạn uống cà phê lúc 4 giờ chiều thì chỉ một nửa lượng caffeine bị đào thải ra khỏi cơ thể bạn cho đến 9 hoặc 10 giờ tối. Nếu hoạt chất này vẫn còn tồn tại trong cơ thể sẽ khiến bạn bị mất ngủ.
Đôi lúc bạn phải thử nghiệm để tìm ra thời điểm thích hợp cho cốc cà phê cuối cùng trong ngày, nhưng nếu gặp khó khăn về giấc ngủ, hãy thay đổi thời điểm ấy lên sớm hơn.