Mẹo làm bếp

Một vài lưu ý khi sử dụng bình thủy điện

Bình thủy điện (phích điện) là một dạng ấm siêu tốc với khả năng nấu nước trong thời gian ngắn nhưng hiện đại hơn vì có thêm chức năng giữ nhiệt lâu như một phích nước nóng. Với sự tiện dụng đó, ngày càng nhiều gia đình đã sắm bình thủy điện để sử dụng. Nhưng bạn đã hiểu rõ về bình thủy điện chưa? Hãy cùng dienmayxanh.com tìm hiểu nhé!

Những điều cần biết về bình thủy điện

Bình thủy điện chủ yếu dùng để đựng nước nóng, kích cỡ thông thường chứa được 2L hoặc 3,5L nước. Bình có thể giữ nước ở nhiệt độ từ 80 - 90 độ C trong khoảng một ngày. Về cấu tạo vỏ thì trên thị trường có nhiều mẫu mã, thường là bằng nhôm, nhựa hoặc sắt tráng men in hoa văn rất đẹp, chân đế vững vàng, có quai xách bằng nhôm hay nhựa để dễ dàng di chuyển. Nắp phích bằng nhôm, nhựa có lớp cách nhiệt để chống mất nhiệt.

Bình thủy điện có khả năng giữ nhiệt lâu phục vụ cho các món ăn nhẹ như chế mì gói, pha trà, cà phê…

Cấu tạo ruột bên trong bằng thủy tinh, tác dụng giữ nhiệt như bình thủy

Ruột phích được cấu tạo bởi hai lớp thuỷ tinh, ở giữa là khoảng chân không. Ngoài ra, bên thành trong của lớp thủy tinh được tráng bạc để phản chiếu bức xạ nhiệt, giúp ngăn sự truyền nhiệt ra bên ngoài. Mục đích của lớp tráng là chống trầy ruột cũng như không làm ảnh hưởng tới độ tinh khiết của nước bên trong. Ruột phích là phần quan trọng nhất nên khi mua phích cần lựa chọn thật kỹ.

Ruột bình bằng thủy tinh giữ nhiệt lâu và bền bỉ


Khi sử dụng bình thủy điện, nếu có sự thay đổi nhiệt đột ngột như đổ nhanh nước nóng vào khi bình đang nguội lạnh hay đổ nước lạnh vào khi bình đang nóng, đều có thể làm cho bình bị nổ, ngoài ra còn dễ làm cho bình mất dần hoặc hạn chế khả năng giữ nhiệt.

Nguyên lý hoạt động của bình thủy điện

Nước trong bình được rót ra nhờ vào bơm hơi, khi nhấn bơm thì hơi nén vào bình và đẩy nước ra ở vòi, tuy nhiên cũng có loại bình dùng môtơ bơm điện nhỏ để đẩy nước ra. Ngoài nấu nước, một số bình thủy điện có thêm các chức năng như: nấu sôi (boil), giữ nóng (keep warm), nấu sôi lại (reboil), khử mùi (deodorize) hoặc điều khiển bằng điện tử. Những nút bấm này, người dùng có thể dễ dàng thao tác vì nó được thiết kế ngay trên nắp bình.

Cấu tạo an toàn, các nút điều khiển dễ dàng sử dụng

Hướng dẫn sử dụng và bảo quản bình thủy điện

- Để đảm bảo độ bền và an toàn, đối với bình mới hay bình đã lâu không sử dụng thì bạn nên rửa sạch, để ráo nước rồi mới đổ nước nóng vào. Khi đổ lần đầu phải đổ từ từ, tốt nhất là chỉ đổ một ít, sau đó đậy nắp lại cho hơi nóng tỏa ra bên trong, vài phút sau mới đổ tiếp.

- Việc vệ sinh cặn bên trong cũng rất quan trọng để đảm bảo cho nguồn nước thật vệ sinh. Mẹo nhỏ là bạn có thể đổ vào trong phích một ít giấm nóng, đậy chặt nắp, lắc nhẹ rồi để khoảng 30 phút, sau đó dùng nước lạnh rửa sạch thì cặn bẩn sẽ được tẩy hết. 

- Không nên rót đầy bình mà nên để khoảng trống giữa nước sôi và nút phích với mục đích cách nhiệt vì hệ số truyền nhiệt của nước lớn hơn không khí gần 4 lần. Như vậy, nhiệt sẽ truyền ra vỏ phích chậm hơn và giữ nước sôi được lâu hơn, giúp tiết kiệm điện cho bạn (vì không mất công nấu lại).

Chỉ cần nhấn nút là có ngay nước sôi để dùng

Với xu hướng tiêu dùng hiện đại, những vật dụng có ích và tiết kiệm thời gian như bình thủy điện ngày càng được chú ý. Trên thị trường có rất nhiều mẫu mã và chương trình khuyến mãi thường xuyên ở các siêu thị điện máy dành cho mặt hàng này để tạo điều kiện cho người nội trợ mua sắm.

Hi vọng với những chia sẻ bên trên, bạn sẽ sử dụng các loại bình thủy điện thật an toàn và chăm sóc gia đình chu đáo hơn.
Theo dienmayxanh.com