Mẹo làm bếp

Cách sơ chế cua biển tươi sống và cua lột vỏ mềm bạn cần biết

Mùa hè là mùa của các loại cua biển, để thưởng thức món cua biển một cách trọn vẹn thì cần một chút kỹ năng trong khâu chọn và sơ chế các bạn ạ.

Giống như hầu hết động vật có vỏ, cua chết (nhất là cua lột vỏ mềm) sẽ phân hủy nhanh chóng gây ra mùi khó chịu, nên việc cần thiết là chọn mua cua còn tươi, sống. Trong trường hợp phải mua cua đông lạnh thì hãy tìm mua ở những cửa hàng uy tín và chắc chăn rằng cua được bảo quản một cách tốt nhất. Khi mua bạn có thể nhờ người bán sơ chế cua giúp nhưng thực tế nhiều người muốn đem cua về nhà tự làm thì cần nắm sơ qua một số bước cơ bản như sau:

1. Sơ chế cua lột vỏ mềm

- Sau khi rửa cua, các bạn đặt cua lên một chiếc thớt. Sử dụng một chiếc kéo nhà bếp, cắt ngang phần mắt và miệng cua, vứt bỏ phần đó đi.

 

- Lật ngửa cua lên, quan sát phần bụng.

 

- Nếu là cua cái thì nó sẽ có phần yếm khá giống hình tam giác che gần kín bụng cua.

 

- Nếu là cua đực, phần đó sẽ nhỏ và mỏng.

 

- Một tay cầm cua, một tay mở phần yếm cua ra và bóc bỏ.

 

- Úp bụng cua xuống, dùng tay lách vào phần vỏ (mai cua) đã được cắt rời khỏi mắt và miệng nên bạn có thể mở chúng ra một cách dễ dàng.

 

- Cầm đầu nhọn của phần vỏ và lật lên sẽ thấy lộ ra phần nang mềm (còn gọi là nang cua).

 

- Bạn bóc cả hai bên nang cua vứt đi nhé. 

 

- Sau khi bóc nang xong, thả tay ra cho phần vỏ (vẫn dính liền với phần thịt và gạch cua ở giữa) để cua trở lại trạng thái như cũ. Vậy là cua đã sẵn sàng để bạn chế biến thành các món ăn ưa thích rồi.

 

2. Sơ chế cua vỏ cứng

- Cua biển vỏ cứng thường ở dạng tươi sống nên để sơ chế an toàn và dễ dàng, các bạn nên để nguyên dây buộc (nếu có).

- Ngửa bụng cua lên, dùng dao nhọn hoặc mũi kéo chọc thẳng vào chỗ hõm dưới bụng cua, đến khi chân và càng cua không còn khua nữa.

- Bóc bỏ yếm và bấy giờ mới tháo dây ra khỏi cua và rửa sạch. 

- Nếu chế biến các món hấp, luộc thì các bạn để nguyên cua như vậy, cho vào nồi hấp/luộc chín, khi ăn mới tách mai và bóc bỏ phần nang mềm (sẽ giúp cho cua không bị rụng chân trong quá trình hấp/luộc).

- Nếu chế biến các món canh , chiên, sốt thì sau khi rửa cua xong, các bạn tiến hành tách mai và bóc nang mềm luôn rồi mới đem chế biến
Theo Dep.com.vn