An toàn thực phẩm

Lợi và hại của các phương pháp ăn kiêng

Lời khuyên khi ăn kiêng là: Đừng tăng hay giảm lượng chất béo bạn nạp vào cơ thể. Thay vào đó, hãy cân bằng giữa chất béo, protein, carbohydrate lành mạnh

Những năm gần đây chứng kiến rất nhiều “phong trào” ăn kiêng các loại liên tục đổi chỗ cho nhau. Và mặc dù phần lớn trong các phương pháp ăn kiêng này có cơ sở khoa học, nhưng khi thực hiện trong thực tế đều đem đến những mặt trái khôn lường.

“Các phương pháp ăn kiêng nảy sinh ra từ những điều có lý, nhưng vấn đề là con người chọn theo những con đường không hợp lý”. Heather Mangieri, chuyên gia dinh dưỡng ở Pittsburgh và người phát ngôn của Viện Dinh Dưỡng và Chế Độ ăn nói.

Ngoài ra, Heather Mangieri cũng cho rằng việc nhiều người ăn kiêng cần phải cấm ngặt món X, Y, Z... nào đó sẽ dẫn tới cơ thể bị thiếu vitamin và chất để duy trì sức khỏe lâu dài.

Low-Fat: Kiêng chất béo

Bạn không thể ăn chất béo cả ngày mà vẫn mảnh mai và mạnh khỏe. Nhưng có những người đã kiêng chất béo tới mức độ cực đoan. 

 
Nhiều người áp dụng chế độ ăn kiêng low fat đã kiêng chất béo tới mức độ cực đoan. Hình minh họa 

 Trong thập niên 80 và 90, các bác sỹ khuyên bệnh nhân không nên ăn thịt bò, trứng, phô mai, bơ và thay thế tất cả mọi thứ bằng bơ thực vật. Họ cho rằng chất béo – đặc biệt là chất béo bão hòa trong thịt mỡ động vật – làm tắc động mạch và gây đau tim. Theo các bác sỹ, tốt nhất là ăn thịt ít chất béo.

Nhưng những thực phẩm chế biến ít chất béo thì lại có gấp đôi carbohydrate rỗng và đường. Những người kiêng chất béo lại ăn rất nhiều tinh bột thay thế.

Low-Carb: Kiêng tinh bột

Khi nỗi sợ hãi chất béo giảm xuống, carbohydrate trở thành đối tượng mới. Mọi người bắt đầu kiêng mỳ ống, khoai tây, bánh mì, bia… Họ chỉ ăn thịt và rau, không dùng bất cứ loại tinh bột nào.

Dù rất nhiều người đã giảm cân được nhờ phương pháp này, cũng có nhiều người đã tăng cân trở lại. Cơ thể họ bắt đầu “đói” tinh bột, và họ thiếu dinh dưỡng cực kỳ.

 
Áp dụng chế độ ăn kiêng low carb lâu dài khiến cơ thể bị "đói" tinh bột. Hình minh họa

“Điều tốt là mọi người bắt đầu tránh dùng quá nhiều bánh mì trắng, mì ống, bánh và các chế phẩm tinh bột khác. Nhưng nhiều người quá cực đoan trong việc loại bỏ tất cả tinh bột, trong đó có cả trái cây và rau quả.” Keri Glassman, chuyên gia dinh dưỡng ở New York nói.

 Theo Glassman, tốt nhất là bạn nên nạp 1/3 calo từ chất béo, 1/3 từ protein, và 1/3 từ carbohydrate từ những nguồn tốt như gạo nguyên hạt, sữa chua, trái cây và rau.

 Chế độ ăn kiêng Paleo

Đây là chế độ ăn “thời thượng cổ”, chỉ ăn thật nhiều thịt, gia cầm, cá, trái cây, và rau, loại bỏ ngũ cốc, đậu, sữa, đường tinh chế và các thực phẩm chế biến. Mặc dù có chuyên gia dinh dưỡng đồng ý rằng có những lợi ích tích cực trong chế độ ăn này, nhưng không nên bỏ ăn đậu.

 
Chế độ ăn kiêng paleo tuân thủ việc hạn chế nạp vào cơ thể các thực phẩm chế biến. Hình minh họa

Theo Mangieri, người theo chế độ ăn Paleo bỏ ăn đậu vì cho rằng nó chứa phytates, hợp chất làm giảm khả năng sinh ra vitamin và khoáng chất. Nhưng rau quả cũng có chứa phytates, và nếu theo chế độ ăn này, bạn thực chất đang nạp nhiều hơn phytates.

Và nếu không dùng sữa và ngũ cốc, bạn khó có thể có đủ canxi và vitamin D, điều này gây tác hại rất lớn tới sức khỏe.

Kiêng Gluten

Với những người bị bệnh celiac, một chứng tự miễn nghiêm trọng được thúc đẩy bởi gluten, một chế độ ăn kiêng hoàn toàn gluten là cần thiết. 

 
Gluten là một loại protein có nhiều trong lúa mì, lúa mạch và yến mạch - Ảnh: Shutterstock

Nhưng với đa số mọi người, không có lý do để tránh gluten. Chế độ ăn kiêng gluten từng được hiểu nhầm là có tác dụng giảm cân, nhưng thật ra không phải.

Những sản phẩm không có gluten thường lại thêm đường và nhiều calo hơn. Và những thực phẩm chứa gluten như lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch là nguồn cung cấp dồi dào chất xơ, protein, vitamin và khoáng chất quan trọng.

 Ăn thức ăn sống

Ăn thức ăn tươi sống không chế biến đem lại nhiều ích lợi. Nhiều người cho rằng nấu nướng làm phá hủy đi các loại vitamin, enzym và các chất dinh dưỡng khác, nên ăn sống thì bạn sẽ có được toàn bộ dưỡng chất tự nhiên. Với vài loại thực phẩm, điều này đúng, như bông cải xanh tươi có nhiều sulforaphanes chống ung thư hơn so với nấu chín.

 
Tốt nhất là nên ăn cả thức ăn sống và chín. Hình minh họa

Tuy nhiên, điều này không chính xác với tất cả. Vài loại rau quả khác, ví dụ như cà chua, bổ dưỡng hơn khi được nấu chín. Tốt nhất là bạn nên ăn cả thức ăn sống và chín.

Vấn đề lớn nhất với chế độ ăn này là cực kỳ khó để theo lâu dài. Bạn cần phải liên tục bổ sung thực phẩm tươi sống, bỏ rất nhiều công sức để làm bữa ăn.

Dùng quá nhiều chất béo?

Khi carbohydrate rỗng và đường được chỉ định là nguyên nhân chính gây nên béo phì và tiểu đường, nhiều chuyên gia lại lo sợ vấn đề mới sẽ nảy sinh trong việc ăn kiêng: Ăn quá nhiều chất béo.

“Mọi người bắt đầu nói về chất béo lành mạnh thế nào, và mọi người bắt đầu ăn quá nhiều.” Mangieri nói. “Họ ăn hạnh nhân, bơ cả ngày và tự hỏi tại sao lại tăng cân. Đơn giản là họ nạp quá nhiều calo. Calo không phải là tất cả, nhưng vẫn là vấn đề”.

Theo Lan Thảo
Theo Pháp luật TPHCM
Cùng chuyên mục