An toàn thực phẩm

Thực phẩm bẩn đang giết người

Những vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra liên tục không chỉ bào mòn sức khỏe công nhân mà chính là kẻ sát nhân thầm lặng.

Vụ ngộ độc thực phẩm với quy mô lớn vừa xảy ra tại tỉnh Tiền Giang làm hơn 1.000 người phải cấp cứu, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của bữa ăn.

Một bữa ăn, khiếp cả đời

Vụ ngộ độc thực phẩm nêu trên xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Wondo Vina (huyện Chợ Gạo) sau bữa cơm trưa của công nhân (CN) với khẩu phần ăn gồm canh bắp cải thảo, thịt viên nhồi trứng cút, cá nục chiên và bầu xào. Suất ăn này do Công ty TNHH TM Hoa Lan (TP HCM) cung cấp. CN ngộ độc đưa vào cấp cứu dồn dập đến nỗi Bệnh viện Đa khoa Chợ Gạo như một bệnh viện dã chiến, không còn chỗ chứa, bệnh nhân nằm tràn qua các khoa khác, thậm chí tận dụng ngay cả nhà ăn; chưa kể, bệnh viện phải cử nhân viên y tế đến hiện trường cấp thuốc cho hàng trăm trường hợp khác bị ngộ độc nhẹ. Ngay sau đó, Bộ Y tế phải cử đoàn công tác đến địa phương này tổ chức khắc phục hậu quả. Kết luận ban đầu của ngành y tế cho thấy nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là do thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn nhóm Gram âm.

 
Công nhân ngộ độc thực phẩm cấp cứu tại Bệnh viện quận 12, TP HCM

Đây chưa phải vụ ngộ độc lớn duy nhất. Thời gian gần đây, những vụ ngộ độc như vậy xảy ra dồn dập trên khắp cả nước. Cuối tháng 9, tại tỉnh Đồng Nai, một nhóm người sau khi ăn bánh chưng mua ở chợ thì bị đau bụng, tiêu chảy, nhức đầu, nôn ói. Còn tại tỉnh Hà Giang, sau bữa cơm, có gần 50 học sinh, giáo viên của 2 trường tiểu học phải cấp cứu. Trong khi đó, tại tỉnh Hưng Yên, các bác sĩ phải chạy đua với thời gian để cứu chữa cho hàng chục sản phụ là CN bị ngộ độc. Cách đó chưa lâu, gần 200 người ở Bến Tre cũng trải qua một phen khiếp vía sau khi ăn bánh mì nhiễm các loại khuẩn độc E.Coli, coliform…

Theo TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, trong 9 tháng của năm 2013, cả nước đã có 108 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 2.800 người mắc, trong đó có 18 ca tử vong. Trong 40 vụ ngộ độc thực phẩm được thống kê trong quý III này thì nguyên nhân do vi sinh vật là 23 vụ, do độc tố tự nhiên 4 vụ, do hóa chất 2 vụ và 11 vụ chưa xác định được nguyên nhân. Các vụ ngộ độc xảy ra khắp nơi, từ gia đình riêng đến tập thể.

“Ăn thịt chính mình”…

Các chuyên gia cho rằng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng rất đáng quan ngại, nhất là ngộ độc tập thể tại các KCN-KCX. Theo Cục An toàn thực phẩm, tình hình ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong các KCN-KCX vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2012, trong 3.600 người cả nước bị ngộ độc thực phẩm thì 68% xảy ra từ bếp ăn tập thể. Riêng tại TP HCM, trong năm 2012, số người bị ngộ độc tại các bếp ăn ở KCN- KCX tăng 11,5% so với năm trước đó.

Theo các chuyên gia, tác nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm tập thể là do giá trị bữa ăn quá thấp. Khảo sát của ngành y tế cho thấy bữa ăn của CN tại một số KCN-KCX chỉ từ 7.000-12.000 đồng/suất. Các bữa ăn thiếu chất kéo dài không chỉ khiến hàng triệu lao động bị bào mòn sức lực thể chất, trí tuệ mà hệ lụy lâu dài là làm cho giống nòi bị ảnh hưởng. Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, bữa ăn của CN tại một số KCN-KCX đa phần mất cân đối. Việc cung cấp thiếu năng lượng dẫn đến người lao động rơi vào tình trạng “như ăn thịt chính mình”. BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, cảnh báo thêm có gần 30% CN tại KCN-KCX TP HCM bị suy dinh dưỡng. Tình trạng này là rất đáng báo động. Nguy hiểm hơn, đối với CN nữ mang thai, nếu suy dinh dưỡng sẽ dễ sinh non, thai nhi yếu, dị tật.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lương thực, thực phẩm nuôi con người nhưng cũng chính là nguyên nhân đã gây ra khoảng 50% các trường hợp tử vong trên toàn thế giới hiện nay. Hiện có tới 400 bệnh lây qua thực phẩm không an toàn, chủ yếu là dịch tả, tiêu chảy, thương hàn, cúm. Ngộ độc cấp tính còn xử lý được, lo ngại nhất là tình trạng ngộ độc mạn tính, độc chất gây hại tích lũy trong cơ thể lâu dài khi bộc phát là rất nguy hiểm. Bộ Y tế thừa nhận việc loại bỏ ngộ độc thực phẩm vẫn là một điều nan giải, ngay cả đối với những quốc gia tiên tiến.

Để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng và bệnh tật, đặc biệt trong CN, nhiều chuyên gia y tế cho rằng nên quy định tỉ lệ giá trị dinh dưỡng trong mỗi suất ăn, buộc chủ sử dụng lao động phải cung cấp suất ăn đúng khẩu phần. Ngoài ra, phải siết chặt việc quản lý. “Rút giấy phép kinh doanh và đưa lên phương tiện thông tin đại chúng tất cả những nhà cung cấp suất ăn, thực phẩm không đạt yêu cầu để người dân tẩy chay. Đây là giải pháp mạnh, còn nếu phạt tiền như hiện nay thì có lẽ không có tính chất răn đe” - một lãnh Bộ Y tế nhấn mạnh.

Lương thực, thực phẩm là nguồn dinh dưỡng nuôi sống con người nhưng chính nó đã gây ra khoảng 50% các trường hợp tử vong trên toàn thế giới vì có hơn 400 loại bệnh lây qua đường thực phẩm không an toàn.

Theo Nguyễn Thạnh
Theo Người lao động