Hàng ngày chúng ta sử dụng nhiều thực phẩm để cung cấp nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể vì thế việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hết sức quan trọng. Những chất gây độc sẽ tình cờ nhiễm trong quá trình nuôi trồng chế biến hoặc đôi khi do cả sự thiếu hiểu biết của con người.
1. Mật cá trắm: Một số dân tộc ở châu Á có thói quen sử dụng mật cá để chữa bệnh vì họ nghĩ rằng mật cá có tác dụng nâng cao sức khoẻ. Thực tế, các loại mật cá (cá trắm, cá trôi, cá mè) đều có thể gây ngộ độc. Người ta thường nuốt sống cả túi mật hoặc pha với nước, rượu, mật ong. Cá càng to thì khả năng gây ngộ độc càng nhiều. Sau khoảng 2 – 3 giờ sau khi nuốt mật cá trắm, xuất hiện các triệu chứng: buồn nôn, nôn, đau bụng dữ dội; sau đó tiêu chảy, đôi khi có máu, đồng thời có các dấu hiệu co giật toàn thân.
2. Sắn và măng tươi: Cyanid có trong sắn và măng tươi, còn gọi là axít hydrocyanic. Người bị ngộ độc sắn và măng tươi do rửa và ngâm không kỹ, ăn cả vỏ hoặc luộc sắn còn cả vỏ. Ngộ độc nặng hơn ở trẻ em, người suy dinh dưỡng đặc biệt là ăn sắn khi đói và ăn nhiều.
3. Cá nóc: Trong cá nóc có chứa Tetrodotox-in (TTX) là một chất độc thần kinh có vai trò ngăn chặn kênh ion Na+ dẫn tới liệt cơ. Ở Việt Nam, ngộ độc cá nóc thường xảy ra ở những vùng dân cư sinh sống sát biển, tỉ lệ tử vong rất cao. Chất độc tetrodotoxin tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, tinh hoàn và nhiều nhất ở trứng cá. Vì vậy con cái độc hơn và đặc biệt mùa cá đẻ trứng, ăn cá rất nguy hiểm.
4. Khoai tây: Củ khoai tây đã mọc mầm thì tốt nhất là bỏ đi, bởi lúc này nó chứa một lượng lớn chất solanine và chaconine rất độc. Người dùng được khuyên, khi chế biến nên gọt bỏ phẩn củ đã biến thành màu xanh, tím hoặc chỗ nảy mầm, nhưng tốt nhất là vứt bỏ cả củ. Vỏ khoai tây chứa glycoalkaloids, khi tích tụ một lượng nhất định trong cơ thể sẽ gây ra ngộ độc. Glycoalkaloids trong khoai tây có thể gây ảnh hưởng tới dạ dày và hệ thống đường ruột, bởi nó phá vỡ màng tế bào và ức chế acetylcholinesterase.
5. Quả hồng: Quả hồng khi chưa chín, thành phần tannic chủ yếu tập trung trong thịt quả nhưng khi quả chín, chất này lại tập trung chủ yếu ở lớp vỏ. Axit tannic khi đi vào cơ thể con người sẽ tạo thành axit dạ dày, nếu kết hợp với protein trong thực phẩm dễ trở thành nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, táo bón, viêm dạ dày... Ngoài ra, nếu tích tụ nhiều axit tannic có thể ảnh hưởng đến mức độ hấp thu sắt của cơ thể.
6. Khoai lang: Ăn khoai lang rất tốt cho những người bị táo bón. Tuy nhiên, vỏ khoai lang lại có nhiều chất kiềm, ăn quá nhiều có thể gây khó chịu cho đường tiêu hóa. Vỏ khoai lang có những vết nâu hay đốm đen là có chứa alternaria, ăn vào có thể làm hỏng gan và gây ra nhiễm độc. Triệu chứng ngộ độc nhẹ là cảm thấy buồn nôn, tiêu chảy. Các trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến sốt cao, đau đầu, khó thở, co giật, nôn ra máu, hôn mê, thậm chí tử vong.
7. Bạch quả: Vỏ bạch quả có chứa các chất độc hại khi vào cơ thể con người có thể gây tổn hại hệ thống thần kinh trung ương do ngộ độc. Ngoài ra, đối với trẻ em thiếu hụt vitamin B6 thì ăn nhiều hạt bạch quả trong thời gian dài (quá 5 hạt/ngày) có thể dẫn đến ngộ độc.
8. Cá ngừ: Loại cá này rất dễ nhiễm một loại độc tố có tên là scombrotoxin. Độc tố này gây ra các triệu chứng ngộ độc như sốt, đau đầu, co giật cơ… Khi bảo quản ở nhiệt độ không thích hợp, cá ngừ sẽ tiết ra độc tố và điều nguy hại là độc tố này không bị phá hủy khi nấu nướng.
9. Giá đỗ: Giá đỗ là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao cho sức khỏe nhưng cũng có thể gây ngộ độc do hạt đậu làm giá bị nhiễm độc từ đồng ruộng hoặc do người làm giá sử dụng nước ô nhiễm để tưới. Mặt khác, khí hậu ấm ở nước ta rất dễ “gieo mầm” cho vi khuẩn. FDA đề nghị người lớn tuổi, trẻ em hoặc những người bị suy giảm miễn dịch không nên ăn giá tươi mà nên luộc rồi mới ăn.
10. Trứng: Cách đây không lâu, Mỹ đã thu hồi hơn 500 triệu trứng gà đã bị nhiễm khuẩn. Trứng rất dễ nhiễm vi khuẩn Salmonella. Vi khuẩn này có thể ngấm vào tận bên trong trứng, gây nên bệnh thương hàn và rối loạn tiêu hóa. Do vậy, nấu chín trứng là điều rất quan trọng và nên bỏ thói quen ăn sống trứng.
11. Hàu: Hàu là thực phẩm rất dễ bị nhiễm virus Norovirus và vi khuẩn Vibrio vulnificus, gây nôn mửa và tiêu chảy. Vì vậy, bạn không nên ăn món hàu sống, cho dù ăn với mù tạt.
12. Phô mai: Phô mai cũng là một loại thực phẩm rất dễ nhiễm các vi khuẩn như Salmonella và Listeria. Riêng Listeria là một sát thủ có thể gây sảy thai. Do vậy, các bác sĩ thường khuyên phụ nữ có thai nên tránh xa các loại phô mai mềm.
13. Kem: Kem lạnh thường bị nhiễm vi khuẩn Salmonella và Staphylococcus (tụ cầu) . Những bà nội trợ thích làm kem tại nhà, nếu sử dụng trứng sống thì cũng rất dễ bị nhiễm Salmonella.
14. Các loại cải lá: Các loại cải lá bao gồm cải bó xôi, xà lách, bắp cải,… Những loại cải này có thể gây ngộ độc khi chúng bị nhiễm các loại vi khuẩn, nhiễm hóa chất trong quá trình trồng và chăm sóc. Để phòng tránh ngộ độc khi ăn các loại cải lá, bạn cần rửa sạch chúng trước khi chế biến và tránh nhiễm khuẩn chéo bằng cách rửa tay trước khi vào bếp.
15. Cà chua: Cà chua cũng được xếp loại là loại thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn, vì vậy bạn cần rửa cà chua thật kỹ trước khi chế biến.
16. Dâu tây: Dâu tây là thứ quả rất dễ bị nhiễm một loại khuẩn có tên là Cyclospora vốn gây ra những cơn tiêu chảy chết người, mất nước nặng và co giật cơ. Trong năm 1997, đã có hàng ngàn trẻ nhỏ ở Mexico bị nhiễm viêm gan siêu vi A do ăn dâu tây bị nhiễm khuẩn.