Văn hóa đồ uống

Người nước ngoài hãi văn hóa bia rượu Việt Nam như thế nào?

Thông tin mỗi năm người Việt chi 3 tỉ USD cho bia rượu và mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người năm sau luôn cao hơn năm trước khiến nhiều người bị “sốc”. Dưới đây là cái nhìn của những người nước ngoài về tệ ăn nhậu của người Việt.

Nhiều người dùng tửu lượng để thể hiện đẳng cấp

Ông Mark A. Whorlow (người Anh, giám đốc điều hành Công ty DSA Engineering tại Việt Nam):

Trong sáu năm sinh sống và công tác tại Việt Nam, tôi có dịp chứng kiến nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” liên quan đến việc uống rượu bia của người Việt.

Người châu Âu nói chung hay người Anh nói riêng cũng thường uống rượu bia trong những dịp gặp mặt, hội hè... nhưng cách chúng tôi uống rất khác người Việt.

Chúng tôi uống với tốc độ rất chậm, chủ yếu để cảm nhận hương vị và đặc tính của từng loại, hoặc cùng nhau uống vài ly nhỏ để trò chuyện xã giao những khi rỗi rảnh. Còn ở Việt Nam, tôi thấy nhiều người uống bia rượu để thể hiện đẳng cấp, phong độ.

Cụ thể, tôi từng gặp nhiều trường hợp người Việt mới “vào cuộc” đã liên tiếp uống cạn nhiều ly. Tôi có một người bạn có thể uống đến 50 ly bia cùng lúc và anh ta rất tự hào về việc này! Điều đáng nói là hành động vô nghĩa này lại dễ khiến bạn bè trong bàn bắt chước và “tăng tốc” đuổi theo, vì đơn giản nghĩ rằng “cho vui” hoặc do cả nể.

Và chỉ trong chốc lát, mọi người đều chóng say xỉn mà quên mất họ phải tự chạy xe về nhà. Chưa nói đến vấn đề sức khỏe của bản thân, người say xỉn khi lưu thông trên đường phố rất dễ gây ra tai nạn giao thông.

Tôi nghĩ rượu bia ở Việt Nam đang được bán với giá quá rẻ nên ai cũng có thể lạm dụng. Ở Anh, chất cồn nói chung bị đánh thuế rất cao và người mua phải chứng minh bản thân trên 18 tuổi thì mới được bán (ở Mỹ là 21 tuổi). Tôi nghĩ Việt Nam nên có những quy định nghiêm khắc tương tự.

Ở đâu cũng thấy bán bia...

Bà Wonmi Rho (người Hàn Quốc, giám đốc kinh doanh và tiếp thị khách sạn Pullman Saigon Centre, TP.HCM):

Điều thu hút sự chú ý của tôi trong hơn sáu năm làm việc ở Việt Nam là bia được bán nhiều vô kể, ở đâu cũng thấy bán bia và có nhiều loại bia (ở Hàn Quốc chỉ có trong siêu thị hoặc những nơi chuyên bán bia rượu mới bày bán bia rượu).

Điều ấn tượng nữa với tôi là ở Hà Nội gần như vỉa hè nào cũng bán đầy bia hơi và lượng người ngồi uống ở đây nhiều vô kể, cả trưa lẫn chiều tối.

Tôi thấy nhiều loại bia nhập khẩu được bày bán ở Việt Nam và người Việt Nam cũng chuộng các loại bia này nên một lượng ngoại tệ không nhỏ của Việt Nam đã chảy ra bên ngoài theo các lon bia nhập khẩu này.

Người Hàn Quốc cũng uống rượu bia nhiều, nhưng nhà nước quy định nơi bán nhất định và người dưới 20 tuổi không mua bán, uống rượu bia. Nơi nào bán rượu bia cho người dưới độ tuổi này sẽ bị phạt nặng, thậm chí bị rút giấy phép.

Ở Hàn Quốc khi mua rượu bia, vài nơi bắt phải trình thẻ căn cước để kiểm soát. Ngoài ra còn có một nhóm những người tạm gọi là “consumer paparazzi” (tạm dịch là người tiêu dùng săn ảnh), những người này sẽ quan sát các điểm bán rượu bia, nếu những nơi này bán rượu bia cho thanh niên dưới 20 tuổi, họ chụp hình, quay phim để cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước nhằm được thưởng.

Hơn nữa, tôi cho rằng bia ở Việt Nam rẻ quá nên lượng người uống cũng dễ dàng tăng lên (bia lon Việt Nam chỉ trên dưới 1 USD, còn bia chai thì rẻ hơn). Bia rẻ và được bày bán ở nhiều nơi như vậy, cộng với văn hóa thích chia sẻ, tâm sự... của người Việt Nam thì chẳng trách người Việt Nam uống nhiều bia đến thế.

 

Phải cố kiểm soát bản thân

Ông Nozomu Katayama (người Nhật, giám đốc kinh doanh khách sạn Sheraton Saigon, TP.HCM):

Ở Nhật, chúng tôi uống bia rượu trong các nhà hàng là chủ yếu, còn ở Việt Nam các vỉa hè, các quán mở sát vỉa hè... đều đầy người uống bia. Gần như ở đâu cũng có thể thấy quán nhậu và mọi người nhậu từ rất sớm, họ uống cả buổi trưa giữa giờ làm việc.

Người Nhật chúng tôi uống bia cũng nhiều nhưng ở Nhật rất khó cho các nhãn hiệu bia nước ngoài nhập khẩu vào vì bốn thương hiệu bia rất lớn của Nhật đã chiếm lĩnh toàn bộ thị trường.

Theo quy định của chính phủ, thanh niên dưới 20 tuổi không được mua bia rượu nên ngay cả mua bia ở các máy bán hàng tự động bạn cũng phải đưa thẻ căn cước vào để xác định mình đã hơn 20 tuổi chưa mới được mua.

Người Nhật chúng tôi đều nhắc nhở nhau tự bản thân phải giữ thể diện, đừng uống quá nhiều vì những người say xỉn lang thang bên ngoài thường không được mọi người đánh giá cao. Hơn nữa, phải chờ đến sau 20 tuổi chúng tôi mới được phép uống rượu bia.

Ở lứa tuổi này, ít nhiều mọi người cũng nhận ra điều cần làm và không nên làm cho chính bản thân. Bên cạnh đó, luật pháp cũng trừng trị nặng những người say xỉn lái xe: ngoài việc bị phạt từ 3.000-4.000 USD còn bị rút bằng lái xe vĩnh viễn. Những người đi cùng xe cũng bị phạt lây vì đã để người say lái xe.

Người Việt uống rượu bia nhiều, theo tôi, ngoài việc giá bia rẻ còn do mọi người đã quá dễ dãi với bản thân. Uống rượu bia không xấu, nhưng đừng lạm dụng nó quá nhiều, dịp gì cũng uống và uống như chưa bao giờ được uống, uống mà thách đố nhau, ép nhau uống là hại nhau và hại chính bản thân mình.

Đàn ông Việt chịu áp lực bia rượu khi làm việc

Ông Todd Daniel Webe (người Mỹ sống ở Hà Nội):

Tôi cảm nhận dường như đàn ông ở Việt Nam cũng gánh một phần áp lực xã hội trong chuyện uống bia rượu. Áp lực này rõ nét nhất trong các nhóm quen nhau trong xã hội, ví dụ như bạn bè, người quen, đồng nghiệp... và cũng rất rõ nét đối với văn hóa làm ăn ở đây. Tôi không có ý cho rằng đây là nhân tố chính dẫn đến chuyện bia rượu được tiêu thụ nhiều, nhưng rõ ràng đây cũng là một nhân tố ảnh hưởng.

Tóm lại, theo tôi, áp lực trong những người cùng giới làm ăn, công việc... và thói quen xã hội, cùng với chuyện uống bia rượu để giao lưu và thư giãn là những lý do khiến Việt Nam tiêu thụ bia rượu cao.

Các bạn nghĩ sao về những ý kiến? Mình cho rằng nó rất đúng. Đây là góc nhìn từ những người ngoài cuộc, từ các nền văn hóa khác nhau để chúng ta so sánh. Và mình thấy, văn hóa bia rượu ở Việt Nam không phải là một điều đáng tự hào. Đừng viện cớ "phải thế này, phải thế kia" để làm bình phong cho thói nhậu nhẹt của mình. Văn hóa do con người sáng tạo ra và con người cũng sẽ có quyền định đoạt văn hóa là tốt hay không để đào thải.

Văn hóa bia rượu cũng vậy thôi! Có lẽ cũng cần có sự đào thải hợp lý!
Theo vitalk.vn