Văn hóa đồ uống

Ăn thịt rắn, uống rượu rắn có thực sự tốt cho sức khỏe?

Muốn ngâm rượu rắn thì phải làm đúng cách. Phải bỏ con rắn vào một cái chậu chứa một lít rượu mạnh rồi đậy chậu lại cho rắn quẫy thật lâu để nhả hết chất độc...

Sau đó phải chặt đầu và đuôi rắn vứt đi, vì đó là hai bộ phận độc nhất. Tiếp theo mổ rắn, vứt hết bộ lòng rồi đem sấy khô để không còn tạp chất mới ngâm rượu. Còn ngâm rắn cả con như hiện nay là uống rượu xác động vật chứ không phải là rượu rắn đúng nghĩa.

Ngâm cả con trong rượu là uống xác động vật chứ không phải rượu rắn

Khi từ CHLB Đức đến Hà Nội để học tiếng Việt tại một trường đại học, Kroos đã tìm đến nhà tôi. Lý do vì tôi ở gần cổng trường. Kroos nói: “Các thầy khuyên em nên học thêm các nhà báo, vì vốn từ của các nhà báo rất phong phú. Nếu chỉ học ở trường thì chưa đủ. Vì thế em muốn được học anh”. Thế là hàng ngày vào các tối chủ nhật, tôi dẫn Kroos đi lang thang trên các đường phố Hà Nội, la cà ở các quán vỉa hè, để Kroos được nghe, được học trực tiếp ngôn ngữ đường phố.

Sau khi tốt nghiệp, Kroos về nước nhưng 4 tháng sau lại thấy anh xuất hiện ở Hà Nội với một chiếc xe xích lô. Hôm đó, tôi có việc đi từ Xưởng phim Việt Nam về số 5 Quang Trung. Vừa ra khỏi xưởng phim thì tôi thấy Kroos đang ngồi đọc báo trên xích lô. Tôi gọi: “Xích lô, cho về số 5 Quang Trung”. Kroos giơ 3 ngón tay: “Thầy cho em 3 xịch”. “Cậu có biết phố Quang Trung ở đâu không?”. “Em biết chứ, số 5 Quang Trung ở gần hồ Hoàn Kiếm, phía đường Tràng Thi. Em đạp xích lô mà không biết đường thì làm sao đưa khách đi đúng địa chỉ được”. Tôi hỏi Kroos: “Học xong tại sao cậu không đi làm ở bên đó mà lại sang đây đạp xích lô?”. Kroos kể: “Mẹ em bảo phải sang Việt Nam đạp xích lô ít nhất 6 tháng nữa để học thêm ngôn ngữ đường phố. Bà chỉ cho em mỗi ngày 8 đô la thôi, đúng bằng phụ cấp thất nghiệp của người Đức. Còn muốn có thêm tiền thì phải đạp xích lô. Em muốn thuê một chiếc xích lô để hành nghề và làm học trò của các bác xích lô ở Hà Nội”.
 
Hóa ra, người nước ngoài học hành rất nghiêm túc và rất khổ công. Sự khổ học của Kroos cũng được đền đáp xứng đáng. Chính phủ Đức có một dự án lớn và lâu dài ở Việt Nam và Kroos đã được bổ nhiệm làm giám đốc dự án này sau một cuộc thi tuyển gắt gao.

Khi rỗi rãi, thỉnh thoảng tôi mời Kroos đi ăn ở các nhà hàng mà châu Âu không có như bún đậu phụ mắm tôm ở phố Phất Lộc, bún thang ở phố Hàng Mành, thịt chó một nồi ở nhà hàng Thế giới bia… Món ăn nào Kroos cũng khoái, kể cả đậu phụ mắm tôm. Nhưng khi tôi mời Kroos sang Lệ Mật ăn các mó rắn thì Kroos khiếp sợ.

 
Cận cảnh ngâm rượu rắn

Thấy mọi người uống rượu tiết rắn, rượu mật rắn, Kroos kinh hãi. Cả món rượu rắn Kroos cũng không uống được. Kroos nói: “Những con rắn nằm trong bình rượu trông sợ lắm. Ông chủ nhà hàng nói rằng: Bình này bổ thận, bình kia bổ xương cốt, bình nọ tráng dương, nâng cao sức mạnh nam giới. Vậy các ông uống rượu rắn là uống thuốc hay uống rượu?”.

Tôi đem câu hỏi của Kroos đến hỏi lương y Dương Đức Mến ở Phòng chẩn trị Y học cổ truyền số 94 Láng Hạ thì thầy Mến nói: Rượu rắn không phải rượu mà cũng chẳng phải thuốc. Biểu tượng của ngành thuốc có con rắn và cái cốc thủy tinh, nghĩa là ta có thể dùng được nọc rắn để làm thuốc. Nhưng chỉ dùng được nọc rắn thôi và liều lượng phải được tính toán rất chi li, dùng quá là chết người. Ngoài nọc rắn ra, không có thứ gì trong con rắn có thể làm thuốc được cả. Người ta có thể dùng rắn làm các món ăn như một loại thực phẩm. Trong thịt rắn có đạm, có chất béo, có chất xơ… Nhưng đạm trong thịt rắn thua bào ngư hàng trăm lần, thua thịt chó hàng chục lần. Trong xương rắn có can xi, có magie, có kẽm. Nhưng can xi trong xương rắn thua xa mai cua và kẽm thì kém xa con hàu biển.

Người ta dùng rắn để chế biến các món ăn đó là văn hóa của nền văn minh lúa nước. Người trồng lúa phải đi khai khẩn đất hoang và con gì trên đất, từ con ếch, con nhái, con rùa, đến các loại rắn rết đều cho vào nồi làm thức ăn được cả. Còn ngâm rượu rắn để uống thì không thấy sách vở nào hướng dẫn.

Khoa học đã phân tích và cho thấy mật rắn rất độc, vậy mà người ta lại thi nhau uống. Còn tiết rắn thì không có vị gì cả. Tiết rắn rất lạnh, nếu uống vào sẽ bị lạnh bụng và bị đi ngoài. Uống tiết rắn mà bị đi ngoài thì mọi loại thuốc tân dược chữa đi ngoài không có tác dụng gì cả mà phải uống một cốc rượu gừng để quân bình âm dương. Dân mình gần đây con gì cũng có thể bỏ vào vò rượu được, từ con sâu, con ong, con tằm đến con rắn, con rết và ai cũng nghĩ là rất tốt.

Ngâm rắn vào vò rượu để uống, nếu làm đúng cách thì cũng có tác dụng nâng cao sức khỏe con người nhưng không thể bằng các loại cao, cũng không thể bằng các vị thuốc như sâm, quy, thục…

Như trên tôi đã nói, rượu rắn không phải rượu mà cũng chẳng phải thuốc. Gọi là rượu đúng nghĩa thì phải được chưng cất từ ngũ cốc. Rượu gạo uống ít và điều độ là rất tốt. Hạt gạo là cao của đồng. Cây lúc, gốc dầm trong nước, rễ bám đất, ấy là âm. Ngọn lúa vươn về phía ánh sáng mặt trời, ấy là dương. Ban ngày hoa lúa mở ra để hấp thụ ánh nắng, ban đêm thì hoa lúa khép kín lại. Vì thế trong hạt gạo có đầy đủ âm dương và cái gì quân bình âm dương đều tốt.

Hạt gạo là tinh túy của đất và giọt rượu là tinh túy của gạo, vì thế uống một chút rượu và uống điều độ thì làm cho khí huyết lưu thông, không có hại. Rượu chỉ gây hại khi uống quá nhiều, như thế là do người chứ không phải do rượu.

 
Thịt rắn dùng làm món ăn

Giết rắn chỉ đem lại điềm xui

“Trong văn hóa Việt Nam có tục thờ rắn. Đền Và ở Sơn Tây (Hà Nội) có thờ hai con rắn. Đền của làng Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cũng thờ hai con rắn to. Một ngôi đền ở làng Nho Lâm, Diễn Châu, Nghệ An thờ hai con rắn, gọi là rắn thần, đền này cũng gọi là đền thần và được vua Trần Nhân Tông phong ngôi vị rất cao - Thượng thượng đẳng thần.

Ở Ấn Độ, giết rắn là một tội, vì người Ấn Độ thờ rắn. Một con vật để thờ mà mình bắt đem giết để ngâm rượu thì không hay ho gì cả. Bố tôi cấm đánh rắn, giết rắn và tuyệt đối cấm ngâm rượu rắn. Theo cụ, ngâm một vò rượu rắn để trong nhà là… rất xui”, thầy Mến nói tiếp.

Theo các nhà sinh vật học thì rắn là loài vật có ích. Một con rắn hổ mang mỗi ngày có thể tiêu diệt bốn con chuột, vì thế rắn là loại động vật bảo vệ mùa màng rất đắc lực. Rắn cũng là con vật hiền. Nó không chủ động tấn công con người, nếu không bị đe dọa.

Ở làng Lệ Mật trước đây, trẻ con chơi với rắn như các trò chơi hấp dẫn khác. Chúng có thể quấn rắn quanh cổ, chạy khắp làng. Chúng bắt ếch nhái cho rắn ăn và chăm sóc rắn như ta chăm sóc các con vật nuôi khác.

Ở Ấn Độ, các nghệ sỹ dân gian thường biểu diễn tiết mục thổi kèn dụ rắn. Họ thổi một cái kèn đồng phía trên một cái hang rắn được làm bằng bông và con rắn hổ mang vươn lên, bành cổ ra, thè cái lưỡi màu đen, trông rất đáng sợ. Nhưng người thổi kèn có thể vuốt ve nó mà không bị rắn cắn. Khi người nghệ sỹ không thổi kèn nữa thì con rắn lại chui vào hang. Một con vật ngoan như thế, có ích như thế, có đáng bị con người săn bắt để ngâm rượu không?.

Nguồn: Khánh Nhật
Theo Xahoi.com.vn