Văn hóa đồ uống

Uống rượu bia thế nào là đủ?

Để biết uống thế nào là đủ thì cần mỗi người phải từ bỏ cái tôi và tự đánh giá khả năng uống của mình một cách khách quan. 

Tôi vẫn thường thấy người Việt Nam tự cho rằng chẳng nơi nào uống rượu bia vô độ như nước ta. Tuy nhiên, qua những cuộc “nhậu” với bạn của tôi ở nước ngoài và cả những con số thống kê, tôi thấy sự thật dường như không giống những gì ta vẫn nghĩ.

Trước tiên, lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam chỉ tương đối cao, chứ không hề dẫn đầu thế giới. Trên thực tế, theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu xét về mức tiêu thụ đồ uống chứa cồn trên đầu người, Việt Nam vẫn đứng khá xa Top 20. Con số này ở nhiều nước phương Tây vẫn còn gấp đôi chúng ta.

 
Mức tiêu thụ bia trên đầu người theo bảng đánh giá của Đại học Kirin Beer vào năm 2012. Theo đó, CH Czech là quốc gia có lượng tiêu thụ bia trên đầu người lớn nhất. Nhật Bản đứng thứ 40 trong bảng đánh giá này.

Để so sánh được công bằng, thống kê ở đây chỉ xét con số trên đầu người, chứ không phải con số của cả nước. Sở dĩ có điều này là do nước đông dân nhưng uống ít bia vẫn có thể tiêu thụ nhiều bia hơn một nước ít dân nhưng uống bia nhiều.

Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề dưới một con mắt khách quan, ở nước ta, trên trung bình người uống rượu bia đa phần là nam giới, còn nữ giới thì hầu như không uống hoặc đa phần là uống rất ít. Do đó, khi chỉ tính nam giới, Việt Nam có thể tiệm cận hoặc thậm chí lọt vào phần cuối của Top 20 trong danh sách trên.

Thêm vào đó, ở những nước đang phát triển và đông dân như Việt Nam, việc thu thập dữ liệu ít nhiều là khó khăn và thông tin dễ bị sai lệch hơn thống kê ở những nước phát triển, nhưng ngay cả khi đã liệt kê và xem xét những yếu tố này, cũng phải thừa nhận rằng người Việt Nam không uống nhiều như ta vẫn thường nghĩ.

 
Báo cáo về lượng tiêu thụ bia tính theo quốc gia năm 2012. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 11 vào năm 2012 và thứ 13 vào năm 2011.

Bản thân tôi thấy người châu Âu thậm chí còn uống nhiều và mạnh dạn hơn chúng ta. Đặc biệt ở những nơi như Ireland hay Anh, người ta uống bia rượu chỉ đơn giản là để say, để vui vẻ, hay giải sầu như chúng ta và thậm chí là để... có gan làm những điều ngu xuẩn.

Ở Ireland, ngay ở độ tuổi 15, 16 không uống bia cũng được cho là kỳ lạ nếu chưa muốn nói là... điên. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể vội kết luận rằng người Việt Nam uống bia với một liều lượng ít hay uống như vậy chả có hại. Người phương Tây nói chung có thể trạng tốt hơn chúng ta, nên việc họ có thể uống nhiều hơn là tất yếu.

Bên cạnh đó, tuy uống nhiều nhưng không phải nước châu Âu nào cũng có văn hóa bia rượu như nhau. Chỉ ở Đức, Anh, Cộng hòa Séc, hay một số nước châu Phi, nhiều người mới thật sự nốc bia vô tội vạ như thường thấy ở Việt Nam.

 
Nhật Bản dẫn đầu Châu Á về lượng tiêu thụ bia.

 
Lượng tiêu thụ bia tính theo khu vực vào năm 2012.

Ngược lại, ở Pháp, họ chỉ đa phần uống rượu vang, một thức uống được cho là có phần quý tộc, và uống rất có chừng mực, đơn giản chỉ là để thưởng thức, nên hầu như không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Một số nơi khác thì lại là sự kết hợp của cả hai cách uống này.

Dù có uống vô tội vạ, có một điểm chung ở người châu Âu hay Mỹ là họ đa phần bị bia rượu bia giết một cách gián tiếp với những bệnh tim hay gan, thận khi về già. Ở Việt Nam thì khác, người uống rượu bia rồi ung thư hay tai biến không ít, nhưng người chết vì tham gia giao thông khi say cũng nhiều không kém.

Ở nước họ, người dân rất có ý thức tuân thủ pháp luật nên hiếm có ai lái xe sau khi dùng bia rượu, có chăng cũng chỉ là một số thanh niên trẻ tuổi bồng bột, vô ý thức, hay một số ít người luống tuổi ít học, buồn đời và... chán sống.

Trong khi đó ở Việt Nam hoàn toàn ngược lại, từ người già đến trẻ, ít học hay nhiều học, bất kể tầng lớp... đều sẵn sàng lái xe khi đã có hơi men trong người, với một lí do đơn giản là “cho tiện”. Họ luôn chủ quan, sĩ diện, nghĩ rằng mình không say lắm và sẽ không bao giờ gây thương vong gì, cho đến khi làm hại đến người khác hay chính mình mới hối hận cũng không kịp.

Đừng sĩ diện, nếu đã say thì nhờ người khác chở về, hoặc đi taxi, còn biết trước không thể thì đừng uống hay thậm chí… đừng đi. Còn để biết uống thế nào là đủ thì cần mỗi người phải từ bỏ cái tôi và tự đánh giá khả năng uống của mình một cách khách quan.

Theo khuyến cáo từ một bác sĩ, Phó giáo sư - Tiến sĩ đầu ngành tôi biết, uống từ một đến hai ly rượu vang mỗi ngày rất có lợi cho sức khỏe, còn bia thì càng hạn chế càng tốt. Tất nhiên không thể có một liều lượng giống nhau cho tất cả mọi người, mà mỗi người chúng ta cần phải tự biết điều chỉnh dựa vào tửu lượng của chính mình. Có những người uống một ly là say, nhưng có những người uống hai ly vẫn hoàn toàn tỉnh táo.

Nói cho cùng, việc uống bia rượu lợi hay hại nhiều hơn vẫn phụ thuộc phần lớn vào khả năng kiểm soát bản thân của chính chúng ta.

Trần Xuân Kiều Dũng
Theo VnExpress