Văn hóa đồ uống

Người Nga và văn hóa nhậu

Đối tượng tôi viết là những người Nga bình dân mà chúng ta thường gọi là “Ivan” hay “mujich – nông dân”. Những người Nga khá giả, có lối sống quý tộc thì ăn uống bình thường như mọi người dân trên thế giới, nên không đề cập đến ở đây.

Rượu và bản sắc Nga

Khi nói “giới bình dân Nga” là chỉ phong cách sống. 

Ở dân Nga, có một điều đặc biệt so với các dân tộc khác trên thế giới, dù là đại chính khách, đại trí thức, các nhà tư bản… họ vẫn giữ phong cách sống của hàng ngàn năm trước. 

Người ta không cho đó là lối sống của kẻ bần hàn, mà là lối sống bình dân rất Nga. Và họ tự hào về nó.

Người Nga, dù ở địa vị nào, dù đi đến đâu, dù tiếp xúc với ai cũng không thể chối bỏ rượu. Trừ những người bị bệnh, những trẻ em, những người Nga không uống rượu chắc chiếm một tỷ lệ vô cùng nhỏ.  

Chính vì người Nga uống rượu quá nhiều và hầu như mọi giới, mọi lứa tuổi (trừ trẻ sơ sinh) đều biết uống rượu và xem rượu như một thứ nước giải khát, một phương tiện biểu hiện phong cách.

Tuy nhiên, ai cũng biết, rượu rất nguy hiểm cho cơ thể và dễ gây nghiện, nên Tổng Bí thư Andriupov đã từng ra lệnh cấm rượu. Thế nhưng, xã hội Xô Viết thời đó chẳng khá hơn.  

 
Ảnh minh họa

Trước đó, thời của Tổng Bí thư Brezhnev, một vài thành phố lớn của Liên Xô từng áp dụng hình thức trừng phạt đối với những người “quá chén”. 

Ví như, ở Moscow, người ta từng ra lệnh bắt tất cả những người say rượu lang thang ngoài đường đem cạo trọc đầu và tham gia lao động bắt buộc vài ngày. 

Đến thời Gorbachov có cải tiến lệnh cấm rượu. Ông ta ra lệnh, sau 5h chiều (tôi không nhớ chính xác về thời gian), các cửa hàng rượu phải đóng cửa. Điều này chỉ làm cho các cán bộ công nhân viên tìm cách trốn việc để xếp hàng mua rượu.

Đến thời Elshin thì lệnh cấm rượu dỡ bỏ hoàn toàn, bởi chính ông ta cũng là một bợm rượu. 

Khái niệm “nhậu” của người Nga có đôi điểm khác với “nhậu” ở Việt Nam. Người Nga nhậu không chú trọng số người, hoàn cảnh, mồi nhậu, chỉ cần có rượu. Đọc các phần sau, bạn sẽ biết thêm về điều này.
 
Sự tích “búng cổ”

Ngày ấy, khi đại đế Pyotr (Peter Đệ Nhất) đang trị vì nước Nga. Nhà vua có tham vọng đưa nước Nga vươn lên tầm cường quốc, nên trước hết cho thành lập một xưởng đóng tàu rất lớn ở Saint Peterburg. 

Nhà vua thường xuyên ghé thăm xưởng, khen thưởng trực tiếp những thợ thuyền giỏi… và thậm chí còn trực tiếp làm việc ở đây.

Một hôm, như thường lệ, nhà vua đến thăm xưởng và phát hiện ra một người thợ rất giỏi, làm việc tốt, bèn gọi đến hỏi :“Ngươi rất đáng được khen thưởng. Vậy ngươi muốn ta thưởng cho điều gì ?”.

 
Ảnh minh họa

Người thợ này vốn cũng là một bợm nhậu, hay đại loại như vậy, chẳng nghĩ ngợi lâu, trả lời ngay :“Hạ thần chỉ thích uống rượu, nếu có thể, bệ hạ cho phép thần đến đâu cũng được uống rượu thỏa thích”. 

“Ta đồng ý, chuyện này rất nhỏ so với sự đóng góp của nhà ngươi. Kể từ hôm nay, ngươi đến bất cứ quán rượu nào, cứ búng vào cổ để ra hiệu. Các tiệm rượu sẽ không được lấy tiền của ngươi. Kẻ nào dám trái lệnh, ta sẽ cho đóng cửa tiệm của hắn”. 

Sau đó nhà vua ra thông báo về việc này. Ông ta nghĩ rất đơn giản là ai cũng phải biết và thực hiện đúng.

Một hôm nhà vua đến xưởng, gặp người thợ kia, thấy anh ta mặt tím bầm, thái độ buồn bã, bèn hỏi :“Ngươi bị làm sao thế ?”. 

“Lệnh của ngài không rõ ràng, nhiều hàng quán không biết mặt thần, họ nói là thần mạo danh nên đánh thê thảm”.

“À! ta hiểu rồi. Ta sẽ đóng vào cổ nhà ngươi một con dấu của nhà vua, để mọi chủ quán có thể phân biệt được ngươi với những kẻ lừa bịp khác”. 

Người thợ rất phấn khởi, bèn để cho binh lính lấy con dấu bằng đồng nung đỏ, áp vào cổ bên phải của người thợ.

Và từ đó, người thợ nọ đi đến quán uống rượu. Uống xong, anh ta búng vào cổ của mình, ngay chỗ con dấu để chỉ cho chủ quán thấy.

Hành động này, ngày sau trở thành sự ra hiệu rủ nhau đi nhậu.
 
Uống góp

Thông thường giới bình dân Nga rất nghèo nhưng lại thích uống rượu. 

Chẳng hiểu trên cơ sở nào, ở Nga người ta làm ly uống rượu vodka thường theo chuẩn là chứa được khoảng một phần tư lít, nghĩa là chứa được 1/3 chai rượu vodka.

Vậy nên, những người bình dân thường phải hùn nhau mới đủ tiền mua một chai rượu. 

Tại các quán rượu, chẳng cần quen biết gì, mọi người xếp hàng mua rượu đều biết một luật bất thành văn như sau. 

 
Ảnh minh họa

Người đến trước, nếu không đủ tiền, sẽ để một ngón tay ở ngay hàng nút áo trước ngực. Ý là “tôi không đủ tiền, chỉ mua được 1/3 chai rượu”.  

Người đến sau nếu muốn tham gia, lại để hai ngón tay ở hàng nút, xem như đã có hai người góp “cổ phần”. Đến khi có người thứ ba tham gia, họ hùn tiền mua chai rượu, rót ra đủ ba ly. 

Nếu có thời gian thì ba người này còn nói chuyện với nhau chút ít. Còn nếu vội, sau khi uống xong, họ chia tay vui vẻ, đường ai nấy đi. Nhiều trường hợp người ta trở nên thân thiết với nhau, nhờ cái kiểu uống hùn như thế này.
 
Mồi nhậu

Đối với giới bình dân Nga, mồi để uống rượu rất đơn giản. Có thể chỉ là dưa chuột muối, có thể chỉ là miếng cá khô – gọi là vovla, có thể chỉ là miếng bánh mì đen. 

Có một câu chuyện vui về viên sư trưởng huyền thoại Trapaev như sau. Một hôm anh chàng cận vệ Pechia của Trapaev hỏi :“Vasilievich (tên kính trọng của Trapaev), sếp có thể uống hết một chai vodka không?”. 

“Chuyện nhỏ! cậu thừa biết điều đó mà”. “Thế thì sếp có uống hết một thùng vodka không?”. “Cũng là chuyện nhỏ”. “Vậy… một biển vodka… sếp uống hết không ?”. 

Trapaev suy nghĩ một lúc rồi nói :“Không thể!”. “Tại sao?”. “Tại vì không đủ dưa chuột muối”.

Ở những nơi xếp hàng mua rượu, người ta thường uống tại chỗ. Giới bình dân lao động mà, họ đâu cần tiệc tùng gì cho phiền phức. Và đối với những người này, món nhắm hết sức đơn giản. 

Chỉ cần một miếng bánh mì đen. Người ta không phải dùng nó để ăn đưa cay mà là để hít. Sau mỗi hớp rượu, người ta đưa miếng bánh mì lên mũi hít một hơi. Dường như hương vị bánh mì giúp giảm bớt hơi nồng của rượu.

Cao cấp hơn một chút thì nhắm với cá khô (vovla). Với loại cá khô thì người ta xé nhỏ ra để nhắm rượu. Nhưng đó là cách thông thường và với người khá giả một chút. 

Với những người uống hùn, đã không đủ tiền mua rượu thì lấy đâu ra tiền mua cá khô. Vậy nên họ hít mùi cá để đưa cay. Buồn cười nhất là họ xin cái xương cá rồi hít cái mùi vị mặn nồng để đưa cay.
 
Khả năng uống rượu của người Nga

Bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng có người uống rượu khỏe. Chuyện tiếu lâm về người Nga uống rượu thì nhiều không kể siết. Chỉ xin kể chuyện có thật, tận mắt thấy.

Lần nọ, cùng lũ bạn Nga ra phố uống rượu trong khi chờ học môn sau. Đến quán, thấy có một nhóm khoảng bốn thanh niên nam nữ đã ngồi trước tại bàn bên cạnh. 

 
Ảnh minh họa

Trước, chưa từng thấy phụ nữ uống rượu, nên khi thấy bàn này có một cô gái trẻ thì tò mò mà chú ý. Trước khi chúng tôi đến, chẳng biết cô ta đã uống bao nhiêu. 

Chỉ để ý, khi đám bạn đưa ly mời, cô ta từ chối chán chê rồi cũng uống. Cứ như thế, vì đã có chủ ý, nên đếm số ly mà cô ta uống cạn rồi qui ra lượng rượu. 

Đến khi mà chúng tôi tính tiền ra về thì cô ta uống hơn ba lít. Trước đó và sau này cô ta uống bao nhiêu nữa thì không biết.

Cũng xin nói thêm, người Nga khi uống vodka thường là rót gần đầy ly lớn, loại ly uống trà đá. Khi đã nâng ly thì phải uống cạn và họ gọi như thế là “do dna – tới đáy”. 

Đó chính là uống theo lối bình dân.
 
Tống Quang Anh
Theo nhipsongthoidai.com.vn