Văn hóa đồ uống

Uống rượu, bia cần hướng đến một nét “văn hóa”

Khi mỗi con người đang tìm cách để hướng đến lối sống văn hóa và một hiện tượng phổ biến đang diễn ra hàng ngày rất cần phải có "văn hóa", đó là việc uống rượu, bia.

Ở Việt Nam, dù ở thành thị hay nông thôn, thậm chí là vùng núi, trên mọi nẻo đường, ngóc ngách, thôn bản, chúng ta đều bắt gặp hình ảnh của những quán nhậu với mật độ xuất hiện ngày càng dày đặc. Điều đáng nói là những quán như thế lúc nào cũng có khách ghé “ thăm” ở bất kì thời điểm nào trong ngày.

Rượu, bia được xem là một thứ không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Có người nói, hằng nghìn năm nay, con người ta vẫn uống rượu  như vậy đấy thôi và rượu là “bạn đồng hành” thân thiết của con người. Tuy nhiên có điều, nếu như khi xưa vào dịp lễ, hội thì con người mới có cơ hội ngồi với nhau để nhâm nha vài cốc rượu. Vừa uống vừa thưởng thức vị ngon của rượu, vừa trò chuyện, nói với nhau những điều tốt lành.

Còn bây giờ thì sao? Rượu, bia xuất hiện khắp mọi nơi. Vui cũng bia rượu, buồn cũng mượn rượu, bia giải sầu. Đặc biệt, trong quan hệ công việc lại càng phải có rượu bia mới có thể “ ăn nói” được. Kể cả công chức, viên chức lẫn dân thường, cứ hễ gặp nhau là phải có bia có rượu  mới có thể  mạnh miệng bàn chuyện…đại sự được.

 
Mỗi khi vào cuộc nhậu, mấy ai kiểm soát được hành động của mình dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra

Cách uống rượu bia ngày nay cũng khác, cứ vào bàn nhậu là bấy nhiêu “thủ tục”:  Nào là “ly nhấm môi”, “ly mời riêng”, “ly đồng khởi”,… đến trễ thì phải chịu “ly phạt”, “vào ba ra bảy” (câu nói thường dùng của dân sành bia, rượu). Rồi lại đến  “một hai ba zô, hai ba zô, hai ba uống”, “uống 50/50, 100%...”. Nếu người nào không uống được là bị khai trừ và cho rằng thiếu “tôn trọng”, “thiếu tình cảm”... Cứ như thế, việc tôn trọng lẫn nhau bây giờ được đo bằng tửu lượng chứ không phải tình cảm như lúc trước.

Bên cạnh đó, nhiều người dùng tửu lượng để thể hiện đẳng cấp của mình. Mỗi khi vào bàn nhậu, nếu ai uống được nhiều là người đó ra vẻ rất tự hào về điều này. Nhưng chính hành động này lại buộc bạn bè phải bắt chước và phải uống sao cho “bằng bạn bằng bè”.

Để rồi tàn cuộc, mỗi người không biết mình đã uống bao nhiêu li, ai cũng say mèm, thâm chí còn không biết đường về nhà. Chưa kể đến không làm chủ được bản thân mình khi tham gia giao thông dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Thử hỏi đây là loại văn hóa gì?

Mặc dù ai cũng biết những tác hại khủng khiếp của rượu, bia như:  Tốn tiền, tổn hại sức khỏe, mất thời gian, giảm trí nhớ… Nếu quá đà còn có thể gây tai nạn giao thông, đánh nhau với bạn bè, đồng nghiệp, về nhà thì chửi mắng vợ con…. Những chuyện như thế mặc dù đã được cảnh báo trên mọi phương tiện, thông tin đại chúng và đươc tuyên truyền khắp mọi nơi nhưng những “đệ tử của lưu linh” vẫn không màng đến. Thậm chí, số người uống rượu bia không ngừng tăng lên và ngày càng trẻ hóa. Điều đó thật đáng lo lắng.

Dẫu biết rằng, rượu bia có lẽ là thứ không thể thiếu được trong cuộc sống, trong những cuộc vui, nhưng rõ ràng việc lạm dụng rượu bia quá mức thì cần phải bàn đến. Các quy định về thuế rượu bia, cấm cán bộ công chức uống rượu bia trong giờ hành chính đều đã có. Nhưng công tác thực thi, triển khai vẫn đang gặp nhiều vấn đề vướng mắc. 

Để “giải tỏa” được những vấn nạn về rượu, bia thì trước mắt là cần ý thức của mỗi người. Bản thân mỗi người phải biết tôn trọng bản thân mình, gia đình thì mới mong điều chỉnh việc sử dụng bia rượu một cách có chừng mực. Vừa thể hiện mình là một con người có “văn hóa”.

Thông Trần
Theo nhipsongthoidai.com.vn