Văn hóa ẩm thực

10 món đặc sản Sơn La thơm ngon nức tiếng mua làm quà ăn là nhớ

Những món ăn đặc sản Sơn La của núi rừng Tây Bắc vô cùng đặc biệt, lạ miệng khiến du khách đến đây tò mò thích thú và luôn nhớ đến nếu 1 lần được nếm qua.

1. Nộm da trâu - Đặc sản Sơn La nổi tiếng

Thông thường mọi người sử dụng da trâu để làm mặt trống, nhưng với người dân tộc Thái thì họ khéo léo dùng da trâu để làm món nộm da trâu độc đáo và lạ miệng.

Quy trình chế biến của nộm da trâu cũng khá công phu, đầu tiên phải hơ qua lửa, sau đó ngâm với nước lã cho mềm rồi lọc thật cẩn thận và đều tay để da trâu thật mỏng để có thể ăn được. Thay vì dùng chanh hay dấm để tạo vị chua, người vùng cao sử dụng nước măng chua để bóp nộm, tạo hương vị độc đáo khi ăn.

Bạn sẽ cảm nhận vị sật sật của da trâu, vị chua thanh nhẹ của măng rừng, bùi bùi của đậu phộng, vị thơm của rau ngò… Thưởng thức cùng 1 ly rượu lúc trời đêm, còn gì tuyệt vời hơn cho những kỉ niệm buổi đêm trong gói tour du lịch Mộc Châu, Sơn La giá siêu tiết kiệm.

Nộm da trâu

Nộm da trâu (Nguồn: diadiemdulich.com)
 

2. Cơm lam - Món ăn đặc trưng núi rừng Tây Bắc

Đã chọn tour du lịch Sơn La thì không thể thiếu thưởng thức món đặc sản cơm lam trong suốt chuyến hành trình. Được làm từ gạo nương, gạo cẩm hay nếp cái hoa vàng mùa tháng 9, tháng 10 âm lịch. Gạo ngâm cùng với muối và gừng qua đêm, đãi sạch rồi đổ vào ống tre, nút lại bằng lá chuối rồi nướng trên bếp than.

Sau khi nướng chín cơm, tách hẳn thanh tre là phần cơm lam trứ danh được xuất hiện, với hạt cơm trắng trẻo nóng hổi, thơm nhẹ vị gừng, mùi lá chuối, mùi củi bếp còn vấn vương. Chấm cùng chén muối vừng ngọt ngọt mặn mặn mới thấy hết vị ngon của cơm lam.

Đặc sản cơm lam Sơn La

Đặc sản cơm lam Sơn La (Nguồn: baomoi.com)
 

3. Chẳm chéo ướt - Đặc sản Tây Bắc

Đi cùng với những món ăn đặc biệt, thì người dân tộc vùng cao cũng có những món chấm ăn cùng rất đặc biệt, chẳm chéo là một trong số đó.

Là sự pha trộn giữa những gia vị vùng núi, như ớt khô nướng, hạt mắc khén (hoàng mộc hôi), tỏi Tây Bắc, gừng, rau mùi, mì chính rồi giã nhuyễn, sau đó cho thêm nước mắm hoặc muối ăn. Nên chẳm chéo mang hương vị vô cùng độc đáo không thể nhầm lẫn vào đâu được.

Từ chén chẳm chéo cơ bản, người Tây Bắc có thể chế biến ra thêm những loại chẳm chéo khác khi ăn cùng những món ăn khác nhau, cho thấy sự biến hóa đa dạng và phong phú của món chấm đặc biệt này, nên không có gì khó hiểu khi chẳm chéo được coi là linh hồn của ẩm thực Tây Bắc.

Chẳm chéo, món quà lạ miệng từ miền Sơn La 

Chẳm chéo, món quà lạ miệng từ miền Sơn La (Nguồn: bepgiadinh.com)
 

4. Nậm pịa Sơn La

Là một món cực kỳ khó ăn nếu như bạn là người mới, mà cũng không phải ai cũng có cơ hội được thưởng thức nậm pịa, vì đây là món ăn đặc biệt mà người dân tộc Thái dùng để mời khách quý.

Trong tiếng Thái, từ nậm có nghĩa là canh, pịa có nghĩa là thứ dịch sệt sệt trong ruột non của trâu, bò gồm dịch tiêu hóa và phần thức ăn dư chưa tiêu hóa hết. Cho thêm gia vị kèm nội tạng, tim gan rồi mang đi ninh nhừ, tạo nên món nậm pịa.

Nậm pịa có vị đắng của lòng, vị cay của hạt mắc khén, sau khi nuốt vào thì sẽ cảm nhận vị ngọt nơi cuối họng. Ngoài một món ăn, nậm pịa còn nổi tiếng với công dụng giải rượu rất tốt.

Nậm pịa

Nậm pịa (Nguồn: tuhaoviet.vn)
 

5. Chè Tà Xùa

Nếu như Thái Nguyên nổi tiếng bởi đặc sản chè Thái Nguyên thì đặc sản Sơn La có chè Tà Xùa. Được trồng ở xã Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La, cách mực nước biển 1800 mét, cây chè mang một dáng vẻ kỳ lạ, lá chè to và dài, búp chè trắng mập, cánh vàng.

Chọn chè Tà Xùa như một đặc sản Sơn La làm quà để tặng bạn bè là một quyết định tinh tế và thông minh. Khi nấu chè lên uống, chè nhả nước màu nâu sẫm chứ không phải xanh như chè Thái Nguyên. Chè Tà Xùa mang vị đắng chát đặc trưng, khi nuốt vào thì giữ lại vị ngọt nơi đầu lưỡi. Vào những ngày nắng nóng, nếu được uống chén chè Tà Xùa thì bao mệt mỏi dường như được thổi tan. 

Chè Tà Xùa

Chè Tà Xùa (Nguồn: danviet.com)
 

6. Thịt trâu gác bếp

Là một món đặc sản khác của người dân tộc Thái, thịt trâu gác bếp được làm từ bắp của trâu, bò được thả rông trên vùng núi cao.

Để làm thịt trâu gác bếp, người vùng cao cắt lọc các thớ thịt cẩn thận, ướp tẩm gia vị gồm ớt, gừng, mắc khén rồi hun bằng khói bếp. Thịt trâu gác bếp ngon là thịt còn vương hương vị khói trên miếng thịt, chính mùi khói này mới tạo nên sự khác biệt của món ăn.

Người Thái ngày xưa thường nấu món này để ăn dự trữ vào mùa đông mưa lũ, hoặc ngày giáp hạt, thiếu ăn. Ngày nay thì bạn có thể dễ dàng tìm gặp thịt gác bếp ở những cửa hàng đặc sản Sơn La làm quà tặng những người bạn dưới xuôi, nhưng hương vị đặc biệt thì ắt hẳn những người có đủ duyên mới được thưởng thức tại vùng Tây Bắc bởi bàn tay chế biến của người dân tộc Thái.

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp (Nguồn: traugacbep.com)
 

7. Rượu cần

Bên cạnh những món ăn, món chấm kỳ lạ, Sơn La còn biết đến bởi hương vị của những chum rượu cần chung vui trong những ngày trọng đại.

Rượu cần Sơn La ngon không hề dễ làm, để làm nên một chum rượu chất lượng, cần phải có gạo nếp, trấu, men lá, chum rượu gốm Mường Chanh để ủ rượu và được những người có kinh nghiệm, tay nghề cao ra tay làm.

Để thưởng thức rượu cần cũng phải biết cách, đầu tiên dùng khoảng 2 lít nước lọc đổ vào chum, đợi 1 tiếng để ủ rồi mới uống. Mỗi người dùng một ống trúc đục sâu vào chum rồi từ từ thưởng thức, rượu cần Sơn La có vị thơm, ngọt nhẹ và ít say hơn rượu nấu.

Việc quay quần bên bếp lửa cùng nhau uống chung chum rượu cần ở nơi đây được xem như một nét văn hóa đẹp. Hòa cùng nhạc điệu của tiếng kèn, tiếng hát, cảm nhận sự đoàn kết ấm cúng của người dân Tây Bắc để thấy được hết cái đẹp của cuộc sống nơi đây.

Rượu cần Tây Bắc

Rượu cần Tây Bắc (Nguồn: yenbai.org)
 

8. Pa pỉnh tộp

Là một đặc sản Sơn La nổi tiếng khác, pa pỉnh tộp là món cá nướng gập của người dân tộc Thái, điểm khác biệt của cá nướng gập ở đây so với ở đồng bằng chính là lợi thế về gia vị. Được sử dụng những loại gia vị tẩm ướp đặc trưng của vùng núi rừng, pa pỉnh tộp mang một hương vị độc đáo vô cùng lạ lẫm.

Loại cá dùng để nướng là cá chép hoặc cá trắm, chế biến bằng cách mổ dọc sống lưng và móc phần túi mật. Dùng  các gia vị như sả, ớt,gừng, rau mùi, hung, hành tươi và tất nhiên là hạt mắc khén ướp cùng với cá rồi gập rồi lại, dùng thanh tre kẹp lại để cố đinh rồi nướng trên bếp lửa.

Pa pỉnh tộp

Pa pỉnh tộp (Nguồn: baomoi.com)
 

9. Bê chao - Đặc sản Mộc Châu

Lựa chọn du lịch Mộc Châu với những cao nguyên hùng vĩ trùng trùng núi điệp là một trong những trải nghiệm thú vị cho bạn, những thảo nguyên xanh mướt cỏ nơi đây là kiện thuận lợi để phát triển đàn bò sữa lớn nhất cả nước. Nếu như bê cái được nuôi lớn để lấy sữa thì bê đực thường được dùng để chế biến thành món đặc sản Sơn La bê chao nổi tiếng.

Muốn bê chao ngon nấu lửa lớn ngập dầu, để thịt không bị ngấm mỡ. Bê có thể chế biến thành nhiều món như xào lăn, hấp sả, tái chanh đầy thơm ngon và hấp dẫn, nhưng đối với bê non dưới 1 tuần tuổi thì bê chao luôn là lựa chọn hàng đầu vì vừa dễ chế biến, nhanh, lại giữ được vị ngon mềm ngọt nước của thịt bê.

Bê chao - Đặc sản Mộc Châu

Bê chao - Đặc sản Mộc Châu (Nguồn: baomoi.com)
 

10. Sữa Mộc Châu

Được xem như một đặc sản Mộc Châu và là niềm tự hào nơi đây, sữa Mộc Châu đã là một thương hiệu nổi tiếng về chất lượng. Nếu đến thăm nông trường bò sữa ở Mộc Châu, thì bạn sẽ được tận mắt chứng kiến người nông dân cho bò ăn, vắt sữa, đun nóng sữa và thưởng thức được loại sữa thơm ngon đặc biệt còn nóng hổi, thoảng thơm hương nhẹ nhàng.

Sữa ấm uống rất tốt vào ban sáng, khi trời còn lạnh trong sương sớm, cầm trên tay ly sữa còn nóng, chỉ cần mỗi hương vị sữa thôi cũng đủ khiến bạn thoải mái dễ chịu.

Ngoài sữa đặc sản Mộc Châu ra thì còn có những sản phẩm khác từ sữa như bơ, váng sữa, sữa chua. Nhưng cần phải lưu ý vì những sản phẩm từ sữa Mộc Châu có vòng đời khá ngắn, khi sử dụng phải luôn đậy nắp cẩn thận tránh bị nhiễm khuẩn, khiến sữa bị hư.

Theo blog.adayroi.com