Mới nhất

Bạn đã biết bổ sung đường đúng cách cho cơ thể chưa?

Đường là loại gia vị quen thuộc khi chế biến các món ăn và đồ uống. Tuy nhiên, khi cơ thể bạn dung nạp quá nhiều đường hay thiếu lượng đường cần thiết sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo thống kê, hội chứng béo phì và các bệnh không lây truyền khác khiến ít nhất 2,8 triệu người trưởng thành tử vong mỗi năm, chưa kể một tỉ lệ lớn mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư. Ngoài ra, hiện có hơn 40 triệu trẻ em dưới năm tuổi bị thừa cân. Ăn nhiều đường gây sâu răng và chi phí điều trị sâu răng cũng khá tốn kém, chiếm 10% ngân sách chi cho ngành y tế tại các nước công nghiệp.

Đường rất quan trọng với sức khỏe của con người và đặc biệt là với não bộ. Chúng ta cần gluco cho quá trình suy nghĩ, và cần nhiều năng lượng để nuôi dưỡng ngàn tỉ tế bào trong cơ thể.

Tuy nhiên, không phải bất kì dạng thức nào của đường đưa vào cơ thể cũng đều tốt, thậm chí nếu không cẩn thận, sẽ còn gây ra những hậu quả khôn lường tới sức khỏe.

Phân biệt đường được bổ sung và đường tự nhiên

Đường được bổ sung là loại đường (đường cát, đường phèn,...) mà chúng ta hay sử dụng để làm gia vị cho các món ăn và nước uống hàng ngày.

Lượng đường này có trong các loại cà phê pha sẵn, nước ngọt và bánh ngọt,... Loại đường này nếu sử dụng quá nhiều sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Đường tự nhiên là loại đường có trong các loại trái cây, rau củ quả, rất cần thiết cho cơ thể. Loại đường này hoàn toàn tốt cho sức khỏe của chúng ta.

Các tổ chức y tế luôn khuyến khích chúng ta bổ sung đường tự nhiên bằng việc tăng lượng rau củ quả, thức ăn có nhiều nước, chất khoáng và vitamin trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Phụ nữ chỉ nên dùng khoảng 25 g (6 muỗng cà phê) đường mỗi ngày

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), nam giới nên tiêu thụ một lượng đường khoảng 37,5 g hoặc khoảng 9 muỗng cà phê đường mỗi ngày. Đối với phụ nữ, nên tiêu thụ đường ở mức độ 25 g hoặc khoảng 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày.

Nếu cơ thể bạn hoàn toàn khỏe mạnh, cơ nhiều thì lượng đường trên là tương đối hợp lý. Cơ thể bạn sẽ đốt cháy lượng đường nhỏ này mà không gây hại cho cơ thể.

Những loại thực phẩm cần tránh xa để không tăng lượng đường hấp thụ

Có nhiều dạng đường mà bạn thường thấy trên các bao bì sản phẩm như glucose, dextrose, fructose, galatose, maltose, lactose, starch... tất cả đều là carbohydrate đơn - kẻ thù số một của người béo phì và tiểu đường tuýp 2.

Khi carbohydrate đơn được đưa vào cơ thể, chúng bị tiêu hóa quá nhanh gây ra thay đổi đột ngột đường huyết và insulin.

Một nghiên cứu của trường Y tế Công Harvard cho biết: "Người tiêu thụ đồ uống có đường hàng ngày có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn tới 26% so với người chỉ uống mỗi tháng một lần".

Trong một chai nước ngọt, nước ép trái cây (khoảng 330 ml) chứa lượng đường vượt quá lượng đường cho phép tiêu thụ trong một ngày nên bạn cần hạn chế sử dụng chúng. Bạn nên uống nước lọc thay cho nước giải khát (chứa đường) để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Ngoài ra, loại đường trong những chai nước đó là loại đường không tốt cho sức khỏe, nếu dùng quá nhều sẽ dễ gây béo phì, tăng nguy cơ tiểu đường và tim mạch.

Trong các loại kẹo, bánh ngọt, bánh nướng, trái cây sấy khô cũng có chứa lượng đường cao và không tốt cho sức khỏe.

Theo dienmayxanh.com