Dầu gạo được chứng minh có khả năng phòng bệnh tim mạch nhờ dồi dào dưỡng chất chống oxy hóa như Gamma - Oryzanol, vitamin E…
Theo khuyến nghị của các chuyên gia, sử dụng 20-30 ml (2-3 thìa) dầu gạo mỗi ngày sẽ giúp bổ sung chất chống oxy hóa, bảo vệ tim mạch trước các bệnh lý thường gặp. Những nghiên cứu mới nhất về công dụng của loại dầu ăn này cũng được cập nhật trong Hội nghị Dầu gạo Quốc tế 2018 (ICRBO 2018) tại Hà Nội.
Qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia trong hội nghị đều kết luận chế độ ăn lành mạnh với dầu gạo có thể phòng ngừa được các bệnh tim mạch như mỡ máu, huyết áp, tai biến mạch máu não… Công dụng này chủ yếu đến từ các dưỡng chất như Gamma - Oryzanol, vitamin E và 27 loại phytosterols khác.
Trong đó, Gamma - Oryzanol là dưỡng chất tự nhiên có tác dụng chống oxy hóa hiệu quả gấp 4 lần vitamin E, giúp giảm cholesterol, phòng ngừa bệnh mỡ máu, tim mạch và nguy cơ đột quỵ. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng châu Âu cho thấy, sau 2 tuần sử dụng, dưỡng chất Gamma - Oryzanol trong dầu gạo giúp giảm tới 11,9% lượng cholesterol xấu trong máu của những người tham gia thử nghiệm.
Nghiên cứu khác cũng cho thấy, khi giảm 1% cholesterol sẽ giúp giảm nguy cơ đau tim đến 2%. Theo đó, sử dụng dầu gạo thường xuyên sẽ cải thiện sức khỏe tim mạch người dùng gần 20%. Bên cạnh đó, 27 phytosterols (hóa chất thực vật) trong dầu gạo có tác dụng chống viêm, ức chế tế bào ung thư, cải thiện miễn dịch và làm chậm quá trình lão hóa.
Dựa trên các công dụng ưu việt của dầu gạo cho sức khỏe, chuyên gia khuyên một người nên dùng ít nhất 50 mg Gamma - Oryzanol, tương đương 20-30ml dầu gạo (2-3 thìa canh) mỗi ngày. Dầu gạo càng có màu vàng sẫm thì càng dồi dào dưỡng chất Gamma - Oryzanol.
Cơ thể người cần 3 loại chất béo khác nhau gồm chất béo bão hòa (SFA), chất béo không bão hòa đơn (MUFA) và chất béo không bão hòa nhiều nối đôi (PUFA).
SFAs cung cấp năng lượng cho cơ thể, nhưng nếu tiêu thụ quá mức sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu, gây béo phì, tăng huyết áp. MUFAs có tác dụng đào thải cholesterol xấu trong máu, phòng bệnh tim mạch. PUFAs bao gồm omega 3 và omega 6, rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch và trí não.
Để cơ thể khỏe mạnh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo, lượng chất béo hấp thu chỉ nên chiếm 30% tổng calo của cơ thể. Tỷ lệ chất béo lý tưởng ở mức 30% SFA, 33% MUFA và 37% PUFA. Trong số các loại dầu thực vật, nhiều chuyên gia cho biết, dầu gạo có tỷ lệ cân bằng chất béo SFAs - MUFAs - PUFAs gần nhất với khuyến nghị của WHO và AHA.
Mỗi loại dầu ăn đều có “điểm bốc khói” riêng. Khi nhiệt độ vượt quá điểm này, dầu sẽ bị cháy, bốc khói và có mùi khét. Hiện tượng này không những phá huỷ thành phần dinh dưỡng trong dầu, mà còn sản sinh ra peroxide và các chất gây hại sức khỏe tim mạch. Các acid béo không no gặp nhiệt độ cao cũng bị oxy hóa, làm mất tác dụng, thậm chí tạo thành các gốc tự do tấn công tim mạch.
Vì vậy, với các món ăn chiên nướng ở nhiệt độ cao, chuyên gia thường khuyên bà nội trợ lựa chọn những loại dầu ăn bền nhiệt. Điển hình như dầu gạo có điểm bốc khói cao nhất (khoảng 254 độ C), không lo gây biến đổi thành phần dinh dưỡng món ăn.
Ngoài ra, ưu điểm khác của dầu gạo được các đầu bếp nổi tiếng tâm đắc là ít thấm hút hay bám dính vào thực phẩm khi chiên, xào. Nhờ vậy, các món ăn sử dụng dầu gạo không làm miệng bóng, ngán ngấy, đầy bụng hay tăng cân.
Dầu gạo cũng có mùi thơm dịu nhẹ, không hắc nồng và có độ sánh vừa phải phù hợp cho món salad, tạo cảm giác tươi thanh, dễ ăn. Loại dầu này có màu đặc trưng vàng sẫm khá giống với bơ, có thể dùng kết hợp hoặc thay thế bơ giúp bánh mềm mịn và béo ngậy hơn