An toàn thực phẩm

Bệnh tả lợn châu Phi có lây từ lợn sang người không: Hãy nghe câu trả lời của chuyên gia

Nhiều người dân "tẩy chay" thịt lợn vì sợ ăn phải thịt nhiễm bệnh tả. Chuyên gia khẳng định bệnh tả lợn Châu Phi không lây sang người.

Thịt nhiễm tả nấu chín vẫn an toàn

Dịch tả lợn Châu Phi đang lan rộng, hiện đã ghi nhận 7 địa phương có lợn mắc bệnh, trong đó có Hà Nội. Thông tin dịch tả lợn đang lan rộng khiến cho rất nhiều người dân tỏ ra hoang mang không dám ăn thịt lợn, thậm chí "tẩy chay".

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, người dân không nên quá hoang mang, vì bệnh tả Châu Phi không lây sang người.

Trường hợp không may ăn phải con lợn nhiễm tả cũng không sao. Do lợn nhiễm bệnh tả Châu Phi khi thịt được nấu chín (luộc, xào, nướng…) ăn vẫn an toàn. Bệnh tả lợn Châu Phi không lây truyền bệnh sang người, khác với lở mồm long móng (gia súc) hoặc H5N của gà.

"Ăn thịt bị mắc bệnh tả Châu Phi sẽ nguy hiểm trong trường hợp con lợn đã bị chết các vi sinh khác phát triển gây ra những độc tố. Do khi lợn đã chết sẽ phát sinh ra các loại vi khuẩn và bệnh khác không phải là tả lợn.

Nếu ăn phải nhẹ có thể bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn tiêu hóa, nặng có thể ngộ độc", PGS.TS Thịnh khuyến cáo.

 

Bệnh tả lợn Châu Phi không lây sang người.

Vai trò dinh dưỡng của lợn

PGS.TS Thịnh cho biết "Thịt lợn đóng vai trò cung cấp protein cực kỳ quan trọng đối với con người. Tất nhiên, chúng ta vẫn còn các nguồn cung cấp protein khác như thịt bò, gà, thực vật… nhưng thịt lợn vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các bữa ăn.



Nguồn protein có trong thịt có chất lượng rất cao, có đầy đủ các axit amin thiết yếu cho sức khỏe con người.

Không chỉ có Việt Nam tiêu thụ nhiều thịt lợn mà các nước trên thế giới thịt lợn cũng là nguồn cung cấp protein quan trọng cho người lớn và trẻ nhỏ".

Theo các nghiên cứu trong 100g thịt lợn chứa các axit amin thiết yếu như: histidin: 5.751mg; isoleucine:6.189mg; leucine: 10.387mg; methionin: 3.469mg; phenylalanine: 5.122mg; threonine: 5.171mg; tryptophan: 1.212mg; lysin: 11.482mg.


Cách chọn thịt lợn tươi ngon và an toàn không mắc bệnh

PGS.TS Thịnh cho biết, thịt lợn ngon là thịt đang khỏe mạnh thì rất tươi màu sắc miếng thịt hồng tự nhiên, phẫn mỡ trắng.

Còn thịt con lợn bị bệnh sẽ có màu sắc bất thường. Đặc biệt, với thịt lợn đã chết màu sắc thường nhợt nhạt, tím tái, thâm đen.

Thịt lợn khi chết đã chết thường có mùi nên rất dễ nhận ra thịt lợn chết bệnh.

Ngoài các axit amin thịt lợn còn cung cấp các vitamin quan trọng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là vitamin B. 

"Nhà nước triệt để chống dịch bệnh tả Châu Phi không phải câu chuyện lây bệnh cho con người, mà là câu chuyện chúng ta sẽ không có thịt lợn để ăn. Vì bệnh tả Châu Phi lợn khi nhiễm 100% là chết.

Mục tiêu quan trọng lớn nhất của chúng ta hiện nay là bảo vệ đàn lợn, lợn chết hết sẽ không có thực phẩm, tổn thất kinh tế cho người chăn nuôi...", PGS.TS Thịnh nói.

Cũng theo PGS.TS Thịnh bệnh của lợn có thể lây sang người có thể kể tới lở mồm long móng, bệnh do nhiễm liên cầu lợn, bệnh giun xoắn (Trichinosis), bệnh tả lợn thông thường, bệnh sán lợn, bệnh viêm phổi lợn…

PGS.TS Thịnh cũng khuyến cáo chúng ta cần phải cương quyết bảo vệ đàn gia súc trong đó đặc biệt là lợn. Người dân khi lợn có dấu hiện ốm cần báo cơ quan chức năng để khoanh vùng và tiêu hủy, tránh lây lan bệnh.

Theo thông tin từ Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ ngày 1/2 đến 3/3, dịch đã xảy ra tại bảy tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương) với tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy hơn 4.200 con. 

 

Theo soha.vn