An toàn thực phẩm

Dễ NHIỄM SÁN nếu ăn phải nem chua kém chất lượng

Bởi thực chất, nem chua được chế biến bằng các nguyên liệu sống và làm chín đơn thuần bằng cách lên men.

Với vị chua thanh, giòn giòn, sần sật, nem chua là món ăn vặt nổi tiếng tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Không chỉ là món khoái khẩu của nhiều chị em, nem chua còn xuất hiện trên bàn nhậu của các đấng mày râu.

Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Thị Thanh - một tín đồ của nem chua chia sẻ: “Nói ra thì hơi xấu hổ chứ nếu mà để thả phanh thì có lẽ mình ăn được 20 cái cùng lúc. Có lần, chồng mình đi công tác Thanh Hóa về, mua 100 cái nem chua, mình ăn liền tù tì chả biết bao nhiêu cái nhưng sau đó thấy bụng no căng, rồi lại lâm râm đau nữa. Cứ tưởng như thế sẽ tởn đến già, nhưng ai dè hôm sau, mở tủ lạnh, nhìn thấy bọc nem chua, lại nổi cơn thèm và tiếp tục chén một cách ngon lành. Chồng mình thấy thế chỉ biết thở dài: “Cái mồm làm khổ cái thân”. Nghĩ ông ấy nói cũng đúng, nhưng sống trên đời được mấy mươi năm đâu mà phải bóp mồm, bóp miệng. Nó đắt đỏ đã đành, đằng này cũng là món ăn bình dân nên nếu thích thì cứ ăn thôi, chứ cứ nghĩ không tốt cho sức khỏe mà kiêng khem thì chỉ có nước nhịn đói. Mình thích nhất là ăn bánh giò nóng cùng nem chua. Vị béo ngậy của bánh quyện với vị chua dịu của nem chua khiến mình không thể cưỡng lại được”.

Dù không nghiền nem chua như chị Thanh, song chị Trần Hoài Thu (Hoàng Mai, Hà Nội) cùng các thành viên khác trong gia đình cũng rất thích món ăn này. Để đảm bảo vệ sinh, chị thường mua nguyên liệu về nhà tự làm. “Với cách này, tôi có thể cho bọn trẻ con ăn thỏa thích mà không e ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi đã từng chứng kiến một người hàng xóm bị sán ăn lên não vì thường xuyên uống rượu với nem chua ở ngoài hàng nên hãi lắm. Thế nên, đành chịu khó một tí vậy, chứ vừa ăn, vừa lo thì mất cả ngon”.

Là món ăn vặt dân dã nên nem chua không chỉ xuất hiện ở các cơ sở sản xuất tư nhân, các xe bán hàng dạo hay khu chợ... mà ngay trong các siêu thị lớn, chúng ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy sản phẩm này. Khác với những thực phẩm khác, nem chua không được nấu chín mà sử dụng hơi men của lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để làm chín. Cụ thể, thịt lợn sau khi được giã nhuyễn sẽ đem trộn với thính, bì lợn thái chỉ, muối tiêu, đường, tỏi... rồi chia thành các phần nhỏ và cuốn kèm với một loại lá nào đó tùy vào khẩu vị. Lớp ngoài cùng của nem chua thường được bọc bằng lá chuối. Cứ để như vậy sau khoảng 3-5 ngày là có thể ăn được.

Ngon 1, hại 10

Cũng bởi không được làm bằng nguyên liệu chín, thế nên, dù có thể đem lại cảm giác ngon miệng cho người ăn, song nem chua lại gây hại không nhỏ cho sức khỏe. Theo nếu thịt lợn được sử dụng làm nem chua bị nhiễm sán, giun thì nguy cơ lây sang người là rất cao. Có 2 nhóm bệnh có thể lây lan qua nem chua là: sán lá phổi và sán lá gan. Nếu chúng ta ăn phải thịt lợn chứa kén của con ấu trùng sán dây thì con ấu trùng đó nó vào dạ dày và phát triển thành sán. Nếu chúng ta ăn phải trứng của sán thì nó sẽ phát triển thành ấu trùng. Ấu trùng này rất nguy hiểm vì nó sẽ theo máu đi vào khắp tất cả các cơ quan, tổ chức của cơ thể.

Khi đã bị nhiễm sán, người bệnh sẽ cảm thấy đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đi đại tiện thấy các đốt sán trong phân. Ngoài biểu hiện này ra, nó còn khiến người bệnh cảm thấy đau đầu, nhìn mờ, giảm trí nhớ, động kinh.


Trên thực tế, tỷ lệ những người bị nhiễm sán do ăn phải thực phẩm không được chế biến chín như thế này chiếm một phần không nhỏ. Thống kê của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho thấy, uớc tính, trong số các ca điều trị nội trú tại Viện có đến 50% là do bị bệnh này.

Cụ thể, vừa qua, bệnh viện cũng vừa tiếp nhận một người bệnh thường xuyên bị đau đầu, lên cơn co giật. Dù đã chữa trị ở bệnh viện địa phương nhưng tình trạng vẫn không suy giảm. Chỉ đến khi gia đình quyết định chuyển lên tuyến trung ương thì mới phát hiện nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ấu trùng sán lợn trú ngụ ở trong não. Trường hợp này may mắn được chữa trị kịp thời, còn nếu để lâu hơn có thể dẫn đến vôi hóa trong não - nguyên nhân gây liệt hay động kinh.

Một nguy hại nữa khi sử dụng nem chua là do khâu bảo quản không tốt, khiến chất đạm bị hỏng, chuyển hóa thành các chất độc trung gian gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, nem chua cũng rất dễ bị nhiễm vi sinh vật, khiến người ăn phải mắc bệnh về đường tiêu hóa.


Nhiều người cho rằng các trường hợp nhiễm sán này chủ yếu là do ăn nem chua của các cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng, tuy nhiên, thực chất thì cho dù bạn có tự mua nguyên liệu về để chế biến thì nguy cơ này vẫn có thể xảy ra. Bởi lẽ, việc làm nem chua tại nhà chỉ có thể đảm bảo là: các nguyên liệu bạn mua tươi, ngon, được rửa sạch sẽ chứ không thể loại trừ khả năng có sán trong đó.

Để phòng ngừa bệnh giun xoắn, biện pháp hàng đầu là không ăn thịt lợn tái, gỏi sống, không ăn nem chua; quản lý tốt khâu kiểm dịch trước khi giết mổ lợn; vệ sinh sạch sẽ các điểm giết mổ gia súc.

Những người bị viêm đại tràng co thắt tuyệt đối không nên ăn nem chua


Viêm đại tràng co thắt là bệnh rất phổ biến, triệu chứng điển hình của bệnh là có thể bị đau ngay sau ăn, hoặc khi ăn no. Đặc biệt, người bệnh thường cảm thấy đau khi ăn một số thức ăn lạ, đồ chua, cay, lạnh…

Người bị viêm đại tràng co thắt thường đau ở vị trí vùng bụng dưới rốn, đau quặn, ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu. Khi bị viêm đại tràng, trong chế độ ăn uống nên chú trọng đến yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn các loại thực phẩm còn tươi sống (rau sống, nem chua, nem chạo, tiết canh, lòng lợn, gỏi cá…

Theo suckhoegiadinh.com.vn