Văn hóa đồ uống

Cần có "văn hóa" uống rượu

Uống rượu cho đúng và cho đẹp, con người chúng ta cũng cần trí tuệ, tri thức và nhất là ý thức. Phải ý thức được rằng, uống rượu cũng đòi hỏi có văn hóa. Mà văn hóa thì không chấp nhận sự thái quá. sự kiện nóng

Có một hiện tượng, sự việc diễn ra hàng ngày phổ biến trước mắt chúng ta, nhưng chúng ta có vẻ như muốn lờ đi, không muốn bàn đến nơi đến chốn. Đấy là việc uống rượu, bia. Ở đâu đó, chúng ta chỉ nói tới tác hại của rượu bia và muốn hạn chế, thậm chí cấm sử dụng chúng. Nhưng tất cả những quốc gia cấm rượu dường như đều không đạt hiệu quả. Như vậy, chuyện bia rượu "nghiêm trọng và bí ẩn hơn" chúng ta tưởng.

Càng khuyến cáo, càng uống nhiều

Rượu làm con người mất trí khôn, biến họ thành kẻ hung hãn, vô sỉ, giết hại những người thân thiết của mình... Những chuyện như thế này, thời nào cũng có, ở đâu cũng có. Loài người đã tốn rất nhiều giấy mực cũng như công sức để khẳng định với nhau là chúng vô cùng có hại, khuyên nhau nên tránh xa rượu, bia.

Nhưng thực tế thì thế nào? Các nhà máy sản xuất bia rượu tiếp tục được xây dựng, những nhãn hiệu bia rượu mới tiếp tục ra đời. Thậm chí người ta còn khôi phục lại những nhãn hiệu cũ, mà "tuyệt tác bia Trúc Bạch" là một minh chứng. Lại có thống kê sơ bộ, những năm gần đây, mỗi năm người Việt Nam chi cho rượu bia khoảng gần 70.000 tỷ đồng (trên 3 tỷ USD). Mà xu hướng ngày càng tăng - tăng cả số lượng người uống lẫn khối lượng bia rượu được tiêu thụ.

Thậm chí, ở Việt Nam, theo kết quả điều tra xã hội học của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) được công bố, 77% số người có bằng ĐH và trên ĐH đều biết uống rượu và đưa ra kết luận: Càng học cao, càng nhậu nhiều. Những người thuộc diện này không tự ái mà còn cho rằng đó là điều hợp lý vì muốn nhậu thì phải có tiền. Trí thức của ta hiện nay tuy chưa giàu nhưng cũng không đến nỗi phải ghen tị nhìn người khác nhậu mà thèm!

Như vậy, bia rượu là việc không thể thiếu trong cuộc sống, cần được quan tâm đúng mực. Việc uống bia rượu rất cần phải bàn, nhất là Tết đang đến. Những ngày này, trong hơn 23 triệu gia đình Việt Nam, hầu như nhà nào cũng có bia rượu; bạn bè gặp nhau, dứt khoát là được mời uống bia, uống rượu. Mời thì khó mà từ chối, nhất là trong những ngày đầu xuân. Nhưng uống rượu thế nào để không gây hậu quả xấu vẫn là điều rất khó lường.

Vì sao loài người vẫn tiếp tục yêu rượu?

Đây là câu hỏi thuộc loại khó trả lời nhất. Nếu so sánh giữa những cái lợi và cái hại của việc uống bia rượu thì cái lợi lép vế khủng khiếp! Có thể kể hàng loạt cái hại của việc uống rượu rất cụ thể: Tốn tiền, hại sức khỏe, mất thời gian, bệ rạc; nếu quá chén còn gây tai nạn giao thông, cà khịa với đồng nghiệp, bạo hành vợ con...

Còn cái lợi ở đâu? Có người bảo: "Ở chỗ gây hưng phấn dễ trò chuyện". Phụ nữ phản đối ngay: "Chúng tôi có cần giọt bia rượu nào đâu mà cũng có thể "buôn" với nhau cả buổi?!". Trả lời: "Bia rượu khiến đàn ông tự tin và mạnh mẽ hơn". Phụ nữ phản đối tức thì và mạnh mẽ: "Vớ vẩn, mạnh mẽ ở chỗ nào? Nốc rượu vào, các ông lăn quay ra ngủ, kéo gỗ ầm ầm, đến nỗi bọn lâm tặc muốn tuyển dụng"(!)

Thật vậy, tìm được một vài cái lợi cụ thể có sức thuyết phục của việc uống bia rượu rất khó. Ấy thế mà cả nghìn năm nay, con người vẫn say mê uống rượu.

Nếu uống bia rượu chỉ toàn hại, không mang lại bất cứ lợi lộc nào thì con người đã từ bỏ lâu rồi. Vì vậy, chắc chắn vẫn có những cái lợi, nhưng để nhìn ra và thuyết phục, không dễ dàng gì.

Không ai xác định được những tuyệt tác nghệ thuật nào ra đời trong những cuộc rượu. Nhưng chắc chắn nhiều "viên kim cương" trong kho tàng thơ Đường ra đời nhờ tác giả của chúng yêu quý rượu. Yêu rượu cũng như yêu người vậy, ít khi ta tự hỏi vì sao? Nếu có hỏi cũng không trả lời rành rọt được.

 
Uống rượu cho đúng và cho đẹp, con người chúng ta cũng cần trí tuệ, tri thức

Hãy uống rượu một cách có văn hóa

Trong chuyện uống rượu, có cả sự cao quý, sự sang trọng và dung tục, thấp hèn. Cao sang là những lúc uống rượu có tính chất nghi lễ như tiệc chiêu đãi, bạn bè gặp nhau, lễ, Tết... Điều quan trọng nhất là không quá chén, không ép nhau uống tới cùng. Dung tục là khi người ta uống rượu bất kể lúc nào, bất kể ở đâu, thúc ép nhau uống; hô hào, gào thét ầm ĩ. Đáng sợ và đáng khinh hơn khi những kẻ nát rượu sẵn sàng đi ăn cắp, ăn cướp để có tiền uống rượu.

Riêng khái niệm như "quốc tửu" chẳng hạn, cũng được hình thành một cách tự nhiên chứ không phải do bầu bán mà có. Nếu loại rượu nào phổ biến rộng rãi tới mức có thể đại diện cho quốc gia đó thì đấy là quốc tửu. Còn nếu chưa có thì cũng không nhất thiết phải bình bầu, lựa chọn cho có. Chúng ta đang có ý tưởng chọn "quốc tửu" của Việt Nam. Điều này cũng gần như một biểu hiện của sự thái quá.

Hàng nghìn năm nay, con người ta vẫn uống rượu như thế, và rượu vì thế, ngày nay vẫn đồng hành cùng nhân loại. Kẻ yêu, người ghét rượu đều phải thỏa hiệp với nhau, chấp nhận nhau để sống. Tuy nhiên, con người là sinh vật có trí tuệ vượt trội so với các loài khác vì có tư duy, nhận thức và có văn hóa.

Văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của con người. Cái gì trường tồn, thông thường, đều liên quan đến văn hóa hoặc thuộc về văn hóa. Việc con người sản xuất rượu và uống rượu đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Ở Việt Nam, trong các gia đình, dòng họ, các ông cụ cao niên không bao giờ từ chối nhâm nhi chén rượu trong dịp lễ, Tết. Nhà có việc hiếu hỷ, thậm chí giết gà, mổ lợn... kiểu gì thì gia chủ cũng phải sắm chai rượu mới đúng nghi lễ. Các cụ không bao giờ khoe khoang về tửu lượng của mình nhưng cụ nào uống kém thì lấy làm áy náy lắm!

Nhưng cũng có nhiều gia đình, dòng họ đưa ra luật lệ đàng hoàng: Con gái không được uống rượu, con trai trên 18 thì có thể. Mỹ là nước đề cao dân chủ, tự do nhưng pháp luật của họ quy định rất rõ ràng: Thanh niên dưới 21 tuổi không được phép uống rượu bia, nếu người lớn rủ rê họ sẽ bị cho là phạm pháp. Quán hàng không được bán rượu bia trước 12 giờ trưa và tuyệt đối cấm bán cho người dưới 21 tuổi.

Các sứ quán thường mở tiệc đãi khách, rượu không thiếu và không ai hạn chế uống nhưng phải uống theo nghi lễ nhất định. Để chiều nhiều người có đam mê và tửu lượng khá, họ thường bố trí một chỗ kín có đầy rượu, nếu ai thích thì cứ việc đến đó uống thoải mái, không phải chạm ly hay chúc tụng gì cả. Nhưng hiếm người tới đây để uống cho đã. Trong các bữa tiệc, những người biết uống rượu lại thường chỉ dùng rượu vừa đủ, chủ yếu cho không khí vui vẻ và tinh thần sảng khoái.

Văn hóa không chấp nhận sự thái quá

Có những người thường xuyên uống rượu nhưng chưa bao giờ họ quá chén. Với họ, có những "quy tắc" trong chuyện uống rượu thế này: Trước khi nhận lời tham gia một cuộc rượu, hãy tự hỏi mình bốn câu: Vì sao uống? Uống lúc nào? Uống ở đâu? Uống với ai? Trả lời xong 4 câu hỏi đó thì quyết định có tham gia hay không? Nếu có tham gia thì phải biết uống như thế nào là đủ, là đúng, là đẹp.

 
Quá chén có thể gây tai nạn giao thông

Để uống rượu cho đúng và cho đẹp, con người chúng ta cũng cần trí tuệ, tri thức và nhất là ý thức. Phải ý thức được rằng, uống rượu cũng đòi hỏi có văn hóa. Mà văn hóa thì không chấp nhận sự thái quá. Vì vậy, cứ để việc uống rượu diễn ra tự nhiên, không nên bài bác thái quá như cấm uống rượu; cũng như cổ vũ thái quá đến mức "không biết uống rượu thì không phải đàn ông".

Thế nhưng, nếu nâng rượu lên thành "quốc tửu" như ý tưởng gần đây được báo chí thông tin thì lại là chuyện cần bàn cho kỹ lưỡng.

Một đất nước, một quốc gia có những thứ bắt buộc phải có như quốc kỳ, quốc huy, quốc ca... Cũng có những thứ, không có cũng chẳng sao, như "quốc hoa", "quốc tửu"... Phần lớn các nước trên thế giới, trong đó có các siêu cường như Mỹ, Nga không có "quốc hoa", "quốc tửu".

Riêng khái niệm như "quốc tửu" chẳng hạn, cũng được hình thành một cách tự nhiên chứ không phải do bầu bán mà có. Nếu loại rượu nào phổ biến rộng rãi tới mức có thể đại diện cho quốc gia đó thì đấy là quốc tửu. Còn nếu chưa có thì cũng không nhất thiết phải bình bầu, lựa chọn cho có. Chúng ta đang có ý tưởng chọn "quốc tửu" của Việt Nam. Điều này cũng gần như một biểu hiện của sự thái quá.
Theo Vietnamnet.vn
Cùng chuyên mục