Một người thợ bánh mì Nhật Bản 43 tuổi, Junpei Katsumi đã tạo ra những ổ bánh mì nghệ thuật khiến cho người mua không nỡ ăn. Cuộc sống của anh Katsumi lúc nào cũng chỉ vây quanh bột mì và men. Ngoài việc tạo ra những ổ bánh mì có hương vị đặc biệt, anh còn sáng tạo ra nhiều loại men mới khác nhau.
Katsumi được truyền cảm hứng từ người mẹ của mình, biến các kỹ năng làm bánh mì thành việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật trừu tượng trên bánh mì.
Trước khi than hoạt tính trở thành một xu hướng mới trong ẩm thực, Katsumi đã sử dụng tinh than làm từ tre địa phương để tạo ra những ổ bánh mì có màu đen đặc trưng. Trong những dịp đặc biệt, anh thường sử dụng than làm từ cây bạch quả đã chết để mang lại hương vị mới lạ cho món bánh.
Những tác phẩm của Katsumi đã trở thành biểu tượng sáng tạo trong ẩm thực Nhật Bản. Anh đã trưng bày các tác phẩm làm bằng bánh mì của mình tại các cửa hàng, buổi hòa nhạc, phòng trưng bày và nhiều sự kiện văn hóa khác trên khắp Nhật Bản.
Những miếng bánh mì của Katsumi đa số có vị hơi chua, kết cấu mềm mịn đặc biệt, phần nhân bánh đậu đỏ bên trong ngon xuất sắc, tất cả hòa quyện với nhau và được tô vẽ bằng các họa tiết cách điệu.
Người ta nói rằng bánh mì của Katsumi khiến cho người ăn như cảm nhận được sự lắng đọng và sự chậm chạp của thời gian. Cắn một miếng “anpan” (loại bánh mì nhân đậu đỏ), cuộn đầy phô mai kem, miso, dầu ô liu, người ăn sẽ thốt lên một cách sung sướng rằng đây là loại bánh mì ngon nhất mà họ từng được ăn.
Bạn của Katsumi là chủ một doanh nghiệp than đã tuyên bố đã tìm thấy một hóa thạch đông lạnh ở vùng núi bên ngoài Kamakura có chứa Bacillus F, một loại vi khuẩn cổ xưa được nhà khoa học người Nga tên là Anatoli Brouchkov ở đại học quốc gia Moscow phát hiện lần đầu tiên trong não hóa thạch voi ma mút.
Tuy nhiên, tiến sĩ Brouchkov hoài nghi vi khuẩn mà Katsumi đang nướng cùng có thể là Bacillus F. Ông không biết làm thế nào một số thợ làm bánh ở Nhật Bản có thể có được nó.
Katsumi nói rằng mình đã lên men rượu táo và phát hiện ra hầu hết các rượu táo thường được lên men trong 1 tháng, thì anh làm chỉ mất có 2 ngày. Anh tin rằng chúng có chứa vi khuẩn Bacillus F nên đã sử dụng rượu táo vào bánh mì.
“Vi khuẩn này không chết vì lạnh hay nóng, trong khi các vi khuẩn khác chết trong khi nướng. Vì vậy, nó đã thay đổi toàn bộ câu chuyện về bánh mì. Khi mọi người ăn loại bánh mì này, vi khuẩn Bacillus F sẽ tự bảo vệ khỏi axit trong dạ dày và nó vẫn còn sống”, Katsumi nói.
Katsumi nói rằng khi ăn vi khuẩn này, người ăn có thể cảm thấy một hiệu ứng mạnh mẽ và khác thường, tương tự như nấm ảo giác (Katsumi cũng thêm nấm ảo giác vào bánh mì của mình nhưng không bán ở cửa hàng Paradise Alley). Loại vi khuẩn này có thể tạo ra một sự thay đổi lớn trong dạ dày, cuối cùng dẫn tới sự thay đổi trong suy nghĩ.
Khi cắn một miếng bánh mì, rất nhiều thứ xảy ra trong cơ thể người ăn nhưng hãy yên tâm là nó hoàn toàn không gây hại gì cả. Nó chỉ tạo ra những cảm giác ngây ngất khi được thưởng thức một loại bánh mì ngon mà thôi.