Món ngon từ thịt dê

Dê - Món ăn, vị thuốc số 1 cho sức khỏe

Dê là loài động vật nhai lại, thuộc họ Bovidae (họ trâu bò), guốc chẵn. Từ lâu đời, dê được nuôi để lấy thịt, sữa và da. Dê không chỉ là vật nuôi gần gũi mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh trong văn hóa phương Tây và phương Ðông.

Dê là loài động vật nhai lại, thuộc họ Bovidae (họ trâu bò), guốc chẵn. Từ lâu đời, dê được nuôi để lấy thịt, sữa và da. Dê không chỉ là vật nuôi gần gũi mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh trong văn hóa phương Tây và phương Ðông. Dê không chỉ là món ăn khoái khẩu, mà trong y học các bộ phận từ con dê đều có thể được chế thành thuốc bổ hoặc thuốc chữa bệnh mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe.

Thịt dê (dương nhục)

Thịt dê có vị ngọt, tính nóng (cam nhiệt) thuộc hỏa, không độc. Có tác dụng bổ hư lao, ích khí huyết, tráng dương đạo, ấm thận, ấm trung tiêu, khai vị kiện tỳ, thông khí phát sang (làm phát mụn nhọt).

Theo Thập tễ viết: bổ có thể làm hết hư nhược, nhân sâm, dương nhục đều là những thứ để bổ. Nhân sâm bổ khí, dương nhục bổ hình, đều bổ huyết hư, vì dương sinh thì âm trưởng (khí thuộc dương, huyết thuộc âm). Chứng hư lao, gầy yếu, đau lưng mỏi gối, thận dương hư (đàn ông di tinh liệt dương, đàn bà khí hư bạch đới), khí huyết hư tổn, tự hãn, có thể ăn liên tục 30-40g/ngày thịt dê chế biến thành các món ăn, có thể trị được.

Thịt dê có thể chế biến thành món ăn cung đình số 1 cho sức khỏe (Ngự tiệc) đó là món thố tiềm gồm thịt dê, nhân sâm (hoặc sâm ngọc linh), đông trùng hạ thảo, nhung hươu ăn cùng với một số loại nấm quý... Món này đại bổ khí huyết, tăng cường sinh lực và tăng hormon sinh dục cho cả nam lẫn nữ, phục hồi sức khỏe kỳ diệu khi mắc những bệnh mạn tính.

Hải Thượng Lãn Ông khuyên ăn thịt dê tái với gừng, hành, tỏi và hẹ. Có tác dụng tiêu thực và làm ấm đan điền (là nơi xuất phát của mạch xung, nhâm, đốc và thông hai mạch xung nhâm, nhờ vậy lục phủ ngũ tạng đều được thụ khí).

Đương quy sinh nhượng, dương nhục thang: gồm có đương quy, sinh khương (gừng) và dương nhục, có tác dụng bổ khí huyết (kim quỹ yếu lược).

Phụ nữ khí huyết hư yếu hay sảy thai hoặc phụ nữ sau sinh dùng thịt dê với các thang thuốc bổ khí huyết dùng rất tốt.de-mon-an-vi-thuoc-so-1-cho-suc-khoe-1

Các bộ phận của dê đều có tác dụng chữa bệnh.

Gan dê (dương can)

Gan dê vị đắng tính lạnh (khổ hàn), sắc xanh, bổ can minh mục (sáng mắt). Dùng gan dê lấy tả làm bổ (dĩ tả vi bổ). Dương can hoàn, gia hoàng liên trị bệnh ở mắt.

Chữa chứng can phong hư nhiệt, mắt có màng đỏ, sau khi hết sốt mắt bị mờ. Trường hợp trẻ em bị quáng gà dùng gan dê rất tốt. Luộc hoặc hấp 40 - 50g gan dê ăn hằng ngày.

Chữa can huyết hư: cơ thể suy nhược, chóng mặt, mờ mắt: nấu cháo gan dê ăn hằng ngày.

Chữa can hỏa vượng: đau đầu, hoa mắt, mắt đỏ, chóng mặt: gan dê 60g, cốc tinh thảo 10g, cúc hoa 10g sắc kỹ, ngày uống 3 lần.

Mật dê (dương đởm)

Mật dê vị đắng tính lạnh (khổ hàn) có tác dụng tiêu viêm, minh mục (chữa đau mắt, mờ mắt). Lý Thời Trân viết: can khai khiếu ra mắt, lượng dịch mật (đởm trấp) giảm làm mắt mờ đi, bởi đởm là tinh hoa từ can, nên chữa được các bệnh về mắt.

Trị viêm mắt bờ mi, mắt có màng đỏ, màng trắng, vào tháng chạp lấy mật dê, bọc túi giấy để vào trong lồng, treo dưới thềm, đợi sương xuống, sau đó quét lên mắt hoặc hòa loãng mật dê với nước sạch để nhỏ mắt hằng ngày.

Lấy mật ong cho vào túi mật dê nấu chín, để khô, nghiền thành cao, mỗi lần ngậm một chút để thanh can, dưỡng huyết. Thứ cao này tên là “Nhị bách vị thảo hoa cao”, bởi con dê ăn trăm thứ cỏ, con ong hút mật trăm thứ hoa.

Dùng mật dê để bôi, xoa bóp vào những vết bầm tụ máu do bị ngã, bị thương.

Xương dê (dương cốt)

Xương dê vị ngọt, tính ấm (cam ôn), có công dụng bổ thận, cường gân cốt thường dùng dưới dạng bột nướng hoặc nấu thành cao.

Dùng xương dê, tốt nhất là xương cẳng chân (hĩnh cốt) nướng lên, tán thành bột mịn. Hoặc xương dê rửa sạch, bỏ phần xương xốp, ngâm trong rượu gừng đem nấu một ngày đêm, lấy nước, cô đặc thành cao. Bột nướng và cao xương dê dùng chữa thận hư, tỳ vị hư nhược, phụ nữ sau khi đẻ khí huyết hư...

Tiết dê (dương huyết)

Tiết dê vị mặn, tính bình có công dụng bổ huyết, chỉ huyết, giải độc.

Huyết dương tửu: gồm dương huyết, đại hồi, quế chi, sinh khương, xuyên khung, trần bì. Bài thuốc này có tác dụng hành khí, hoạt huyết.

    Có thể dùng rượu ngâm dương huyết, đương quy, mật ong để bổ huyết cho những người suy nhược, phụ nữ sau sinh rất tốt.

    Tiết dê (đốt thành than) 5 phần, bột huyết dư 5 phần, bột hoàng cầm 1 phần, tất cả trộn đều rồi rắc vào vết thương chảy máu, có tác dụng chỉ huyết.

    Giải độc thủy ngân, đan thạch,  asen, lưu huỳnh.

    Sữa dê (dương nhũ)

    Sữa dê vị ngọt tính ấm (cam ôn). Có hàm lượng dinh dưỡng cao. Có tác dụng bổ phế thận hư, nhuận vị, nhuận táo.

    Trị phản vị tiêu khát, miệng lưỡi sưng lở (ngậm, súc miệng rồi nhổ đi), trị nhện cắn (bôi vào vết cắn), sâu bọ chui vào tai có thể nhỏ sữa dê vào để chúng tự bò ra.

    Dùng để tắm dưỡng da có tác dụng làm trắng và mịn đẹp da

    Tinh hoàn dê (ngọc dương)

    Ngọc dương có tác dụng bổ thận sinh tinh trị thận hư, liệt dương, lãnh cảm. Người ta thường dùng ngọc dương hấp rượu, ngâm rượu thuốc cùng với các vị khác như đỗ trọng, tục đoạn, kỷ tử, thục địa, đương quy...

    Ngọc dương có thể cho xay sinh tố với một số loại hoa quả và mật ong hòa với rượu để uống, dễ uống và tốt cho cả nam lẫn nữ

    Thận dê (dương thận)

    Thận dê vị ngọt (cam), tính bình, có tác dụng bổ thận khí, ích tinh sinh tủy.

    Trị liệt dương, xuất tinh sớm: thận dê một đôi, thục địa 10g, kỷ tử 10g, nhục thung dung 12g, ba kích 8g. Thận dê làm sạch, thái miếng, hầm kỹ với các vị thuốc trên, thêm gia vị, ăn nóng.

    Trị hư, tai ù tai điếc, di tinh, liệt dương: thận dê 1 quả, thịt dê 100g, kỷ tử 30g, gạo tẻ 50g, gạo nếp 1 nắm nhỏ, nêm gia vị vừa đủ, nấu thành cháo, ăn vài lần trong ngày.

    Trị đau lưng lâu ngày: thận dê một đôi, hầm với hắc đậu (đậu đen) 60g, đỗ trọng 12g, tiểu hồi 3g, sinh khương (gừng tươi) 3 lát, nêm gia vị vừa ăn, ăn ngày 2 lần.

    Dạ dày dê (dương đỗ)

    Dạ dày dê vị ngọt, tính ấm (cam ôn), có tác dụng bổ hư, kiện kỳ, ích vị.

    Trị chứng tỳ vị hư hàn: dạ dày dê một cái hầm nhừ với gừng tươi (sinh khương), riềng (cao lương khương) và nhục quế (lượng vừa đủ), ăn trong ngày.

    Trị chứng can uất phản vị: dạ dày dê hầm với hoài sơn 12g, bạch truật 12g, bạch biển đậu 12g, bán hạ chế 8g, bạch thược 12g.

    Sừng dê (dương giác)

    Sừng dê đặc biệt là linh dương giác là tốt nhất, có tác dụng thanh tâm, lương huyết, an thần, trấn kinh tức phong, thanh can hỏa.

    Dùng sừng dê mài ra trong nước (thủy phi) hoặc mài bột mịn pha với nước ấm, uống để trị các chứng sốt cao, nói sảng, chân tay co giật, múa vờn, kinh phong, kinh giản rất hiệu nghiệm.

    Phối hợp với các vị thiên ma, câu đằng, bạch phụ, thuyền thoái, địa long, rau má, rau đắng biển,…đặc trị các chứng về thần kinh, động kinh, tăng cường trí nhớ.

    Lưu ý: Thịt dê và các bộ phận kỵ đồ đồng (đồng khí) nếu nấu bằng nồi đồng gây bại thận.

    Người có đàm hỏa, thấp nhiệt thì không dùng thịt dê.

    Phụ nữ có thai hạn chế ăn thịt dê (vì thịt dê có tính nhiệt dễ gây động thai).

    Sau khi ăn thịt dê không nên uống trà ngay vì trong thịt dê có chứa nhiều protein, còn trong lá chè có nhiều axit tannic. Nếu như sau khi ăn thịt dê mà uống ngay trà thì axit tannic trong lá chè kết hợp với protein trong thịt dê tạo thành một chất có tên tannalbin, chất này có tác dụng cầm giữ, làm cho nhu động ruột yếu đi, lượng nước trong phân cũng giảm hơn, khiến cho việc đi ngoài không được thông, thậm chí sinh ra táo bón. Như vậy, các chất độc và chất gây ra ung thư sẽ nằm lâu trong ruột, cơ thể phải hấp thu, gây nguy hại cho sức khỏe.

    Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)

    Theo suckhoedoisong.vn