Mới nhất

Trứng gà hai lòng đỏ giá trị dinh dưỡng cao

Trứng gà hai lòng đỏ, chuối hai quả cùng vỏ là chuyện thường tình mà ta vẫn thường gặp, vẫn sử dụng như bình thường.

Nếu tính theo đơn vị là quả, người ta vẫn gọi là một, nhưng về trọng lượng và giá trị dinh dưỡng của nó sẽ lớn hơn nhiều so với quả trứng một lòng đỏ.

Gà đẻ trứng hai lòng là hiện tượng bình thường

Theo các chuyên gia về chăn nuôi gia cầm, trứng gà hai lòng đỏ có thể là sản phẩm của gà nhà và gà công nghiệp.

Trong chu trình đẻ trứng của gà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: loài, giống, độ tuổi, trạng thái sinh lý, đặc điểm cá thể, điều kiện ngoại cảnh, nuôi dưỡng, tác động của ánh sáng, thức ăn, nước uống…, nhất là lượng đạm và canxi trong thức ăn.

Ở giai đoạn đẻ trứng, thỉnh thoảng trong cơ thể gia cầm có rụng hai trứng (như trường hợp sinh đôi khác trứng ở người), nhưng tỉ lệ này xuất hiện ở gia cầm nhiều hơn ở người. Vì lý do đó mà gia cầm đẻ trứng hai lòng đỏ là hoàn toàn bình thường.

Dựa vào đặc điểm sinh lý của gia cầm, cùng với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi người ta chọn giống gà siêu trứng, điều kiện nuôi kín, tăng lượng ánh sáng… để việc đẻ trứng đạt năng suất cao.

Giá trị dinh dưỡng của trứng

Trọng lượng của một quả trứng gà tùy thuộc vào từng loại giống (gà chọi, gà ri, gà siêu trứng...), nhưng trọng lượng trung bình của 1 quả trứng bình thường của gà ta là khoảng 40 - 45g, lòng đỏ chiếm tỉ lệ 40%, 60% còn lại là lòng trắng và vỏ.

Trọng lượng của trứng gà hai lòng đỏ khoảng 60 - 70g, tỉ lệ cơ bản của quả trứng cũng như quả trứng bình thường.

Một số người cho rằng, trọng lượng của trứng hai lòng nhiều hơn, nhưng giá trị dinh dưỡng của nó lại chỉ tương đương với trứng một lòng là chưa chính xác.

Tương ứng với trọng lượng, giá trị dinh dưỡng của quả trứng hai lòng sẽ gấp 1,5 lần quả trứng một lòng. Vì thế, dựa theo trọng lượng quả trứng hai lòng mà người ta phân loại ra để bán với mức giá cao hơn mà thôi.

Lòng đỏ trứng gà có giá trị dinh dưỡng rất cao, trong 100g có hàm lượng các chất dinh dưỡng như sau: protein 13,6g; lipid 29,8g; 134mg canxi; sắt 7,0mg; kẽm 3,7mg; folat 146µmg; vitamin A 960µg; cholesterol 2.000mg và có rất nhiều các vitamin và khoáng chất khác, cũng như axít béo không no một hay nhiều nối đôi.

Chất đạm của trứng là nguồn cung cấp rất tốt các axít amin cần thiết có vai trò quan trọng cho cơ thể, đặc biệt cần cho sự phát triển cả về cân nặng và chiều cao của trẻ.

Trứng có nguồn chất béo rất quý đó là lecithin, lecithin thường có ít ở các thực phẩm khác (trừ đậu nành).

Lecithin giúp giảm cholesterol, tăng HDL cholesterol (cholesterol tốt) và làm giảm LDL cholesterol (cholesterol xấu) hiện hữu trong cơ thể con người.

Ngoài ra, lecithin giúp giảm cân, giúp phá vỡ và phân tán mỡ trong thức ăn và trong máu thành những phân tử nhỏ hơn.

Khi đó, cơ thể sẽ sử dụng lượng mỡ đã được phân chia nhỏ này để làm nguồn nhiên liệu cung cấp năng lượng cho cơ thể hơn là dự trữ trong các mô tế bào.

Ăn trứng như thế nào để tốt cho sức khỏe?

Trứng là thức ăn quen thuộc và giàu chất dinh dưỡng, các chất dinh dưỡng lại có tỉ lệ cân đối, do vậy trứng có thể sử dụng cho cả trẻ em và người lớn.

Với trẻ nhỏ từ 6 - 7 tháng tuổi, ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà/bữa, ăn 3 - 4 bữa/tuần; trẻ từ 8 - 12 tháng tuổi, ăn 1 lòng đỏ trứng gà/bữa, ăn 3 - 4 bữa/tuần; trẻ từ 1 - 2 tuổi ăn 1 quả/bữa, ăn từ 3 - 4 bữa/tuần.

Người bị cao huyết áp hoặc cholesterol cao trong máu vẫn có thể ăn trứng, vì nó không làm tăng huyết áp và cholesterol máu, tuy nhiên một tuần chỉ nên ăn từ 1- 2 quả/tuần. Nếu ăn trứng gà hai lòng, dựa vào trọng lượng và giá trị dinh dưỡng để ăn cho cân đối và hợp lý.

Theo soha.vn