Mẹo làm bếp

Mẹo hay chọn cua đồng ngon, nhiều thịt

Thịt cua đồng chứa nhiều protid, Ca, P, Fe, vitamin B1, B2, B6 và PP; ngoài ra có melatonin. Mai cua còn có chất chitin. Đặc biệt cua đồng chứa nhiều canxi, giúp xương cứng cáp và phát triển nên thích hợp với cả người lớn trẻ em.

Cách chọn cua ngon

- Màu sắc cua: Cua đồng thường có màu xám đục, phần mai cua màu sáng hơn.

- Cua khỏe, tươi: Bạn nên chọn những con cua di chuyển nhanh, càng khỏe luôn chĩa lên trên, mình mập và còn đủ chân. Lấy tay ấn vào vỏ yếm cua thấy nổi bọt khí là cua còn tươi.

- Nhận biết cua đực và cua cái: Cách phân biệt đơn giản nhất là bạn quan sát phần yếm cua. Nếu thấy cua có yếm nhỏ là cua đực, còn yếm lớn hơn thì đó là cua cái. Nếu muốn nấu nhiều gạch thì nên chọn cua cái và muốn nhiều thịt thì chọn cua đực.

- Kiểm tra cua chắc thịt: Bạn lật ngửa con cua và ấn vào phần yếm nếu thấy không bị lún tức là cua chắc thịt. Nếu thấy lún thì đó cua ốp, ít thịt, cua thường bị khai và ăn không ngon.

- Thời điểm cua ngon: Cua béo, chắc thịt và ngọt thơm nhất là vào đầu tháng và cuối tháng. Giữa tháng thường là thời điểm cua lột vỏ nên cua gầy ốm và ít thịt.

Mẹo hay chọn cua đồng ngon, nhiều thịt - Ảnh 1

Cua đồng thường có màu xám đục, phần mai cua màu sáng hơn.(Ảnh minh họa).

Mẹo sơ chế cua

- Để việc xé cua trở nên dễ dàng hơn, ngoài việc bẻ càng cua hoặc đeo găng, có một cách khá hay là bạn cho cua vào trong nước đá lạnh. Khi gặp nước lạnh cua nằm im và bạn không còn sợ càng cua kẹp tay nữa.

- Để cua khi chế biến không có mùi tanh, bạn nên chưng gạch thơm trước khi nấu nhé.

Cẩn trọng khi ăn cua đồng

Thông tin trên Trí thức trẻ, không được uống nước cua sống vì có thể chứa ấu trùng sán lá. Đặc biệt là dùng thuốc uống nước vắt từ cua đồng giã nhuyễn trị bầm tím do té ngã ứ huyết, uống nước giã nhuyễn cua đồng sống để trị ngộ độc do ăn khoai mì (sắn)... là những cách hết sức nguy hiểm vì dễ nhiễm ký sinh trùng (sán).

Theo khuyến cáo của cơ quan y tế California (Hoa Kỳ), ăn cua đồng sống hay nấu chưa chín có thể bị bệnh sán lá phổi do ký sinh trùng Paragonimus. Ký sinh trùng này sống bám trên cua đồng, khi vào tới ruột người, gây ra các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy... sau đó chúng sang phổi gây ho, đau tức ngực, khó thở, nóng sốt, nổi mề đay... Nếu sán cư trú ở não thì thường gây cơn động kinh, ở gan thì tạo áp-xe gan.

Tại Việt Nam, từng có một số người dân ở vùng Thanh Hóa, Bắc Giang, Nghệ An... vì muốn dẻo dai trong các cuộc thi đấu vật nên đã uống nước cua đồng sống và bị bệnh sán lá phổi.

Khi chọn cua đồng, nếu thấy có những dấu hiệu sau thì chớ dùng để nấu ăn, vì theo Nan dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh đã lưu ý, những lại này phải cẩn thận, ăn vào hại người:

- Cua đồng có 4 hoặc 6 chân: Loại cua đồng ăn được thường có hai càng to và tám chân. Tuy nhiên, cũng có loại chỉ sáu hoặc bốn chân, phải cảnh giác với loại này.

- Cua có mắt đỏ

- Bụng dưới con cua có lông

- Con cua trong bụng có xương

- Con cua đầu lưng có chấm sao

- Con cua chân có khoang

Theo doisongphapluat.com