An toàn thực phẩm

Chọn thực phẩm thông minh để tránh bệnh truyền nhiễm mùa hè

Tại buổi Giao lưu trực tuyến về phòng chống các bệnh dịch dễ lây nhiễm trong mùa hè với Báo điện tử của Báo Gia đình và Xã hội - Bộ Y tế, TS. Trần Quang Trung – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã chia sẻ những thông tin về cách sử dụng thực phẩm thông minh cho các bữa ăn cũng như những thông tin liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm

Không nên ăn quá nhiều trai, ốc

Độc giả Nguyễn Thu Hằng - hangthu@gmail.com - Nữ 38 tuổi: Xin ông cho biết các biểu hiện của bệnh lây nhiễm qua đường thực phẩm và ở mức độ nào các bệnh nhân cần đưa đến cơ sở khám chữa bệnh?

TS Trần Quang Trung: Bệnh truyền qua thực phẩm là bệnh do ăn, uống thực phẩm bị nhiễm tác nhân gây bệnh. Bệnh truyền qua thực phẩm bao gồm cả ngộ độc thực phẩm và nhiễm trùng thực phẩm. Hiện tượng dị ứng do mẫn cảm của cá thể với một loại thức ăn được xác định nào đó không được coi là bệnh truyền qua thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc, được phân loại thành: Ngộ độc thực phẩm cấp tính: hội chứng bệnh lý cấp tính do ăn uống phải thực phẩm có chất độc, xảy ra đột ngột, do ăn phải thức ăn có chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng dạ dày - ruột (buồn nôn, nôn, ỉa chảy...) và những triệu chứng khác tuỳ theo tác nhân gây ra ngộ độc với những biểu hiện đặc trưng của từng loại NĐTP (liệt, co giật, rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn...). Tác nhân gây NĐTP có thể là chất độc hoá học (Hóa chất BVTV, kim loại nặng...), chất độc tự nhiên có sẵn trong thực phẩm (Axít Cyanhydric (HCN), Saponin, Alcaloid...), do độc tố của vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng...), hoặc do chất độc sinh ra do thức ăn bị biến chất.Ngộ độc thực phẩm mạn tính: là hội chứng rối loạn cấu trúc và chức năng của tế bào, tổ chức dẫn tới những hội chứng bệnh lý mạn tính hoặc các bệnh mạn tính do sự tích lũy dần các chất độc do ăn uống.

Bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm tùy theo loại tác nhân, tổng liều ăn vào, tình trạng đáp ứng của người tiêu dùng. Nói chung, khi có biểu hiện bất thường sau khi ăn uống thức ăn như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, hoặc những triệu chứng khác như liệt, co giật, rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn... cần đưa đến cơ sở khám chữa bệnh để được khám và xử lý.

 
Ăn quá nhiều trai - ốc sẽ không tốt

Độc giả Lê Kim Liên - kinlienle@gmail.com - Nữ 35 tuổi: Tôi có nghe nói các loại trai, ốc, hến… có nhiễm kim loại nặng nhưng đây lại là các loại thực phẩm được gia đình tôi và nhiều người yêu thích trong mùa hè. Vậy xin ông có thể đưa ra lời khuyên đối với những thực phẩm này trong mùa hè?

TS. Trần Quang Trung: Trai, ốc, hến thường được nuôi trồng ở vùng an toàn thì rất tốt, chúng ta không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu một lương lớn đi các nước. Tuy nhiên, đối với một số loại ốc nếu khai thác từ các ao hồ điều hòa môi trường ở các đô thị (không phải vùng nuôi thủy sản) thì có nguy cơ rất cao về nhiễm kim loại nặng như chì, cadmi, thủy ngân... Đối với những loại ốc này, tốt nhất không nên ăn, nếu ăn thì không nên ăn nhiều trong một bữa. Nếu người dân ăn thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Lời khuyên đối với những thực phẩm này: Người dùng cần chế biến đúng cách, ngâm rửa cẩn thận, nấu chín kỹ để đảm bảo không bị nhiễm vi sinh, vừa giảm bớt độc hại trong thực phẩm này.

Gỏi cá bẩn có thể là "ổ sán"

Độc giả Nguyễn Văn Hải - hainguyen@gmail.com - Nam 48 tuổi: Nấm là thực phẩm khá phổ biến. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều ca ngộ độc xảy ra. Nhiều người ở thành phố như tôi cũng có cảm giác e ngại với các loại nấm bán ngoài chợ trong khi đó, mùa hè tôi thấy nấm được bán rất nhiều. Liệu có khả năng những loại nấm bán ở chợ sẽ gây ngộ độc và các ngộ độc về nấm có khả năng gây lây nhiễm hay không?

TS. Trần Quang Trung: Nhìn chung nấm bán trên thị trường hiện nay là đảm bảo vì các cơ quan chức năng đã kiểm tra, lấy mẫu, cho đến nay chưa phát hiện được trường hợp nào nhiễm độc. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, ở một số vùng sâu vùng xa đã hái nấm mọc hoang dại ở cạnh nhà, bìa rừng... đó là những loài nấm độc. Khi sử dụng thì gây ngộ độc cho. Rất khó xác định đâu là nấm độc, vì vậy người dân không nên hái và sử dụng nấm mọc hoang dại. Người dân có thể truy cập Webside của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế để biết thêm chi tiết về các loài nấm độc này.

 
Thức ăn đường phố dễ gây bệnh truyền nhiễm

Độc giả Nguyễn Hoài Lê Phương - hoaiphuongnguyen@gmail.com - Nữ 30 tuổi: Quê tôi ở Kim Sơn- Ninh Bình. Ở đây, người dân rất thích ăn món gỏi cá, họ có thể ăn quanh năm suốt tháng. Theo tôi được biết thì món gỏi rất dễ gây tiêu chảy. Ông có thể tư vấn để người dân vừa được ăn món khoái khẩu mà vẫn an toàn?

TS. Trần Quang Trung:
Thường gỏi cá có nguy cơ nhiễm vi sinh trong quá trình chế biến, trong gỏi cá thường có sán, nhất là sán lá gan. Vì vậy tốt nhất không nên ăn gỏi.

Hoặc nếu có ăn thì phải xác định là cá được nuôi ở vùng có an toàn hay không (nếu cá được nuôi ở ao hồ có sử dụng cầu tiêu thì tuyệt đối không nên ăn). Khi ăn gỏi phải chọn cá thật tươi, nhìn thớ thịt cá có bất thường hay không để tránh các ổ sán. Trước khi ăn, cá phải ngâm với nước chanh. Rau sống ăn kèm gỏi cũng phải chọn rau sạch, ngâm rửa cẩn thận.

Quy định xử phạt chưa đủ răn đe?!

Độc giả Phạm Đức Trung - fdkchung@gmail.com - Nam 30 tuổi: Rất nhiều ý kiến cho rằng: Việc xử phạt các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay mang nặng tính hình thức, chưa đủ tính răn đe để các doanh nghiệp “sợ”. Sao Cục không đề xuất mức xử phạt thật nặng?

TS. Trần Quang Trung: Ngày 14/11/2013, Chinh phủ đã ban hành nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm. Các điều khoản của nghị định này đã nâng mức phạt lên rất cao, đặc biệt có quy định xử phạt, đối với tổ chức thì mức phạt gấp đôi so với mức phạt cá nhân vi phạm. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì có thể phạt đến 7 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm. Nhìn chung các mức phạt của nghị định này đã cao hơn so với các nghị định trước đây. Điều này sẽ góp phần răn đe những người cố tình vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Độc giả Phạm Đức Trung - fdkchung@gmail.com - Nam 30 tuổi: Rất nhiều ý kiến cho rằng: Việc xử phạt các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay mang nặng tính hình thức, chưa đủ tính răn đe để các doanh nghiệp “sợ”. Sao Cục không đề xuất mức xử phạt thật nặng?

TS. Trần Quang Trung: Ngày 14/11/2013, Chinh phủ đã ban hành nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm. Các điều khoản của nghị định này đã nâng mức phạt lên rất cao, đặc biệt có quy định xử phạt, đối với tổ chức thì mức phạt gấp đôi so với mức phạt cá nhân vi phạm. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì có thể phạt đến 7 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm. Nhìn chung các mức phạt của nghị định này đã cao hơn so với các nghị định trước đây. Điều này sẽ góp phần răn đe những người cố tình vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Giadinh.net.vn