Đến Hòn Khói mùa cá cơm trỏng, từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch, không nên bỏ qua món gỏi lua. Gỏi chế biến từ cá, khi ăn chan thêm nước lèo nên có hương vị rất đặc biệt.
Hòn Khói cách thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) khoảng 10km về hướng Đông Bắc, gồm 4 xã ven biển là Ninh Diêm, Ninh Thủy, Ninh Hải và Ninh Phước. Ngoài sản phẩm muối nổi tiếng trong cả nước, nơi đây còn có lợi thế về du lịch (Dốc Lết) và hải sản cung cấp cho thị xã Ninh Hòa.
Với 4 xã ven biển, Hòn Khói quanh năm đều có hải sản tươi xanh mới đánh bắt. Trong thực đơn ẩm thực Hòn Khói có một món đặc biệt ngon với cách chế biến từ cá tươi và rau lá vườn nhà có tên dân dã là gỏi lua, làm nên một nét văn hóa ẩm thực riêng.
Gỏi lua chế biến từ các loại cá nhỏ, không vảy, thịt trong, không có máu (không tanh) như cá đục, cá mai nhưng ngon nhất và thông dụng nhất là cá cơm trỏng.
Mùa cá cơm trỏng từ tháng mười đến tháng hai âm lịch. Để món gỏi ngon phải là cá mới đánh về, tươi xanh, còn cử động. Ở đây, nhà nào cũng có vườn rộng trồng cây ăn trái sum suê và đặc biệt có đủ các loại rau để làm nguyên liệu “độn” cho món gỏi, trong đó không thể thiếu lõi cây chuối hột.
Phải là lõi bên trong cây chuối mới làm nên nét đặc biệt cho món này. Cây chuối hột đốn hạ, người ta chọn phần lõi để làm gỏi, đảm bảo vẫn giữ độ giòn mềm, tươi sau khi chan nước lèo đang sôi vào (nếu dùng bắp chuối sẽ bị dai, không ngon). Rau ăn gỏi gồm có xà lách, rau thơm, ngổ, tía tô… Đặc biệt, gỏi lua không ăn với bún mà ăn với bánh tráng nướng dày sản xuất tại Ninh Hòa, mặn mặn, ngọt ngọt.
Để làm gỏi, chọn cá cơm trỏng tươi ngon, lặt đầu, bỏ xương (chỉ cần bóp nhẹ thân cá là xương nhô ra và rút xương đi), lấy thịt ngâm qua nước đá chanh để cá chín tới. Tôm sú con tươi lột vỏ băm nhỏ.
Lõi chuối hột bào mỏng vừa phải ngâm qua nước muối pha loãng để giữ trắng. Hành tây bào mỏng. Thơm, cà băm nát. Xà lách, rau thơm, ngổ, cải cúc, tía tô (rau lặt). Hành khô bào mỏng phi vàng, đậu phộng rang muối giã dập. Trộn chuối đã bào mỏng, hành tây, cá cho đều. Sắp ra dĩa. Bày trên mặt rau thơm, hành phi, đậu phộng.
Quan trọng nhất là khâu chế biến nước lèo, cách nấu giống như nấu lẩu (chua) với thơm, cá chua, nước me, nước dừa xiêm (cũng cây nhà lá vườn)… Tôm tao qua dầu cho chín, cho tiếp thơm cà xào chín, đổ nước dừa, nước me, một ít nước lạnh nấu sôi, nêm muối, mắm, đường phèn, ớt cắt lát. Nấu sôi nêm lại gia vị cho vào lẩu giữ sôi trên bếp chuyên ăn lẩu. Chú ý phải nêm đường phèn mới tạo vị ngọt thanh cho nồi nước lèo.
Cho gỏi vào chén, chan nước lèo đang sôi (với mục đích làm chín cá thêm lần nữa bằng nhiệt), cho rau vào chén và thêm đậu phộng. Bóp vụn thêm một ít bánh tráng nướng.
Món gỏi lua thích hợp vào mùa se lạnh, gia đình họp mặt quây quần. Thưởng thức món gỏi lua, là tận hưởng hai trong một vị biển và mùi rau vườn nhà. Vị cá cơm ngọt, thịt tươi, lõi chuối hột mềm vừa và vẫn giữ độ giòn; vị ngọt mà không hăng của hành tây hòa lẫn với vị chua, ngọt đậm nhưng thanh của nước lèo. Thêm vị béo, mùi thơm của đậu phộng rang. Ăn hoài không biết chán, không thấy no.