Văn hóa đồ uống

Rượu thuốc tự ngâm -Thuốc bổ hay thuốc "độc"?

Hiện nay, có nhiều người tự ngâm rượu thuốc để uống. Liệu rượu thuốc có phải là "thần dược" không hay lại là món "thuốc độc" nếu tự ngâm mà chưa hiểu rõ?

Rượu thuốc, tự ngâm tự uống thế nào cho an toàn?

Hiện nay, có rất nhiều người tự ngâm rượu để uống, không những thế, họ còn ngâm với số lượng lớn để mời bạn bè sử dụng trong những bữa tiệc tại nhà.

Nhiều người đi đâu cũng mang thêm rượu thuốc mời bạn bè uống để thể hiện sự "sành điệu" hoặc "đẳng cấp" trong việc hiểu biết và sử dụng rượu thuốc.

Liệu rượu thuốc có phải là "thần dược" không và cách uống ra sao cho đúng?

Rượu thuốc tự ngâm -Thuốc bổ hay thuốc độc? - Ảnh 1.

Không nên tự ý mua thuốc về ngâm rượu khi chưa hiểu rõ công dụng (Ảnh minh họa)

Giáo sư Lý Hải Tùng – một người chuyên nghiên cứu về rượu thuốc của Trung Quốc cho biết, bất kể là rượu thuốc bạn mua về hay là rượu thuốc được ngâm từ rượu trắng, mọi người đều cần phải hiểu rõ công dụng của nó.

Đồng thời, ngâm rượu như thế nào cũng đều cần phải xin ý kiến của thầy thuốc đông y để có đơn thuốc phù hợp với từng người.

Rượu thuốc thông thường có hai loại chính, một là để giữ gìn, bảo vệ sức khỏe. Hai là rượu thuốc có tác dụng chữa bệnh.

Có những người ngâm rượu theo kinh nghiệm hoặc bài thuốc gia truyền, có người lại làm theo chia sẻ của những bậc tiền bối, học theo cách làm của bạn bè, thậm chí có những người tự tìm thông tin trên mạng để làm theo.

Điều này không phải là sai lầm quá nghiêm trọng nhưng lại chứa những rủi ro tiềm ẩn, bởi tùy theo thể trạng từng người sẽ phải dùng những bài thuốc có liều lượng và chủng loại khác nhau.

Thứ nhất, Tất cả các loại thuốc đều có đặc trưng về nóng, lạnh, âm, dương khác nhau.

Có những vị thuốc khi ngâm cùng nhau sẽ tạo ra sự khắc kị, biến thành một độc tố mới, gây hại đến sức khỏe con người, thậm chí được ví như một loại "thuốc độc" nguy hiểm.

Thứ hai, khi rượu thuốc thiếu đi sự cân bằng, nếu không hiểu rõ đặc tính vật lý của cơ thể, đặc tính hóa học của thuốc sẽ gây ra những tác dụng phụ bất lợi khó lường cho sức khỏe.

Ví dụ, cơ thể chúng ta có người thuộc nhóm hàn (lạnh), nhưng cũng có người có máu nóng, nếu mình có thể trạng lạnh mà uống thêm quá nhiều chất chứa vị hàn thì hoàn toàn phản tác dụng.


Ngược lại, khi bạn có thể trạng nhiệt (nóng), lại uống thêm rất nhiều vị thuốc nóng như rượu ngâm nhung hươu chẳng hạn, điều này chẳng khác nào làm cho cơ thể trở thành "dầu đun trên chảo".

Như vậy, uống rượu thuốc không đúng cách không chỉ không đạt được hiệu quả, mà còn làm cho cơ thể lúc nào cũng trong trạng thái "bốc hỏa".

Rượu thuốc tự ngâm -Thuốc bổ hay thuốc độc? - Ảnh 2.

Ngâm rượu không đúng cách sẽ biến rượu ngâm thành "thuốc độc" (Ảnh minh họa)

Trước trào lưu người người uống rượu thuốc, nhà nhà ngâm rượu thuốc, Giáo sư đông y Lý Hải Tùng nhấn mạnh 4 lưu ý sau đây:

1. Rượu thuốc tự chế chỉ nên sử dụng để bảo vệ sức khỏe hàng ngày, không phù hợp để coi nó là một vị thuốc chữa bệnh.

2. Khi ngâm rượu cần phải hỏi ý kiến thầy thuốc đông y hoặc căn cứ vào thể trạng sức khỏe của bản thân để lựa chọn nguyên liệu ngâm phù hợp.

Rượu ngâm là để cho bản thân mình uống nên phải đặc biệt kỹ lưỡng trong việc lựa chọn. Tránh những chất có thể gây ra độc tố trong quá trình ngâm, liều lượng và sự kết hợp nguyên liệu không được khắc kị.

Ngoài ra cũng cần nghiên cứu cách sử dụng, công dụng và liều lượng khi uống.

Đối với những loại rượu ngâm để bôi hoặc xoa bóp bên ngoài, có thể dùng những loại thực vật có chứa độc tố để tăng hiệu quả trị bệnh.

Tránh tuyệt đối việc tiện đâu mua thuốc ở đó, ví dụ như tại các điểm tham quan du lịch, mua theo bạn bè rồi về tự ngâm uống.

Điều này khiến các chuyên gia đông y vô cùng lo lắng về sự đảm bảo an toàn và chất lượng của thuốc.

Giáo sư Tùng tiện thể nhắc thêm, mua thuốc bắc tùy tiện bên đường về sắc lên để uống cũng là điều sai lầm cơ bản giống như việc tự ngâm rượu thuốc vậy.

3. Khi ngâm rượu thuốc, cần phải kiểm soát chất lượng của rượu gạo, nếu mua phải rượu giả hoặc rượu kém chất lượng thì lại càng nguy hiểm.

Tốt nhất phải dùng rượu có nguồn gốc rõ ràng và lựa chọn loại rượu gạo có nồng độ nhẹ, thông thường không được quá 40 độ, đừng nghĩ rượu mạnh mới tốt.

4. Cho dù là rượu ngâm để tăng cường sức khỏe hay rượu để chữa bệnh, bạn đều nên nhớ rằng rượu ngâm cũng chính là rượu – một thứ không nên uống quá nhiều.

Khi uống quá lượng sẽ gây hại vô cùng lớn đối với sức khỏe, vì thế, giáo sư Tùng nhắc lại, bạn cần phải đặc biệt lưu ý khi sử dụng rượu thuốc, tránh việc uống 1 thì hại 10.

Theo soha.vn