Khi thời tiết bắt đầu thay đổi, nhiệt độ hạ thấp dần, những người mê uống rượu thuốc bắt đầu nghĩ đến cảm giác khác lạ ấm áp khi uống những chén rượu thuốc hảo hạng. Mùa lạnh, cũng chính là thời điểm "rộn ràng" nhất trong năm của hoạt động tiêu thụ rượu thuốc.
Đông y cho rằng, sau tuổi 40 uống rượu thuốc có thể dưỡng âm bổ dương
Theo quan sát của các chuyên gia Đông y, đây là thời điểm nợ rộ hoạt động ngâm và uống rượu thuốc. Trong lịch sử hàng ngàn năm ứng dụng thảo dược vào việc ngâm rượu, có trăm ngàn loại thuốc khác nhau sử dụng cho nhiều mục đích chữa bệnh khác nhau.
Phổ biến nhất có các loại rượu thuốc giúp hoạt huyết, giảm đau, giải cảm, chống lạnh, bổ dương… Nếu người uống sử dụng một lượng thích hợp, có thể hỗ trợ điều trị bệnh và mang lại những hiệu quả nhất định.
Rượu thuốc mà chúng ta đang dùng hàng ngày được làm từ rượu trắng lên men và chưng cất, sau đó cho thêm các thành phần thảo dược vào hoặc dùng các loại thuốc đã được bào chế sẵn rồi ngâm trong một khoảng thời gian nhất định. Uống loại rượu thuốc này ít nhiều có tác dụng tốt lên sức khỏe và cải thiện tình trạng bệnh.
Trong cuốn sách Đông y nổi tiếng nhất Trung Quốc "Hoàng Đế Nội Kinh" ghi rằng, "Sau tuổi 40, âm khí vơi đi một nửa. Người trung cao niên uống một chút rượu thuốc có tác dụng dưỡng âm, bổ dương".
Theo dược sư Lưu Dĩnh, khoa Dược, Bệnh viện Trung Y, Đường Sơn, Hà Bắc (TQ), rượu thuốc không phải là loại rượu phổ thông bình thường, ai muốn uống ra sao thì uống, muốn ngâm ra sao thì ngâm. Đây không phải là loại rượu phù hợp với tất cả mọi người.
Nếu kết hợp các vị thuốc và liều lượng không đúng, tự uống rượu một cách mù quáng, không những không có tác dụng tốt cho sức khỏe như lợi ích vốn có của bài thuốc, ngược lại còn gây hại cho sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Sau đây là một số những lưu ý mà dược sư Dĩnh cho rằng, người muốn uống rượu thuốc cần phải tìm hiểu trước, nếu chưa hiểu, tốt nhất chưa uống.
Những người cần đặc biệt chú ý nếu muốn uống rượu thuốc
- Nhóm người bị bệnh loét dạ dày, bệnh gút, dị ứng rượu thì không phù hợp để uống rượu thuốc.
- Phụ nữ có thai, đang trong thời kỳ cho con bú và trong kỳ kinh nguyệt không nên uống rượu thuốc.
- Người bị các chứng viêm nhiễm không nên uống các loại rượu thuốc dùng để bổ khí và bổ âm kết hợp lại với nhau. Nếu uống thì chỉ ở mức hạn chế.
Dược sư Dĩnh khuyến cáo, khi ngâm rượu cần phải chú ý chính xác liều lượng cân đối.
Đối với những người ngâm rượu để chữa bệnh, thì cần phải đi phải đi đến cơ sở y tế khám chữa bệnh cẩn thận, biết rõ bệnh chắc chắn rồi mới đi mua thuốc về ngâm theo hướng dẫn của thầy thuốc Đông y. Tức là phải làm song song cả 2 thầy thuốc độc lập, y sư và dược sư. Không tùy tiện tự làm tại nhà mà chưa tham khảo chuyên gia.
Khi uống cũng phải tuyệt đối tuân thủ liều lượng được phép như hướng dẫn. Nếu chọn sai thuốc, sai liều lượng, sai cách dùng sẽ vô cùng nguy hiểm.
Ngoài ra, một số loại thuốc không phù hợp để ngâm rượu thì không nên ngâm, các loại xương cốt động vật khi ngâm rượu cần sơ chế thành dạng bột thì ngâm mới nhanh và hiệu quả hấp thụ mới cao, thuốc mới dễ dàng phát huy tác dụng.
Dược sư Dĩnh kiến nghị, những loại rượu đơn giản và phổ biến như rượu ngâm hạt kỷ tử thì có thể uống để bồi bổ sức khỏe, không cần quá cẩn thận. Mỗi ngày uống 1-2 lần, mỗi lần khoảng 1 chén nhỏ là được.
Khi uống rượu thuốc thì không nên uống thêm các loại thuốc bổ khí ôn dương khác nữa. Chỉ nên dùng một loại thuốc trong một thời điểm để không bị "quá liều".