Văn hóa đồ uống

Pháp: Nỗi lo mất dần văn hóa rượu vang

Với người Pháp, rượu vang không chỉ là niềm tự hào mà còn là một nét văn hóa đặc trưng.

Số lượng người biết thưởng thức rượu thường xuyên ở Pháp đang rơi tự do. Năm 1980, hơn một nửa số người trưởng thành thưởng thức rượu hằng ngày, song hiện tại chỉ còn 17%. Trong khi đó tỉ lệ người Pháp không bao giờ uống rượu đã tăng gấp đôi lên 38%. Năm 1965, lượng rượu tiêu thụ trên đầu người là 160 lít/năm, năm 2000 con số này là 57 lít và nhiều khả năng sẽ giảm xuống còn không quá 30 lít trong những năm tới.

 

Trong bữa tối, rượu là thức uống phổ biến thứ ba sau nước lọc và nước đóng chai. Soda và nước hoa quả nhanh chóng được ưa chuộng và hiện chỉ xếp ngay sau những đồ uống trên. Theo một nghiên cứu mới đây trên Tạp chí doanh nhân quốc tế, những thay đổi trong thói quen uống rượu ở Pháp được minh chứng rõ ràng trong thái độ của những thế hệ kế tiếp. 

Thế hệ những người 60-70 tuổi lớn lên với thói quen có rượu trên bàn trong mỗi bữa ăn. Đối với họ, rượu vang vẫn là một phần thiết yếu, là di sản văn hóa vậy. Thế hệ kế tiếp, tầm tuổi 40-50 coi rượu là một thú đam mê, nhưng thích kiểu suy nghĩ rằng họ uống ít hơn nhưng “chất” hơn. Thế hệ thứ ba - thế hệ thanh niên thời Internet - thậm chí không quan tâm đến rượu vang cho đến gần 30 tuổi. Đối với họ, rượu vang giống như bao sản phẩm khác. “Đã xảy ra sự xói mòn ngày càng tăng đối với nền văn hóa ẩm thực rượu vang. Trải qua 3 thế hệ, điều này đã dẫn tới sự thay đổi trong thói quen của người Pháp” - Thierry Lorey và Pascal Poutet, tác giả của nghiên cứu cho hay.

Tuy nhiên, điều quan tâm không phải là sự sụt giảm số lượng rượu tiêu thụ mỗi năm mà người ta lo ngại đến những ảnh hưởng của sự thay đổi của nền văn minh Pháp, những giá trị Pháp đã được ngưỡng mộ lâu đời, bởi nhắc đến Pháp là nhắc đến sự sang trọng, tinh tế và sành điệu của ẩm thực, truyền thống và đề cao những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

 “Rượu không phải là thức uống để chúng tôi phô trương địa vị xã hội hoặc để tung ra trong những dịp lễ trọng đại. Đó chỉ là thức uống đi kèm các bữa ăn hằng ngày” - nhà văn chuyên viết về ẩm thực Perico Legasse nói. Ông cho rằng việc rượu dần biến mất khỏi bữa ăn hằng ngày một phần do cách thay đổi sự nhìn nhận đối với ẩm thực. “Bữa ăn truyền thống gia đình đang mất dần, thay vào đó là những bữa ăn chỉ để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và nhanh gọn”.

Denis Saverot, biên tập viên tạp chí “La Revue des Vins de France” nói, trong lịch sử sự thay đổi thói quen uống rượu bắt nguồn từ bối cảnh khách quan. Chính những nhà tư sản, giới thượng lưu với những chiến dịch chống đồ uống có cồn đã xếp rượu vang cùng một giuộc với tất cả các loại rượu khác. “Gần đây, tôi còn nghe thấy một quan chức y tế cao cấp người Pháp nói rằng rượu vang gây ung thư ngay từ ly đầu tiên. Tôi rất kinh ngạc” - ông Saverot và lấy dẫn chứng bằng những con số. “Trong những năm 60, chúng ta uống 160 lít/năm nhưng chẳng tốn viên thuốc nào. Giờ chúng ta tiêu thụ 80 triệu gói thuốc chống trầm cảm trong khi lượng rượu bán ra sụt giảm".

Một nhà văn Pháp gốc Anh khác là Theodore Zeldin cũng chung nhận định rằng nền văn hóa theo phong cách kinh doanh đã xâm nhập rất lớn vào Pháp, nguyên nhân của việc rất nhiều người thích dành thời gian cho những việc khác hơn là thưởng thức sự tinh tế trong ẩm thực. Nhưng ông Zeldin không từ bỏ hy vọng. “Nghệ thuật ẩm thực truyền thống Pháp vẫn còn đó. Tất nhiên thời thế đã thay đổi, nhưng những gì gọi là truyền thống vẫn tồn tại. Chúng ta có trách nhiệm phải gìn giữ, phát triển và quảng bá.
Theo Laodong.com.vn