Văn hóa ẩm thực

Triết lý phía sau chiếc bánh Chocopie vạn người mê của xứ sở Kim Chi

Sẽ không ngoa khi nói rằng, lấy Chocopie làm tâm, xoay một vòng, ta có những khía cạnh văn hoá rất đỗi sâu lắng của người dân Hàn Quốc.

Chocopie là một món bánh quá quen thuộc với người Việt, và hẳn là ai cũng có một thời treo câu "tình như Chocopie" trên cửa miệng. Mới đây, công ty Orion Hàn Quốc còn cho hay lượng tiêu thụ Chocopie ở Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc (92 tỷ won so với 83 tỷ won ở Hàn) khiến người dân xứ này phải giật mình. Tuy nhiên, dù tiêu thụ nhiều thì ta cũng không hiểu được ý nghĩa của chiếc bánh này với người Hàn. 

Đối với chúng ta, Chocopie là món bánh ngon, tiện và rẻ, song với người Hàn Quốc, cái bánh chocolate bé vừa bằng lòng bàn tay ấy đã trở thành một biểu tượng văn hóa quan trọng, từ khía cạnh ẩm thực đến đời sống, ngôn ngữ và lịch sử.

Nhân chứng lịch sử

Nhiều người lầm tưởng Chocopie xuất xứ từ Hàn. Thực chất, phác thảo của món bánh này do người "anh em bạn dì" Mỹ nghĩ ra. Ý tưởng về việc kẹp marshmallow vào giữa hai lớp bánh cracker đã ra đời trong cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929 tại Mỹ, ngay lập tức được săn đón và yêu thích vì giá thành rẻ, lại giàu đường, giúp thỏa mãn cơn thèm ăn thường trực trong thời kì đói kém.

Triết lý phía sau chiếc bánh Chocopie vạn người mê của xứ sở Kim Chi - Ảnh 1.

Khi Hàn Quốc thiết lập mối quan hệ hữu nghị với Mỹ sau thế chiến thứ 2, món bánh cracker kẹp marshmallow cũng tràn vào lãnh thổ Hàn, dần dần được biến tấu và phát triển thành Chocopie với công thức "vàng": Bánh bông lan tơi xốp phủ chocolate, kẹp giữa lớp marshmallow dẻo dai. Orion chính thức sáng tạo ra món bánh này vào năm 1973, và liên tục dùng nó để cung cấp cho quân đội Hàn Quốc. Những chiếc bánh Chocopie cũng có con đường phát triển tương tự đàn anh cracker ngày trước: Giá rẻ, ăn ngon, phổ biến với người nghèo, theo chân các anh lính đi qua giai đoạn khó khăn của đất nước.

Triết lý phía sau chiếc bánh Chocopie vạn người mê của xứ sở Kim Chi - Ảnh 2.

Chiếc bánh Chocopie Hàn Quốc có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ một món ăn vặt.

Gắn bó lâu thế với người Hàn, Chocopie cũng có lúc không thoát khỏi tai tiếng. Năm 1999, ông chủ Orion đệ đơn kiện tập đoàn Lotte vì "dám" sản xuất loại bánh chocolate kẹp marshmallow tương tự công ty mình. Nhưng chính phủ Hàn Quốc thì không quan tâm cho lắm. Thời điểm đó, Chocopie đã là bảo vật quốc gia, càng nhiều nhà máy sản xuất Chocopie càng tốt chứ có sao đâu! Cuối cùng, Orion ngậm đắng nuốt cay nhìn Lotte cạnh tranh Chocopie với mình, đơn giản vì theo lý luận của quan tòa, Chocopie không còn là tên nhãn hiệu riêng nữa: Nó là từ chính thức và phổ biến để chỉ một loại thực phẩm trong ngôn ngữ Hàn, như kim chi vậy.

Chocopie: Đủ phong phú để lập một bách khoa toàn thư!

Có lẽ vì quá mật thiết với các vấn đề lịch sử, xã hội quan trọng, Chocopie ở Hàn Quốc đã trở thành một khái niệm phức tạp, hơn hẳn một món ăn vặt thông thường.

Bạn sẽ choáng ngợp với thiên đường mùi vị của Chocopie tại Hàn Quốc. Bên cạnh vị chocolate cổ điển lúc nào cũng cháy hàng, mỗi năm, nhà sản xuất lại nghĩ ra một hương vị mới và ngày càng làm dày kho tàng Chocopie. Người ta ví von rằng, hàng năm thế giới nín thở chờ người Nhật nghĩ ra mùi vị "kì quặc" nào cho Kitkat, thì người Hàn cũng ngóng vị mới của Chocopie như vậy!

Triết lý phía sau chiếc bánh Chocopie vạn người mê của xứ sở Kim Chi - Ảnh 3.

Quả thực, có những hương vị Chocopie chỉ tới Hàn mới tìm được. Từ "dễ hiểu" như mè đen, dâu, matcha, chuối, tới hương vị theo mùa như hoa anh đào cho mùa xuân, dưa hấu cho mùa hè. Và đỉnh điểm là những vị khó mà tưởng tượng như bánh gạo, oreo nhân cam hay vị… quất giúp giảm cân.

Triết lý phía sau chiếc bánh Chocopie vạn người mê của xứ sở Kim Chi - Ảnh 4.

Ăn vặt vẫn không quên làm đẹp – đúng thật tư duy người Hàn đây rồi!

Dĩ nhiên, ăn mỗi Chocopie hơn 40 năm cũng chán. Giới trẻ Hàn ngày nay có đủ loại biến tấu với món bánh quốc dân, mà phổ biến nhất là cho vào lò vi sóng quay nóng trong… 20 giây. Cách này làm lớp chocolate và marshmallow tan chảy, hòa quyện vào nhau, tạo nên một trải nghiệm thú vị. Có ngon hơn bình thường không thì không biết, nhưng nó chắc chắn là biểu tượng cho văn hóa ăn vặt của người trẻ Hàn, khi sao Kpop đình đám như G-Dragon cũng mê tít kiểu ăn này:

Triết lý phía sau chiếc bánh Chocopie vạn người mê của xứ sở Kim Chi - Ảnh 5.

G-Dragon chia sẻ cách ăn Chocopie "chất chơi" trong show Happy Together: Quay nóng bánh, thêm hạt và các loại quả lên trên, trông chả khác gì món tráng miệng trong nhà hàng cao cấp.

Dường như cảm thấy sự quảng bá của làn sóng Hallyu vẫn chưa đủ, tập đoàn Orion mở ra hàng loại cửa hàng "Chocopie house" – nơi chỉ bán Chocopie cùng các biến thể khác như sinh tố vị Chocopie hay bánh red velvet kết hợp Chocopie. Quả thật, việc ăn Chocopie ở hàn đã biến hóa đa dạng, khiến nó trở thành một loại gia vị hơn là món ăn. Và trong tương lai, chúng ta sẽ chẳng mấy bất ngờ nếu xuất hiện bảo tàng Chocopie tại Hàn Quốc!

Triết lý phía sau chiếc bánh Chocopie vạn người mê của xứ sở Kim Chi - Ảnh 6.

Hương vị thay lời nói

Sự "cuồng" Chocopie của người Hàn nhìn qua thì hài hước, nhưng nếu ngẫm sâu một chút, bạn sẽ thấm thía câu châm ngôn của nhà văn Deborah Cater: "Muốn hiểu một nền văn hóa thì phải nếm nó."

Bánh Chocopie, cũng như nhiều món ăn truyền thống khác, là cửa ngõ dễ dàng nhất dẫn đến kho tàng văn hóa, phong tục và nếp nghĩ đặc trưng của người Hàn. Chiếc bánh nhỏ nhắn ngọt ngào này là biểu tượng cho các yếu tố tình cảm và hạnh phúc. Chocopie được chọn để tặng nhau vào sinh nhật, lễ Tết, thậm chí là Valentine thay chocolate để bày tỏ tình cảm. Theo nhiều tay viết Hàn Quốc, Chocopie còn là một biểu hiện của jeong (정) – khái niệm mỹ học đặc trưng của văn hóa Hàn.

Triết lý phía sau chiếc bánh Chocopie vạn người mê của xứ sở Kim Chi - Ảnh 7.

Khi sử dụng từ jeong, về cơ bản, người Hàn muốn nói là "tôi yêu bạn". Nhưng jeong thể hiện một trạng thái cảm xúc yêu thương sâu lắng với sự cảm thông, ân nghĩa, hy sinh và chung thủy. Với giá trị sâu sắc đó, jeong không chỉ để thể hiện tình cảm đôi lứa mà còn sử dụng để miêu tả tình cảm gia đình, bạn bè, tri kỉ… với mức độ cảm xúc thiêng liêng nhất. Một cặp vợ chồng sống lâu năm có thể không còn tình yêu, nhưng vẫn còn jeong – tình nghĩa vậy.


Theo kenh14.vn