Mẹo làm bếp

Tủ lạnh: sử dụng thế nào mới đúng cách?

Cùng tham khảo một vài kinh nghiệm về cách sử dụng tủ lạnh khoa học để bảo quản thực phẩm đạt chất lượng tốt nhất, cũng như tiết kiệm năng lượng tiêu thụ một cách tối ưu.

Ngày nay, chúng ta thường nghe thông tin trái chiều về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm và nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên các phương tiện truyền thông thường bỏ qua một công đoạn mấu chốt trong chuỗi tiêu thụ thực phẩm: bảo quản tại nhà. Dưới đây là một vài lời khuyên cũng như các sản phẩm hữu ích cho tủ lạnh giúp bạn giảm thiểu rủi ro trong việc bảo quản thực phẩm.

1. Tôn trọng sự khác biệt của mỗi khu vực trong tủ lạnh 

Nhiệt độ của tủ lạnh ở các ngăn thường không đồng đều và sách hướng dẫn sử dụng tủ lạnh sẽ giúp bạn hiểu rõ nhiệt độ từng khu vực. Nhìn chung, phần lạnh nhất của tủ là phần nằm sát vách tủ lạnh. Ngoài ra, nhiệt độ tủ lạnh cũng giảm dần theo chiều từ trên xuống dưới. Thực phẩm càng tinh tế càng cần được bảo quản ở nơi mát mẻ, nhiệt độ thấp. Thứ tự phân bổ thực phẩm từ trên xuống dưới trong tủ lạnh tốt nhất là:

- Bánh ngọt 

- Các món ăn đã chế biến qua 

- Sản phẩm từ sữa 

- Thực phẩm tươi (hoa quả, rau và  salad). 

- Trứng, bơ, mứt và đồ gia vị có thể được đặt ở cánh cửa tủ lạnh.

 

2. Bảo quản tốt các loại thực phẩm bằng hộp kín và các phương pháp khác

Bảo quản tốt thực phẩm nghĩa là giữ được hương vị, sự tươi mát và màu sắc ban đầu. Quan trọng nhất là khâu đóng gói, bọc thực phẩm.

- Không nên dùng: giấy nến,  giấy bóng kính, túi đựng rác, túi nilong đã qua sử dụng…

- Nên dùng: Màng bọc thực phẩm, túi nilong đựng thực phẩm (dạng cuộn), màng nhôm và các loại hộp có nắp kín.

Hộp bảo quản thực phẩm là giải pháp lý tưởng cho bạn: các mẫu hộp mới hiện nay thường có nắp cài kín, giúp giúp giữ chất dinh dưỡng, vitamin trong thực phẩm không bị mất đi đồng thời giúp ngăn ngừa vi khuẩn, nấm mốc. Do đó, các loại thực phẩm không thể gây ô nhiễm, ôi thiu cho nhau hoặc có mùi không mong muốn. Các loại hộp này có khả năng chịu nhiệt cao, đảm bảo dễ dàng sử dụng trong lò vi sóng (khi rã đông thực phẩm). Ngoài ra, hộp đựng thực phẩm thường được bán theo bộ giúp chúng ta dễ dàng sắp xếp trong tủ lạnh.

 

3. Kiểm tra ngày hết hạn 

Tất cả các loại thực phẩm đã qua chế biến thường có thời hạn sử dụng. Thời hạn sử dụng này chỉ có ý nghĩa khi chúng ta chưa mở sản phẩm. Các sản phẩm đã mở cần phải được tiêu thụ một cách nhanh nhất có thể.

Tuy nhiên điều đó thật khó áp dụng với những thực phẩm tự chế biến  tại nhà vì không có hạn dùng. Một cách đơn giản để ghi nhớ hạn sử dụng của đồ ăn là ghi ngày sử dụng cuối lên các  nhãn dán có keo tự dính (được bày bán ở các cửa hàng văn phòng phẩm thường với giá 6.500đ/tập 10 tờ, mỗi tờ 60 miếng kích thước 10x29mm). Hoặc cao cấp hơn có thể dùng thiết bị đếm ngày điện tử (thiết bị đếm ngược). Thiết bị này giúp bạn đếm ngược thời gian bắt đầu từ ngày cài đặt để quản lý và kiểm soát thực phẩm tốt nhất, có thể gắn vào bất cứ vật liệu gì (do có từ tính và vòng mút dính giúp gắn cố định chắc chắn). Chỉ cần liếc thoáng qua tủ lạnh, bạn có thể biết thực phẩm nào cần phải tiêu thụ ngay trước khi hết hạn. Hãy bảo vệ sức khỏe gia đình mình từ căn bếp nhỏ của gia đình bạn nhé.

 

4. Tiết kiệm năng lượng

Tủ lạnh là giải pháp bảo quản vị tươi ngon của thực phẩm một cách tốt nhưng chi phí tiền điện tiêu hao hàng tháng không hề nhỏ. Một vài lời khuyên giúp bạn tiết kiệm năng lượng:

- Làm nguội đồ ăn trước khi cho vào tủ lạnh: hãy chờ các món ăn và đồ uống nguội hẳn rồi mới cho vào tủ lạnh.

- Hạn chế mở cửa tủ lạnh: Đôi khi bạn mở tủ lạnh rất lâu chỉ để tìm một món đồ hoặc mở nhiều lần vì không nhớ mình cần gì hay đơn giản là mở theo thói quen?…Hãy cố gắng liệt kê những thứ bạn đang cần và lấy chúng ra khỏi tủ một lần. Sắp xếp tủ lạnh một cách khoa học cũng là giải pháp giúp bạn nhanh chóng tìm được thứ mình cần mà không phải để tủ lạnh mở quá lâu.

- Loại bỏ bao bì sản phẩm không cần thiết: Trước khi cho thực phẩm đã mua vào tủ lạnh, hãy bỏ bớt những bao bì không cần thiết như hộp nhựa, hộp các tông, túi ni lông mà nhà sản xuất thường dùng để bảo vệ sản phẩm. Nếu cho cả vào tủ lạnh chúng sẽ chiếm nhiều diện tích và tủ lạnh phải tiêu hao nhiều năng lượng hơn để làm mát các lớp vỏ bọc. Với cách này sẽ giúp bạn tiết kiệm không gian tủ lạnh và điện năng tiêu thụ. 

- Sử dụng hộp đựng thực phẩm: giải pháp tiện dụng để chia thực phẩm thành các phần theo nhu cầu mỗi lần sử dụng của bạn mà không phải lấy ra lấy vào nhiều lần. Những chiếc hộp với khớp gài siêu kín rất tiện dụng để bảo quản thực phẩm.  

Thúy Hồng
Theo Dep.com.vn
Cùng chuyên mục