Mẹo làm bếp

Dưa muối cho ngày Tết cổ truyền

Nhắc đến Tết cổ truyền, người ta không thể không nhắc tới món dưa muối. Dưa muối đi kèm với bánh chưng, chả giò sẽ tạo cho người ăn có cảm giác dễ dàng thưởng thức hơn.

Sự kết hợp này đã được người xưa đúc kết cả trong câu đối "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh", là những thứ luôn đi kèm với nhau, cùng “góp mặt” trong những ngày Tết. Đó là những món dưa muối giản dị, giòn ngon nhưng không thể thiếu trong dịp tết của cả 3 miền.

Dưa kiệu

 

Dưa kiệu thường được trộn tôm khô, ăn kèm với bánh chưng, bánh tét trong ngày Tết, góp mặt trong món gỏi hay thêm màu sắc và hương vị cho nước chấm. Tuy chỉ là món phụ trên bàn tiệc nhưng với vị chua chua, ngọt ngọt, dưa kiệu giúp kích thích vị giác, tăng sự hấp dẫn cho món chính.

Dưa leo muối

 

Dưa leo muối có vị giòn, chua chua, thơm mùi tỏi, ngũ vị hương và các gia vị. Đây cũng là một trong những món dưa muối có trong thực đơn ngày Tết.

Dưa hành

 

Để muối hành có độ chua chua, giòn giòn và không bị hăng cũng cần biết cách đấy nhé chị em. Ngày Tết ăn dưa hành kèm với bánh chưng, thịt gà là nhất.

Dưa góp

 

Vị chua chua, giòn giòn của món dưa góp sẽ khiến mâm cỗ ngày Tết đỡ ngán, rất dễ ăn. Dưa góp là một trong những món ăn kèm quá quen thuộc đối với mọi người dân Việt Nam từ bắc chí nam mà cực kì dễ làm.

Dưa món

Bữa cơm ngày Tết thường có nhiều thịt, giò, chả, xôi, bánh chưng... phần lớn là các món ăn đều gây ngán. Chính vì thế, dưa món là thứ ăn kèm "cứu cánh" cho bữa cơm nhiều đạm. Nó giúp bữa cơm ngày Tết của người miền Trung vừa ngon hơn, hấp dẫn hơn mà vẫn luôn lưu giữ được nét cổ truyền trong mâm cỗ.

 

Dưa món của người miền Trung khá giống với dưa góp của người Bắc nhưng khi ăn, người miền Trung sẽ vớt hành, su hào, cà rốt rồi trộn cùng với tương ớt, bột ngọt hoặc trộn cùng với tỏi, bột tiêu, đường. Chỉ một chút khác lạ trong cách pha trộn nguyên liệu cũng làm nên nét độc đáo trong món ăn giản dị này.

Dưa giá đỗ

 

Dưa giá là một món ăn kèm không thể thiếu trong các bữa cơm ngày Tết của người Miền Nam. Vị chua dịu của dưa giá giúp kích thích vị giác và nhờ đó mà trung hòa bớt vị mặn của các món kho, lại cung cấp nhiều chất xơ nữa đó.

Dưa bao tử

 

Dưa bao tử hay còn gọi là dưa leo, dưa chuột. Chỉ với vài bước, nguyên liệu đơn giản từ dưa leo, bạn đã có một món ăn cho ngày Tết rồi đấy. Vị giòn giòn, chua chua khi ăn sẽ khiến bạn cảm thấy thích thú.

Dưa cải thảo

Ngoài dưa kiệu hay dưa món ăn trong dịp Tết, còn có món dưa rất dễ làm và cũng rất ngon, đó là cải thảo muối kiểu kim chi.

 

Cách làm dưa này đơn giản hơn làm kim chi rất nhiều, nhưng thành quả thì hấp dẫn không kém. Có thể ăn kèm dưa cải thảo với thịt kho hột vịt, các món cơm chiên hoặc các món nướng như bạch tuộc nướng, sườn nướng muối ớt… đều rất ngon. 

Mâm cơm ngày Tết với các món ăn cầu kỳ nhiều đạm và nhiều dầu mỡ sẽ khiến chúng ta cảm thấy ngán và không còn ngon miệng nữa. Đó là lý do vì sao trong bữa ăn ngày Tết thường phải có các món dưa muối hay món gỏi.
Theo Cooky.vn
Cùng chuyên mục