Mẹo làm bếp

Cách chọn dầu ăn sạch và sử dụng dầu an toàn

Sự việc hơn 700 tấn dầu bẩn được một công ty tại Đài Loan tái chế và xuất qua hơn 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã làm cho chị em nội trợ vô cùng hoang mang vì dầu ăn là gia vị không thể thiếu trong việc chế biến món ăn hàng ngày. Để dùng đúng dầu ăn sạch và an toàn, người tiêu dùng hãy lưu ý một số điều sau đây

Tác hại của dầu bẩn và cách nhận biết?

Dầu ăn thường được chế biến từ tinh dầu các loại thực vật như lạc (đậu phộng), mè, cải, ô liu hay mỡ các loại động vật như lợn, gà, bò… Các loại dầu ăn này được đăng ký và kiểm soát bởi các cơ quan quản lý thực phẩm y tế.

 
Dầu thực vật

Tuy nhiên có một số cơ sở vì ham lợi nhuận mà đã chế biến dầu từ rác thải nhà bếp, cống rãnh, da động vật… loại dầu này rất độc hại và đã xuất hiện nhiều trên thị trường trong thời gian gần đây.

 
Một cơ sở tư nhân ở Trung Quốc nấu dầu ăn từ nước thải nhà bếp

Các nghiên cứu cho biết, nếu ăn phải loại dầu này sẽ gây ra ngộ độc từ nhẹ đến nặng, biến chứng tim mạch, cao huyết áp và gây ung thư. Người chế biến dầu này khi chiên xào ở nhiệt độ trên 1800C nếu hít phải khí có thể gây đau đầu chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, khó thở…

Nguy hiểm là vậy nhưng rất khó để nhận biết dầu bẩn vì dầu cũng không mùi không vị và màu sắc cũng không mấy khác biệt. Nhất là khi mua các thực phẩm chiên rán sẵng thì đây quả thật là khó khăn cho người tiêu dùng để nhận ra thực phẩm có phải chế biến từ dầu bẩn hay không.

 
Khó có thể nhận biết dầu bẩn bằng mắt

Chính vì vậy các chuyên gia khuyên rằng, trước thị trường đa dạng các loại dầu thì người tiêu dùng chỉ nên tin vào các sản phẩm đã được kiểm định an toàn, thương hiệu nổi tiếng và có quy trình sản xuất với công nghệ cao. Không nên mua các loại dầu lít, đóng can không nhãn mác xuất xứ.

 
Không sử dụng các loại dầu ăn không nhãn mác

Cần chú ý thêm, một số dầu ăn từ lạc, vừng, đậu, ô liu… nếu tinh ý chị em vẫn có thể nhận thấy mùi thơm đặc trưng.

 
Chọn dầu từ các hãng uy tín, có nhãn mác rõ ràng, được kiểm định chất lượng

Sử dụng dầu ăn sao cho an toàn?

Khi đã mua được dầu sạch rồi thì cách sử dụng sao cho an toàn cho sức khoẻ cũng hết sức quan trọng.

Nên dùng dầu từ thực vật thay cho dầu từ động vật. Trong  dầu thực vật có  hai  acid béo không bão hòa rất quan trọng là omega-3 và omega-6 vì tự thân cơ thể con người không thể tổng hợp được. Chúng có tác dụng là giảm cholesterol, huyết áp thể nhẹ.

Tuy nhiên, nếu hàm lượng hai chất này không cân đối thì sẽ lại có hại. Tỷ lệ 4:1 (hàm lượng omega 6 so với omega 3) được coi là tỷ lệ tuyệt đối. Loại dầu nào đạt được tỷ lệ này là loại dầu tốt. Nếu dư thừa quá nhiều omega 6 sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư vú, đại tràng, xơ vữa động mạch, tuyến tiền liệt... thậm chí gây ức chế omega 3. Vì thế, người tiêu dùng khi lựa chọn dầu ăn, cần lựa chọn sản phẩm có tỷ lệ cân đối giữa hai chất béo không bão hoà này. Mặc dầu vậy cũng không nên ăn quá nhiều dầu thực vật khiến cơ thể dư chất.

Ngoài ra, để lựa chọn thực phẩm an toàn, người tiêu dùng khi chọn mua dầu thực vật nên chọn loại dầu lỏng chứa nhiều acid béo không bão hòa theo thứ tự như sau: ô -liu, vừng, bắp, hướng dương, đậu nành, cọ. Có trường hợp, nhà sản xuất trộn lẫn các loại dầu với nhau nên khi mua về người tiêu dùng có thể thử bằng cách để dầu vào ngăn mát tủ lạnh. Nếu dầu nào bị đông đặc hoặc tạo cặn đặc thì chứng tỏ loại đó chứa nhiều acit béo bão hòa, không tốt cho sức khỏe.

Không nên dùng dầu ở nhiệt độ cao. Nhiệt độ cao không những phá huỷ thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm mà còn sản sinh ra peroxide và các chất gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, tốt nhất là sử dụng nhiệt độ vừa phải khi nấu nướng, đặc biệt là khi chiên rán, để thực phẩm chín sâu và dầu không bị cháy.

 
Chiên thực phẩm ở nhiệt độ vừa phải

Sau cùng, bất kỳ loại dầu nào khi chiên xào ở nhiệt độ trên 1800C đều sẽ bị oxi hoá và biến chất. Các vitamin và một số chất dinh dưỡng trong dầu bị phá hủy, sẽ xuất hiện một số chất gây hại cho sức khỏe và có thêm cả những cặn thực phẩm sau quá trình đun nấu mà mắt thường không nhìn thấy. Vì vậy tuyệt đối không nên sử dụng dầu đã chiên đi chiên lại nhiều lần và các thực phẩm chiên bởi loại dầu này.

 
Không dùng dầu ăn và thực phẩm chiên bằng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần

Người dùng cũng nên bảo quản dầu ăn ở nơi thoáng mát, cách xa nguồn nhiệt và ánh sáng. Ngoài ra, có thể trữ dầu ăn vào lọ sành, chai thủy tinh sạch, khô ráo, nắp kín. Nếu có nước trong lọ, nước bên ngoài lọt vào, hoặc vi khuẩn cùng không khí thâm nhập vào sẽ làm dầu ăn chóng hỏng. Không nên bảo quản dầu ăn trong lọ bằng kim loại vì chúng thường làm cho dầu bị hỏng.
Theo Dienmayxanh.com
Cùng chuyên mục