An toàn thực phẩm

Rau nấu chín bảo quản trong tủ lạnh dễ gây ung thư

Theo các chuyên gia, trong các loại rau xanh có hàm lượng nitrat khá nhiều, nếu nấu xong để quá lâu, vi khuẩn phân hủy, lượng nitrat sẽ lại tạo thành nitrit – một loại chất gây ung thư.5 quy tắc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh Ung thư, quái thai vì chất bảo quản thực phẩm Sai lầm thường mắc khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh

Trong những ngày Tết, việc các gia đình thừa thức ăn diễn ra khá phổ biến, điều đáng nói là những thức ăn thừa đó lại được các bà nội trợ gói ghém cẩn thận cất vào tủ lạnh để sau Tết lại tiếp tục dùng lại phổ biến nhất là các loại thức ăn như: giò chả, thịt luộc, thịt gà…

Khi hỏi các bà nội trợ về vấn đề quá hoang phí trong các bữa ăn dẫn đến tình trạng thừa thãi quá mức, thì ai cũng ý thức được điều đó, nhưng biết là lãng phí mà vẫn phải “cắn răng” chịu đựng.

Chị Nguyễn Thị Hải Hà, nhà ở thôn Ngọa Long - Đức Diễn – Từ Liêm cho biết, năm nào hết tết gia đình cũng thừa hàng chục hộp thức ăn, nào là gà, bánh, giò, thịt… Thậm chí có năm để lâu, cho không ai lấy đành phải vứt đi.

Theo chị Hà nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đó là quan niệm "sởi lởi trời cho" ngày đầu năm. Theo đó, trong những ngày Tết khi khách hoặc anh em nội ngoại đến chơi nhà, bày mâm cơm ra mời khách không thể dùng lại đồ cũ, chính vì thế sau mỗi bữa ăn đồ thừa lại dồn lại để sau tết sử dụng.

Đồ ăn chín bảo quản quá lâu trong tủ lạnh hoàn toàn không có lợi.

Tuy nhiên, ít ai ngờ được rằng, việc tích thức ăn thừa không chỉ gây lãng phí về kinh tế mà còn gây bệnh khi dùng lại. Bởi không phải loại thực phẩm nào cũng có thể "ỷ lại" vào tủ lạnh để bảo quản.

Theo BS Ngô Thị Hà Phương (Viện Dinh Dưỡng QG), những thực phẩm đã chế biến nên ăn ngay, không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2h đồng hồ. Những thức ăn còn dư sau bữa ăn nên đun nóng lại, để nguội rồi mới để vào trong ngăn mát tủ lạnh.

Nếu thức ăn còn nóng cho ngay vào tủ lạnh, nơi có nhiệt độ thấp, thức ăn sẽ biến chất, nước trong thức ăn ngưng đọng thành hơi nước, thúc đẩy vi khuẩn có hại sinh trưởng dẫn đến gây độc cho thực phẩm. Khi ăn phải nấu chín lại thức ăn trước khi dùng vì nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng hạn chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó.

Đặc biệt, các bà nội trợ không nên để các món ăn là các loại rau vào tủ lạnh khi dùng không hết, vì hàm lượng nitrat có trong các loại rau xanh khá nhiều, nếu nấu xong để quá lâu, vi khuẩn phân hủy, lượng nitrat sẽ lại tạo thành nitrit - chất gây ung thư, cho dù là bạn có đun lại đi chăng nữa cũng không thể khử được. Vì vậy không nên ăn các món rau đã để qua đêm.

Tuyệt đối không để các loại rau xanh đã chín trong tủ lạnh.

"Tủ lạnh cũng không phải là "chiếc tủ thần kỳ" để bảo quản đồ ăn. Thức ăn được lấy ra ở trong tủ lạnh chỉ sử dụng một lần cho bữa sau, và nếu còn không để lại bữa sau, thức ăn để lâu nhất là 5 - 6h. Thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, để lâu trong tủ lạnh vẫn sinh ra độc tố.

Thức ăn đun lại, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100ºC, nhưng độc tố do vi sinh khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên độc tính gây nên ngộ độc cho người sử dụng. Chúng ta nên chế biến lượng thức ăn vừa đủ, đừng quá dư thừa, vì khi thừa đun lại thức ăn sẽ bị sẽ bị hao hụt chất dinh dưỡng", BS Phương khuyến cáo.

Ngoài ra, khi bảo quản thực phẩm, tuyệt đối không để thực phẩm sống lẫn thực phẩm đã chín. Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh cần đựng vào hộp riêng, đậy nắp kín. Thực phẩm chín, đã chế biến cần để ở ngăn trên cùng trong ngăn mát tủ lạnh.

Không nên để thực phẩm quá nhiều trong tủ lạnh khiến luồng khí lạnh không thể lưu thông, dẫn đến nhiệt độ ở một số vị trí trong tủ có thể tăng cao, làm hỏng thức ăn. Nếu tủ lạnh của bạn chứa đầy thức ăn, hãy điều chỉnh nhiệt độ thấp xuống, đồng thời thường xuyên vệ sinh tủ lạnh.
Theo Gia đình Việt Nam