An toàn thực phẩm

Những cách lưu giữ, bảo quản thực phẩm trong ngày Tết

Theo cảnh báo của các chuyên gia dinh dưỡng thì việc bảo quản thực phẩm phải thực hiện đúng thì mới đảm bảo thức ăn không bị hỏng.Cách phân biệt giữa viêm dạ dày cấp tính do virus và ngộ độc thực phẩm Dễ ngộ độc nếu ăn khoai lang có đốm đen 5 quan niệm sai lầm khiến bạn dễ bị ngộ độc thực phẩm

Tến là thời điểm gia đình nào cũng chuẩn bị và lưu trữ nhiều thức ăn, kể cả chín và sống. Tuy nhiên theo cảnh báo của các chuyên gia dinh dưỡng thì việc bảo quản phải thực hiện đúng thì mới đảm bảo thức ăn không bị hỏng. 

Dù ở nông thôn hay thành phố, cứ đến Tết là người dân thường mua trước nhiều thực phẩm dự trữ, bảo quản chúng trong tủ lạnh. 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc bảo quản thực phẩm nếu thực hiện đúng sẽ giữ được giá trị dinh dưỡng, mùi vị, đảm bảo an toàn thực phẩm...

Với thời tiết nóng ẩm thất thường như ở miền Bắc nước ta thì việc bảo quản thức ăn trong tủ lạnh là hết sức cần thiết, kể cả bánh chưng, các loại giò hay những nhóm thực phẩm khác. Nếu chẳng may ăn phải các loại thực phẩm ôi thiu sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, nặng hơn thì dễ bị tiêu chảy và trong trường hợp nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. 

 

Bảo quản thực phẩm chín ăn trong ngày

Đối với những thực phẩm dùng ăn trong ngày, không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ. 

Những thức ăn còn thừa sau bữa ăn nên đun nóng lại, để nguội rồi mới cho vào trong ngăn mát tủ lạnh.

Nếu thức ăn còn nóng cho ngay vào tủ lạnh, nơi có nhiệt độ thấp, thức ăn sẽ biến chất, nước trong thức ăn ngưng đọng thành hơi nước, thúc đẩy vi khuẩn có hại sinh trưởng, dễ dẫn đến gây ngộ độc thực phẩm.

Khi ăn phải đun lại thức ăn vì nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng hạn chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó.

Đối với các loại thực phẩm tươi sống

Thịt, cá hoặc các thực phẩm tươi sống khác nên rửa sạch cất vào ngăn đông, chia thành nhiều phần đủ cho một bữa ăn. Bạn nên tránh tình trạng lấy thực phẩm ra rã đông rồi cất trở lại vì như vậy sẽ thúc đẩy vi khuẩn phát triển nhiều hơn. Các loại rau củ tươi để vào ngăn đựng rau củ, bọc kín thành các túi riêng.

Rau là loại thực phẩm rất dễ hỏng, nếu muốn bảo quản được lâu ở nhiệt độ bên ngoài, bạn không nên rửa mà chỉ nhặt bỏ lá rau sâu, lá dập, phần bị hỏng, cắt bỏ phần rễ để ở nơi thoáng mát. Nếu có tủ lạnh, bạn có thể rửa sạch rau, để ráo nước và cho vào túi xốp buộc kín, cho túi vào ngăn mát tủ lạnh (5 độ C). Đối với trái cây cũng vậy, nên rửa sạch, để ráo, cho vào túi buộc kín trước khi bỏ vào tủ lạnh để bảo quản.



Phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Theo các chuyên gia dinh, việc bảo quản thực phẩm là hết sức quan trọng, tuyệt đối không để thực phẩm sống lẫn thực phẩm đã chín. Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh cần đựng vào hộp riêng, đậy nắp kín.

Thực phẩm chín, đã chế biến cần để ở ngăn trên cùng trong ngăn mát tủ lạnh. Không nên để thực phẩm quá nhiều trong tủ lạnh khiến luồng khí lạnh không thể lưu thông, dẫn đến nhiệt độ ở một số vị trí trong tủ có thể tăng cao, làm hỏng thức ăn, khi ăn sẽ dễ gây ngộ độc.

Theo đánh giá của ThS.BS Lê Thị Phương Huệ, bệnh viện Thanh Nhàn, ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm. Nguy cơ này lại tiềm ẩn từ chính cách chúng ta bảo quản thực phẩm sai cách dẫn đến thức ăn bị biến chất, ôi thiu. Một số loại thực phẩm khi để lâu hoặc bị ôi thiu thường phát sinh ra các loại chất độc (dầu, mỡ dùng đi dùng lại nhiều lần…). Các chất này thường không bị phá hủy hay giảm khả năng gây độc khi được đun sôi.

Vì vậy, sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày, người bệnh đột ngột có những triệu chứng: buồn nôn và nôn, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38 độ C. Ngộ độc thực phẩm nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Vì vậy khi có biểu hiện của việc ngộ độc thực phẩm cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc và điều trị.
Theo Trí thức trẻ