Văn hóa đồ uống

Việt Nam tăng bậc về rượu bia: Không tự hào mà còn cảm thấy xấu hổ…

Năm 2010, Việt Nam đứng thứ 94 trong danh sách các quốc gia dùng nhiều rượu bia trên thế giới. Nhưng đến năm 2016, thứ bậc này đã nhảy lên xếp hạng thứ 60. Một sự “thăng hạng” đáng buồn hơn đáng vui.

Những số liệu trên do một cán bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đưa ra tại một cuộc hội thảo còn cho thấy: Tình trạng lạm dụng rượu bia tại Việt Nam chủ yếu rơi vào nam giới, chiếm tới 77%, trong khi nữ giới là 11%. Tỉ lệ này trung bình trên thế giới là 48%/29%.

Điều tất nhiên ai cũng rõ là dùng nhiều rượu bia không tốt cho sức khỏe con người nói chung và nam giới nói riêng. Tại Việt Nam, việc sử dụng rượu bia tràn lan và lạm dụng trong các dịp lễ tết còn gây ra nhiều hệ lụy khủng khiếp và đau buồn như gây ra tai nạn giao thông, đánh nhau bị thương và chết người… Song đó là những vụ thương vong, chết chóc xảy ra tại những thời điểm khác nhau, còn sự bào mòn sức khỏe do rượu bia gây di hại lâu dài cho sự sống thì khó mà thống kê đầy đủ được. Theo thống kê, lượng rượu bia tiêu thụ thực tế hiện nay ở mức khá cao, khoảng 8,3 lít cồn/người/năm.

Điều đáng nói, tình trạng sử dụng và lạm dụng rượu bia tại Việt Nam ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nam thiếu niên đã có thể dễ dàng tiếp cận với rượu bia, là điều mà ở nhiều quốc gia bị cấm (cấm mua/bán rượu bia đối với người dưới 18 tuổi). Các loại rượu “nút lá chuối” đầy nguy cơ về an toàn và chất lượng trở thành một đặc trưng riêng của thị trường rượu tại Việt Nam. Ở nông thôn, trẻ em còn thường bị người lớn sai đi mua rượu, không làm thì dễ bị ăn đòn…

Không có gì để tự hào khi Việt Nam xếp thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á/Tây Thái Bình Dương về sử dụng nhiều rượu bia, và xếp thứ 10 ở Châu Á và thứ 29 thế giới. Những thứ bậc này chỉ thuần có tính cảnh báo chứ không vun đắp được giá trị gì tốt đẹp cho quốc kế dân sinh cả.

Hiện Dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến, trong đó có đưa ra các phương án cấm bán rượu bia theo giờ. Tuy nhiên, dư luận về đề xuất cấm này cũng còn nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng khi Việt Nam đã thoát ngưỡng quốc gia nghèo và trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, thì thuế đối với rượu bia nhập khẩu và sản xuất trong nước cũng cần điều chỉnh để hạn chế sử dụng và tình trạng lạm dụng. Bởi về lâu dài, tình trạng này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nền kinh tế và sự cải thiện giống nòi.

Theo laodong.vn