Văn hóa đồ uống

Cà phê Việt độc đáo trong mắt du khách nước ngoài

Cà phê Việt không chỉ có hương vị nguyên chất tuyệt hảo, được trồng và chế biến từ những trang trại cà phê rộng bạt ngàn ở Tây Nguyên mà còn ghi dấu trong mắt du khách bởi những cách kết hợp không giống ai, địa điểm quán "ly kỳ" và giá cả thì rẻ giật mình.

Cách kết hợp: phong phú

Blogger Jordan McDonald từng chia sẻ trên trang blog cá nhân của mình rằng: "Ở Việt Nam, chúng ta sẽ bắt gặp những cách pha chế, biến tấu và kết hợp kỳ lạ mà chưa từng thấy ở bất cứ đâu". Một trong những món độc đáo nhất đó là cà phê trứng. Anh Matthew (một người Anh sống tại Hà Nội) vui vẻ thú thật: "Dù đã sống ở Việt Nam lâu năm, rất yêu cà phê Việt nhưng tôi vẫn không hiểu nổi tại sao người ta có thể kết hợp cà phê cùng với trứng sống. Thật là khó tả".

cf1_1412619963.jpg

Cà phê trứng, sự kết hợp bất ngờ với nhiều khách nước ngoài. Ảnh: Nomadicnotes

Dù vậy, rất nhiều du khách tại tỏ ra thích thú món ăn này. Họ có chung nhận định, ban đầu khi nhìn cách mà người đầu bếp pha chế, ai cũng lo lắng vì độ an toàn vệ sinh thực phẩm, mùi vị tanh còn sót lại. Tuy nhiên, khi thưởng thức, họ bị chinh phục bởi hương vị ngọt ngào của sữa tươi, đậm đà của cà phê cùng với chút bùi bùi ngầy ngậy đặc trưng của trứng thì mọi âu lo đều tan biến. Jordan nói: "Trong một ngày mùa đông, thưởng thức một ly cà phê trứng nóng hổi như cách người Hà Nội vẫn làm quả là một ý kiến tuyệt vời".

Mặc dù cà phê sữa đá quá phổ biến với người Việt khắp mọi miền, tuy nhiên đây lại là sự khám phá mới mẻ khác của khách nước ngoài. Thông thường, ở các quốc gia khác như Italy, người ta hay pha cà phê chung với sữa tươi, còn ở Việt Nam, chúng ta sử dụng sữa đặc (ngọt và mùi vị đậm béo hơn). 

Blogger Ed Pettitt kể: "Tôi từng thưởng thức các loại cà phê hảo hạng ở Italy, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cà phê Việt Nam khiến tôi bất ngờ nhiều nhất. Ban đầu, tôi không thể hiểu nổi sao người ta có thể uống thứ cà phê nguyên chất đắng tới vậy. Nó khiến tôi mất ngủ nguyên 20 tiếng liền. Lần thứ 2 quay lại Việt Nam, tôi đã biết cách uống cà phê theo một cách khác. Đó là gọi một ly cà phê sữa đá, nhưng sữa được sử dụng là loại sữa cô đặc thơm ngậy rất khác biệt. Nghệ thuật nằm ở chỗ vị sữa tan vào hương cà phê nồng nàn. Âm thanh leng keng khi khuấy đều cốc nước cũng khiến tôi rất ấn tượng và nhớ mãi."

Sữa chua cà phê cũng là một sự kết hợp độc đáo khác trong mắt khách Tây. Vị chua thanh, không gắt của sữa chua, vị ngọt bùi của sữa đặc quyện với chút nước cà phê phin tạo thành thức uống khó quên.

Địa điểm uống: càng 'hiểm' càng tốt

Đa phần khách Tây nhận định, người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng không thích uống cà phê từ những xe rong như ở các nước Đông Nam Á hay cách mua take away kiểu Tây mà thích ngồi trong một quán nhỏ, tiện nghi hay vị trí không quan trọng mà hơn cả, đó là sự thân thuộc. 

cf2-JPG.jpg

Đường đi lắt léo vào quán cà phê Phố Cổ (Hàng Gai, Hà Nội) được nhiều khách Tây truyền tai nhau. Ảnh: Lylianthing, Timevfocus

Trong blog EatingAsia, tác giả chia sẻ về sự bất ngờ của mình: "Một người bạn của tôi giới thiệu về món cà phê trứng ở cà phê Phố Cổ. Tuy nhiên, quán không chỉ độc đáo bởi thức uống này mà còn vì đường lên quán khá thú vị. Đường vào là một ngõ nhỏ giữa cửa hàng bán đồ lưu niệm gần bờ Hồ. Con ngõ nhỏ xíu và tối nhưng khi đi hết, trước mắt tôi là một không gian cổ kính, khác hẳn thế giới bên ngoài. Đi vào sân căn nhà cổ đó rồi men theo bậc thang, tôi lên sân thượng với tầm nhìn gần như là đẹp nhất ở Hà Nội. Thật tuyệt vời, cảm giác như đang tìm kho báu vậy".

Ở Hà Nội, người ta không thích hàng quán sang trọng cho lắm mà thường lui tới những quán có nhiều kỷ niệm với mình. Bởi thế mà dù menu không phong phú nhưng "tứ đại cà phê Hà thành" Nhân Nhĩ Dĩ Giảng vẫn có lượng khách ổn định của mình qua gần một thế kỷ tồn tại. Thậm chí có người từng nói rằng, cà phê Hà Nội sẽ mất đi phần lớn hương vị nếu không được len lỏi chui rúc trong những cầu thang tối ẩm thấp hay ngồi la liệt ngoài vỉa hè.

Còn ở Sài Gòn, thậm chí người ta còn thưởng thức cà phê khi ngồi bệt xuống một góc vườn hoa, không bàn ghế, không menu nhưng vẫn làm nên cả một nét văn hóa ẩm thực cộng đồng vô cùng đặc sắc.

Thời gian uống: từ sáng tới tối

Trang blog ẩm thực châu Á EatingAsia tiếp tục nhận định, khác với các quốc gia khác chỉ thưởng thức cà phê vào buổi sáng trước khi đi làm thì ở Việt Nam, uống cà phê là một hoạt động không thể thiếu suốt cả ngày.

cf4-5915-1412647843.jpg

Người Việt Nam uống cà phê vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, không vội vã mà thong thả, từ tốn. Họ có thể ngồi ở bất cứ quán vỉa hè nào, thậm chí là ngồi bệt ở góc công viên. Ảnh: Vietnamtui

Còn theo blog 180 Degrees West, uống cà phê cũng là một văn hóa ở Việt Nam. Vào buổi sáng, những người cao tuổi thường rủ nhau ngồi bên những quán vỉa hè trò chuyện, tán gẫu các vấn đề thời sự bên ly cà phê phin tí tách, chậm rãi. Đa phần họ là những người đàn ông, họ có thể nhâm nhi và bàn chuyện nhiều giờ liền.

Buổi chiều, những công chức tan sở tụ tập nhau ở một quán ngoài trời giản dị, ngồi trên những chiếc ghế nhựa xanh đỏ, không có tựa lưng, view ra đường hoặc hồ nước. Buổi tối là thời điểm của những đôi tình dân trẻ, họ thường hẹn hò nhau trong các quán cà phê lãng mạn và ấm cúng hơn.

Giá cả: siêu rẻ

Giá của một ly cà phê ở Việt Nam được đánh giá ở mức hợp lý, khoảng trên dưới một USD, tùy vào địa điểm quán. Càng là quán bình dân thì giá lại càng rẻ. Jordan McDonald cho biết nhóm bạn của họ từng mua được một cốc cà phê với mức giá 6.000 đồng và thực sự rất sửng sốt về điều này. Thông thường, họ sẽ phải trả từ 10.000 đến 15.000 đồng mỗi ly ở quán bình dân và trên 20.000 đồng ở các quán sang trọng. Đây là mức giá rẻ so với một ly cà phê được bán ở các quốc gia khác.

Theo ngoisao.net