An toàn thực phẩm

Nhận biết dị ứng thực phẩm

SKĐS - Tất cả mọi người từ trẻ tới già đều có thể bị dị ứng thực phẩm, đặc biệt ở những người có sẵn cơ địa dị ứng như đã từng bị viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng, hen phế quản dị ứng…

Dấu hiệu dị ứng thức ăn

Dấu hiệu dị ứng thức ăn thường rất đa dạng, có thể là biểu hiện biểu hiện ngoài da nhẹ như mẩn ngứa và sưng vùng quanh môi, miệng, trong người bứt rứt khó chịu, nổi mề đay, viêm da atopy; hoặc biểu hiện ở bộ máy hô hấp như viêm mũi, hen phế quản; dị ứng tiêu hóa với các triệu chứng: nôn, tiêu chảy, táo bón, trào ngược dạ dày thực quản. Nhưng cũng có thể biểu hiện nặng là phản ứng sốc phản vệ với các triệu chứng rầm rộ: nghẹt thở, cảm giác sắp chết, tay chân lạnh, da nhợt nhạt, toát mồ hôi, huyết áp tụt, mất tri giác... Đa số là phản ứng phản vệ 1 pha, xảy ra ngay sau khi ăn do các do nguyên nhân hấp thu nhanh. Song  có 6% trường hợp là phản ứng phản vệ 2 pha, pha sau  xảy ra muộn (4-12 giờ) sau khi ăn, do các dị nguyên hấp thu chậm (khoảng 90% trường hợp). Trong số phản ứng phản vệ 2 pha thì có 50% trường hợp  rất nặng, liên quan đến tử vong.

 

Một số thực phẩm dễ gây dị ứng.


Biểu hiện dị ứng thức ăn thay đổi theo các độ tuổi: viêm da atopy gặp nhiều ở trẻ em từ 0 - 15 tuổi; hen phế quản lại thường thấy ở lứa tuổi học sinh và thanh niên; sốc phản vệ chiếm tỷ lệ cao hơn các triệu chứng khác ở bệnh nhân trên 30 tuổi. Ngoài ra dị ứng thức ăn còn có biểu hiện bởi các triệu chứng khác như: đau đầu, đau cơ, hội chứng thận hư, viêm đại tràng, hội chứng đại tràng kích thích...

Triệu chứng xét nghiệm thường làm gồm: test bì được làm với thức ăn nghi ngờ gây dị ứng, kết quả dương tính nếu da bị đỏ, sưng và ngứa ở vùng da có đường kính trên 10mm, tuy nhiên xét nghiệm này chỉ cho kết quả dương tính thật khoảng 44%; xét nghiệm miễn dịch tìm IgE đặc hiệu RAST, ELISA nhằm phát hiện loại thực phẩm gây dị ứng, kết quả dương tính thật của các xét nghiệm này khoảng 56%.

Tất cả mọi người từ trẻ tới già đều có thể bị dị ứng thực phẩm, đặc biệt ở những người có sẵn cơ địa dị ứng như đã từng bị viêm da dị  ứng, viêm mũi dị ứng, hen phế quản dị ứng…

Nguyên nhân của dị ứng thực phẩm có nhiều, như do protein và các phân tử không thay đổi khi đi vào tuần hoàn; do hệ miễn dịch tại ruột và tính miễn dịch của niêm mạc ruột; do một số chất gây tăng tính thấm của niêm mạc ruột: rượu, aspirin, nhiễm virut, ký sinh trùng, nấm. Ngoài ra dị ứng thức ăn còn do di truyền, do nhiễm siêu vi, tổn thương niêm mạc ruột...

Những loại thực phẩm dễ gây dị ứng

Trẻ em dễ bị dị ứng với nhóm thực phẩm như trứng, sữa, bánh kẹo (đặc biệt bánh kẹo có sử dụng nhiều phẩm màu thực phẩm), đậu phộng, đậu nành, các loại quả hạch. Người lớn ăn thức ăn đa dạng, nhưng những thực phẩm dễ gây dị ứng là cá, hải sản (tôm, cua, ốc…), mắm tôm mắm tép; nhộng tằm, các loại quả hạch, thậm chí các loại hạt như hướng dương, hạt bí cũng có thể gây dị ứng.

Phản ứng của cơ thể đối với thực phẩm ngay sau khi ngửi, sau khi ăn vài phút hoặc vài giờ, thậm chí là khi tiếp xúc với thực phẩm đã có thể bị dị ứng.

Cần làm gì khi bị dị ứng thực phẩm?

Nếu đã có dấu hiệu bị dị ứng thức ăn cần sơ cứu: chườm, đắp nước ấm, uống nhiều nước, uống thuốc kháng histamin. Khi phản ứng dị ứng thực phẩm có chiều hướng nặng lên, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cách dự phòng dị ứng thực phẩm tốt nhất là hạn chế sử dụng nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng, kịp thời phát hiện triệu chứng khi bị dị ứng thực phẩm. Để làm được điều này, bạn cần có kiến thức về nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng và biểu hiện của dị ứng thực phẩm; tránh sử dụng những thực phẩm, các sản phẩm có nguyên liệu làm từ thực phẩm mà bản thân đã bị dị ứng; nhận biết sớm các triệu chứng khi bị dị ứng; ghi nhớ các triệu chứng dị ứng thực phẩm trên da, hệ tiêu hóa và hệ hô hấp (để nhận biết khi bị tái dị ứng và phòng tránh); tránh tiếp xúc với các món ăn dễ gây dị ứng.

ThS. Nguyễn Bạch Đằng
Theo Suckhoedoisong.vn