An toàn thực phẩm

20 thực phẩm không nên bảo quản trong tủ lạnh

Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng mình đang bảo quản thực phẩm sai cách. Thực tế, việc bảo quản một số thực phẩm trong tủ lạnh có thể làm thay đổi hương vị, thậm chí khiến chúng nhanh bị hỏng và mốc.

Chúng ta thường có thói quen trữ các thực phẩm này trong tủ lạnh, trong khi thực tế, cách tốt nhất để bảo quản chúng là trên quầy bếp.

Dưới đây là hướng dẫn giúp bạn bảo quản 20 loại thực phẩm phổ biến:

Rau

1. Cà chua: Nếu cà chua được để trong tủ lạnh, chúng sẽ bắt đầu mất đi hương vị và kết cấu của chúng. Thay vào đó, hãy đặt cà chua vào một chiếc bát hoặc giỏ. Nếu bạn muốn chúng chín nhanh hơn, hãy bọc chúng trong túi giấy. Nếu cà chua đã quá chín, tốt nhất hãy chế biến chúng thành nước sốt cà chua.

 

2. Khoai tây: Khoai tây lạnh sẽ bị thay đổi hương vị, lượng tinh bột giảm xuống. Hãy bảo quản chúng trong túi giấy ở một nơi mát và tối.

3. Hành tây: Bảo quản hành tây trong tủ lạnh có thể làm cho chúng bị mốc và mềm nhũn ra, vì độ ẩm trong tủ lạnh. Tốt nhất hãy cho chúng vào một túi giấy hoặc túi lưới ở nơi mát mẻ, tối và thông thoáng. Đừng để hành gần khoai tây, bởi vì hành sẽ bị thối nhanh hơn. Một khi bạn đã cắt chúng ra thì hãy bảo quản trong một hộp kín ở ngăn đựng rau trong tủ lạnh.

4. Tỏi: Để trong tủ lạnh sẽ khiến chúng bị mốc. Tốt nhất hãy bảo quản chúng ở nơi mát mẻ, tối và thoáng mát.

5. Các loại bí mùa đông: Các loại bí như bí đao, bí đỏ tốt nhất nên được giữ ở nhiệt độ phòng.

 

Trái cây

6. Chuối: Chuối xanh cần được giữ ở nhiệt độ phòng. Chuối chín cũng nên được giữ ở nhiệt độ phòng nếu bạn có ý định ăn chúng trong vòng vài ngày. Nếu bạn không muốn chuối quá chín, hãy bảo quản chúng trong ngăn tủ lạnh sau khi chúng hoàn toàn chín. Khi đó vỏ chuối sẽ tiếp tục chuyển sang màu nâu, nhưng trái cây vẫn rất hoàn hảo.

7. Dưa hoàng yến và dưa hấu – Hai loại dưa này sẽ giữ được hương vị tốt nhất khi được bảo quản ở nhiệt độ phòng. Nếu chúng đã được cắt, hãy lưu trữ trong tủ lạnh.

8. Táo – Nếu bạn có ý định ăn táo trong vòng một hoặc hai tuần thì hãy để chúng ở nhiệt độ phòng. Nếu muốn để lâu hơn, bạn cần để chúng trong tủ lạnh.

9. Cam, quýt, chanh: Hầu hết các loại trái cây như cam và chanh nên giữ ở nhiệt độ phòng, ở nơi mát và tối trong vài ngày hoặc một tuần. Sau một tuần, bạn có thể để chúng vào trong tủ lạnh.

 

10. Quả hạt cứng: quả đào, quả xuân đào, mơ và mận tốt nhất nên được chín ở nhiệt độ phòng. Khi trái cây đã chín, bạn có thể ăn ngay hoặc bảo quản trong ngăn tủ lạnh.

11. Quả bơ: Bơ chưa chín nên để ở nhiệt độ phòng. Khi bơ chín nhưng bạn không muốn ăn ngay lập tức, hãy giữ chúng trong tủ lạnh.

12. Hoa quả khô - Không cần để trong tủ lạnh.

Dầu ăn

13. Dầu ăn không cần phải được làm lạnh, chỉ cần được giữ ở nơi mát và tối.

Ngũ cốc

14. Bánh mì - bánh mì để trong tủ lạnh sẽ bị khô.



15. Các loại hạt – Hạt có thể được lưu trữ trong một nơi mát và tối, hoặc nếu bạn mua với số lượng lớn, hãy giữ chúng trong tủ lạnh để tăng thời hạn sử dụng.

Các loại thảo mộc và gia vị

16. Thảo mộc tươi: Bạn không cần phải cho các loại thảo mộc tươi trong tủ lạnh. Còn nếu bạn muốn, hãy chắc chắn cho chúng vào trong một chiếc bình chứa không khí trước khi cho vào tủ lạnh.

17. Các loại gia vị: Gia vị không cần phải được làm lạnh. Hãy cho chúng vào các hộp kín ở nơi khô mát để bảo vệ chúng khỏi độ ẩm và oxy hóa.

Các thực phẩm khác

18. Cà phê sẽ bị mất đi hương vị và thậm chí có mùi hôi nếu bạn để chúng trong tủ lạnh.

   

19. Lưu trữ mật ong trong tủ lạnh sẽ khiến chúng bị kết tinh. Thay vào đó hãy chọn nơi mát mẻ, khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp và đậy kín nắp.

20. Bơ đậu phộng: Chỉ cần bảo quản chúng ở nhiệt độ phòng bình thường, hạn sử dụng của chúng sẽ kéo dài khoảng 3 tháng.
Theo nguoiduatin.vn