An toàn thực phẩm

Bảo quản đúng cách đồ ăn trong tủ lạnh

Không nên để nhiệt độ tủ lạnh trên 4 độ C, làm sạch tủ thường xuyên và không lưu trữ thức ăn thừa qua ngày.

Theo Livestrong, không nên để nhiệt độ tủ lạnh quá ấm bởi trên 4 độ C là môi trường cho vi khuẩn phát triển. Nên giữ một nhiệt kế riêng trong tủ lạnh để kiểm tra an toàn, nhất là tủ lạnh không có màn hình hiển thị nhiệt độ kỹ thuật số.

Thức ăn thừa chứa chất bảo quản tương tự như thực phẩm đóng gói để tránh hư hỏng và ô nhiễm. Theo Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Mỹ, thức ăn càng để lâu trong tủ lạnh càng có nhiều nguy cơ cho vi khuẩn phát triển. Thức ăn thừa nên bỏ đi sau khoảng hai giờ.

Thực phẩm đóng hộp khi đã mở ra thì dễ nhiễm khuẩn. Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, thịt gà, trứng, salad cá ngừ, salad mì ống và bít tết tươi nên được ăn trong ba đến năm ngày sau khi đóng gói. Thịt nấu chín nên được ăn trong vòng ba đến bốn ngày.

Nên bảo quản thịt trong bao bì cho đến khi nấu. Thực phẩm đông lạnh nên rã đông tự nhiên. Trữ thức ăn thừa trong hộp có nắp.

Rửa sạch trái cây và rau trước khi cất trong tủ lạnh làm chúng nhanh hư hỏng nếu còn ẩm và tủ lạnh dễ bị ô nhiễm. Nên rửa sạch, thấm khô bằng khăn giấy hoặc vải sạch trước khi cho vào tủ lạnh.

Hạn chế nhét đầy thực phẩm trong tủ lạnh để không khí lưu thông và nhiệt độ xuống thấp.

Bọc rau củ quả trong túi đựng để không làm phân tán vi khuẩn và giữ vệ sinh cho tủ lạnh.


Nên vệ sinh tủ mỗi tháng một lần để tiêu diệt vi khuẩn. Quy trình vệ sinh tủ lạnh, đầu tiên là lấy tất cả thực phẩm ra ngoài và lau sạch bề mặt tủ bằng nước xà phòng ấm. Sau đó, sử dụng giấm hoặc baking soda để vệ sinh, rồi lau khô bằng khăn giấy hoặc khăn bếp sạch.

Làm sạch khay đựng đá bằng nước ấm và xà phòng, sau đó chờ khô mới đổ đầy nước trở lại và đông lạnh.

Theo vnexpress.net