Thịt trâu gác bếp – Hà Giang
Người ta đặt khô trâu trên giàn bếp để bảo quản lâu. Ăn tới đâu lấy xuống tới đó và xé nhỏ ra. Khói ám lâu ngày làm cho thịt trâu có mùi vị đặc biệt nhưng không khó chịu vì hôi khói. Miếng thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng, nhất là độ ngọt của thớ thịt. Khi ăn người ta xé nhỏ dọc theo thớ, có thể ăn ngay hoặc được coi là món nhậu chính uống cùng rượu ngô
Ảnh: hoabanfood
Phở chua – Lạng Sơn
Nước chua truyền thống ở Lạng Sơn được làm từ rau cải được trộn và ngâm với đường cát, rồi chắt lấy nước chua. Gắp miếng phở chua, nhẩn nha thưởng thức vị giòn, bùi của khoai, lạc, vị ngậy của thịt xá xíu, cay của ớt, lại man mát của miếng dưa chuột và nhẩn nha thưởng thức thì quả là tuyệt thú.
Ảnh: quadacsan
Lợn cắp nách – Lai Châu
Ăn thịt lợn “cắp nách” chẳng khác nào ăn thịt thú rừng mà không phạm pháp, bởi vì loài lợn này được thả vào trong rừng từ khi mới đẻ, tự kiếm ăn để sống. Chính vì ăn cỏ cây, lại chậm lớn nên thịt chúng rất thơm ngon, hầu như không có mỡ, miếng nào có một tý mỡ thì cũng không ngấy.
Xôi chim Mường Thanh – Điện Biên
Xôi chim là món ăn đặc trưng vào ngày tết ở Mường Thanh, món ngon này luôn ấm và mềm bởi vì xôi chim luôn được bày trên mâm cỗ có đậy nắp. Món xôi chim trở nên đặc biệt hơn bởi nếp dẻo, vị ngọt của thịt chim.
Ảnh: PYStravel
Chả gà Tiểu Quan – Hưng Yên
Chả gà Tiểu Quan phải được nướng bằng than hoa, có thêm vài quả thông khô vào thì càng tăng thêm độ thơm. Tuy nhiên, thơm ngon nhất vẫn là chả gà được nướng bằng than của những cành hay gốc nhãn khô - một loại cây đặc sản của mảnh đất Hưng Yên.
Ảnh: Vinacel
Thịt dê – Ninh Bình
Đến với Ninh Bình, mảnh đất cố đô xưa mà chưa thưởng thức món thịt dê của vùng đất này chắc hẳn sẽ là một thiếu sót lớn trong chuyến du lịch của bạn. Dê núi Ninh Bình được chăn thả trên những mỏm đá, do vậy thịt dê săn chắc và ít mỡ hơn dê ở những vùng khác.
Thịt dê tái chanh, thịt dê nướng ăn kèm với quả sung và nước tương đặc trưng của Ninh Bình. Ảnh: dacsanninhbinh
Cháo lươn – Nghệ An
Nhắc đến ẩm thực Nghệ An, nhiều người nghĩ ngay đến món cháo lươn đã quá nổi tiếng với vị cay nồng đặc trưng. Cháo lươn Nghệ An không xào thịt lươn đến săn khô miếng lươn được để nguyên, vẫn mềm, ngọt, thấm đậm vị thơm cay của hành, của ớt, của tiêu, óng ánh sắc vàng của nghệ. Bát cháo múc ra được điểm màu xanh của lá hành tăm, chỉ nhìn thôi cũng đủ thấy hấp dẫn.
Cháo lươn đâm đà với thịt lươn tươi săn và cái hương vị cay đặc trưng nơi này. Ảnh: foody
Cơm âm phủ - Huế
Cơm Âm phủ là một món ăn có từ lâu đời của đất cố đô, rất đậm “chất Huế” gồm nhiều nguyên liệu tạo thành, đa màu đa sắc nhưng lại rất bình dân.
Cơm Âm phủ gồm các nguyên liệu như: cơm trắng, tôm, thịt nướng, chả lụa, trứng tráng, rau thơm, dưa leo, đồ chua..., cách làm cũng khá công phu. Khi ăn dọn kèm với chén nước mắm chua ngọt do người ăn tự pha, chén hành mỡ, ớt tươi...
Ảnh: Gacon
Mì quảng – Đà Nẵng
Mì Quảng là món ăn dân dã của mảnh đất Quảng Nam. Sợi mì làm từ bánh tráng thái thành sợi với phần nhân được chế biến từ nhiều nguyên liệu khác nhau như thịt gà, thịt heo, thịt bò, tôm, cua, cá… Nước mì cũng không đầy tràn như bún, phở mà chỉ xâm xấp, đậm vị cay và hương thơm của các loại gia vị.
Ảnh: timeoutvn
Bún sứa – Nha Trang
Nha Trang ở miền biển, nên không lấy gì làm lạ khi bún sứa lại là đặc sản ở Nha Trang. Từ hương vị bún đến từ nước lèo được nấu từ cá biển, sứa, chả cá, và các loại giá đỗ, rau xanh ăn kèm. Bởi được nấu chủ yếu từ các loại cá, lại chú trọng hương vị có sẵn của hải sản biển mà bún sứa Nha Trang rất ngọt, thơm, nước dùng trong veo không mỡ, ăn rất mát.
Ảnh: Todata
Cơm Tấm – Sài Gòn
Tới Sài Gòn, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội đươc thưởng thức món cơm tấm trứ danh. Hạt cơm tấm nhỏ, hơi khô nhưng mềm, miếng sườn nướng vàng bốc khói thơm lừng cộng bì hay trứng chiên, thêm dưa leo hoặc đồ chua làm nên dĩa cơm đầy màu sắc mà không dễ gì cưỡng lại được.
Ảnh: Beptruong