Văn hóa đồ uống

Say đắm trong thế giới kem

Mỹ tự hào với thương hiệu Breyer. Thành Rome níu chân du khách với những quán kem vỉa hè đầy lãng mạn. New Zealand hãnh diện là một trong những nước sản xuất kem nhiều nhất thế giới.

Năm 54, khi lên ngôi Hoàng đế La Mã, Nero mở đại tiệc và quyết định tạo nên một sự kinh ngạc cho các vị khách bằng một món tráng miệng chưa ai nghĩ tới: tuyết ngọt. Để làm được món này, ông cho người lên núi Apennine lấy tuyết rồi về ướp nó bằng mật ong, hoa quả rồi lại mật ong.

Lịch sử vốn rất công tâm. Dù Nero vẫn bị người đời coi là bạo chúa, nhưng công nghĩ ra tuyết ngọt - tiền thân của kem, của ông đến nay vẫn được ghi nhận.

Hơn 500 năm sau, tại Trung Quốc, dưới triều nhà Đường (618 - 907), món tuyết ngọt của Nero lại có một hình hài mới. Đó là hỗn hợp của sữa trâu, bò, dê đã được lên men, trộn với bột mì, sau đó được ướp long não cho có hương vị và làm lạnh bằng băng với muối. Món quý này, cũng như tuyết ngọt của Nero, chỉ được dùng trong những buổi tiệc lớn của triều đình.

 

Năm 1295, nhà hàng hải người Italy, Marco Polo trở về quê hương sau 17 năm ở Trung Quốc. Cuốn sách Description of the World (Diện mạo thế giới) của ông đã làm cả châu Âu kinh ngạc. Trong số vô vàn những điều lạ lẫm Marco Polo nói đến có một thứ được gọi là "sữa được làm khô trong một thứ bột nhão". Theo người Italy, đặc sản này của Trung Hoa sẽ mãi chỉ là sữa và bột nhão nếu không có Marco Polo. Chính nhờ ông mà nó mới trở thành kem ở châu Âu.

Coi như chẳng biết gì về những câu chuyện trên, người Anh khăng khăng cho rằng quê hương của kem là xứ sở sương mù, dù quan điểm này chỉ xuất hiện vào thế kỷ 17, dưới thời Charles I. Để chứng minh cho lập luận của mình, người Anh kể rằng, trong một bữa tiệc cung đình, đầu bếp của Charles I đã dâng lên một món ăn mới. Nó lạnh và giống như những bông tuyết, nhưng mịn và ngọt hơn các món tráng miệng khác trên bàn tiệc hôm đó. Khách rất hài lòng, còn nhà vua thì đầy kiêu hãnh. Sau đó, vua đã triệu tập người đầu bếp và nói rằng, ông muốn món ăn mới lạ này chỉ phục vụ bàn ăn hoàng gia. Ông cũng trọng thưởng cho anh đầu bếp để giữ kín bí mật về công thức. Tuy nhiên, sau khi Charles I bị xử tử, công thức của món kem lạnh không còn bí mật nữa. Từ đây, kem hoàn toàn thoát khỏi cảnh cấm cung trong những bức tường hoàng gia để đến với đại chúng.

Kem New Zealand

 

Có thể coi kem là một thương hiệu quốc gia của đất nước này. Chỉ có 4 triệu dân, nhưng người New Zealand lại ăn kem nhiều chỉ sau người Mỹ. Kem New Zealand ngon ở độ tinh khiết và tươi mới. Kem được làm trong môi trường cực sạch, từ sữa của đàn bò quanh năm chỉ ăn cỏ trên những cánh đồng xanh ngút ngàn, từ những nguyên liệu tươi mới được lựa chọn cẩn trọng nhất với công nghệ làm kem tiên tiến có tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt. Môi trường thanh và sạch giúp New Zealand gần như miễn dịch với hầu hết các bệnh dịch động vật. Chính điều này khiến người dân nước này hoàn toàn vô lo khi thưởng thức món kem của nước mình.

Kem Pháp

 

Chỉ cần kiên trì nối theo dòng người xếp hàng dài quanh những khu phố Paris, bạn sẽ gọi được cho mình một món kem tuyệt vời. Người Paris yêu kem như yêu hoa hồng, champagne hay nước sông Seine. Vì thế, họ đủ kiên nhẫn để chờ.

Berthillon là cái tên khá quen thuộc khi nhắc tới kem Pháp. Nó có hai dạng: kem sữa và sorbet (kem hoa quả không có kem hoặc sữa) với vô vàn mùi hương: từ ngọt ngào với chocolate tới vani, từ chanh chua sắc đến dâu thơm mát. Nhiều người từng nói, để thưởng thức loại kem ngon nhất thế giới, hãy đến Berthillon trên con phố Louis gần Notre Dame. Dạo bộ bên sông Seine và tận hưởng hương vị kem tuyệt vời của Berthillon, bạn sẽ hiểu tại sao nên đến Paris.

"Đại sứ đặc mệnh toàn quyền" của kem Pháp ở Việt Nam là Fanny. Để chắc chắn đạt chất lượng cao nhất, mỗi loại kem Fanny đều có một công thức được tính toán cẩn thận. Các sản phẩm nhập khẩu để làm kem cũng được Fanny lựa chọn kỹ càng như chocolate Bỉ, kem tươi New Zealand, vani Madagascar, rhum của Antilles hay chè xanh Nhật Bản...

Kem Italy

 

Dạo bộ trên những con phố của Rome trong những buổi sáng mùa hè oi bức, bạn sẽ thấy chẳng có sự lựa chọn nào tuyệt vời hơn kem. Quán kem ở Rome giống như những du khách lạc đường, có thể tìm thấy dễ dàng ở khắp nơi trong thành phố đầy ngõ ngách.

Hãy thuộc lòng chữ "Galeto". Bạn sẽ chỉ biết tới Rome một nửa nếu chưa thưởng thức món kem này. Ở đây có những cửa hàng chuyên Galeto, những quán cà phê bán Galeto, những cửa hàng có riêng kem Galeto của mình. Loại kem làm từ những nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên này có từ thời Phục Hưng. Suốt một thời gian dài, đây là món ăn dành riêng cho những người giàu có. Các nhà sáng tạo - dân vùng Dolomit ở phía Bắc và Sicily ở phía Nam - không thể sống nổi vì cung lớn hơn cầu. Họ phải di cư tới Australia, Đức, Thuỵ Sĩ và Pháp để bán Galeto.
Theo Dulichluhanh
Cùng chuyên mục