Người Việt Nam có rất nhiều đức tính tốt đẹp, trong đó bao gồm sự giản dị, chân phương nhưng cũng không kém phần hài hước, nhiều lần thể hiện ở cách chơi chữ trong những câu thành ngữ, tục ngữ và từ trong nếp sống cũng như các khía cạnh thường ngày.
Bảo rằng người Việt cầu kì tinh tế cũng đúng, vì ta có thể dùng đôi tay tỉ mỉ nặn, gói, tạo hình những chiếc bánh nhỏ, cẩn thận làm ra những món ăn phức tạp như bánh cuốn, như gà rút xương nhồi thịt vô cùng kỳ công. Mặt khác, nói người Việt Nam suy nghĩ chân phương, đơn giản cũng không sai, thậm chí có khi đơn giản đến mức... dễ thương. Ví dụ như cách ông bà ta đặt tên những món bánh sau đây, nghe vào là phải bật cười thích thú.
Bánh xèo quá nổi tiếng, gần như là món ăn có mặt trên mọi miền đất nước và được mọi người yêu thích. Bánh xèo có màu vàng ruộm, được làm chín trên chảo nóng nên lúc nấu sẽ phát ra tiếng "xèo xèo" khi đổ bột vào, và cùng với nó là mùi thơm nghe hấp dẫn vô cùng. Chữ "xèo" hấp dẫn này sau đó lại được ông bà ta mang làm tên luôn.
Một ví dụ điển hình về sự hài hước trong việc đặt tên của người Việt Nam là bánh hỏi. Đây là món bánh có quá trình làm rất cầu kì và khó, bởi vì bánh được cấu thành từ nhiều sợi bánh mỏng gần như sợi chỉ vậy, khi làm cần phải có khuôn đặc biệt. Có nhiều giả thiết xoay quanh cái tên bánh hỏi này, nhưng phổ biến hơn cả là câu chuyện như sau: người phát minh ra món bánh này hãy còn chưa đặt tên, nhưng vì bánh ngon quá nên cả làng kéo nhau đến nhà hỏi "bánh này là bánh gì mà ngon thế?". Hỏi tái hỏi hồi, người phát minh "phiền" quá bèn gọi luôn là... bánh "hỏi".
Bánh in của người Huế được làm từ bột và đậu xanh, nhưng thay vì gọi là bánh đậu xanh bột (hay bột đậu xanh) nghe dài và không có gì đặc biệt lắm, thì người ta lại gọi luôn là... bánh in. Vì bánh này được tạo hình bằng khuôn có hoa văn, chữ, hình vẽ giống như "in" vậy, nên cách đơn giản và trực diện nhất để đặt tên là gọi thẳng "bánh in". Được biết, đây là món bánh tiến vua rất trang trọng chứ chẳng phải đơn giản, nhưng vẫn được gọi bằng cái tên chân phương như thế đấy.
Bánh này còn được biết đến với cái tên là bánh ngũ sắc, bởi thường được gói bởi các loại giấy gói có năm màu như hồng (đỏ), xanh lá, vàng, xanh dương...
Bánh lọt là loại bánh có dạng sợi, thường được ăn chung với các món chè ngọt hoặc ăn riêng như một loại chè. Cái tên "lọt" nghe có vẻ buồn cười này - như nhiều người lý giải - là do một nguyên lí khi làm bánh. Bánh lọt làm từ bột gạo và bột sắn, được đổ qua các khuôn có lỗ vào nồi nước sôi. Do chất bột mềm, dễ đứt nên các miếng bột sẽ "lọt" qua các lỗ và rơi xuống nước, thế là người ta gọi bánh lọt.
Nếu đến Đà Nẵng - Hội An hoặc một số tỉnh miền Trung, bạn có lẽ sẽ được người địa phương giới thiệu món bánh nghe tên có phần... "bạo lực" này. Chữ đập ở đây đúng với "đập" theo nghĩa tác động lực mạnh lên một vật gì đó bởi vì bạn sẽ phải làm thế khi ăn món bánh này. Bánh đập có lớp bánh tráng giòn bên ngoài, phủ một lớp bánh ướt mềm bên trong, lúc ăn thì "đập" sao cho bánh tráng vỡ thành nhiều miếng nhỏ dính lấy lớp bánh ướt rồi chấm nước chấm đặc biệt được pha từ mắm nêm cá cơm.
Nghe vừa thấy lạ vừa thấy hài, nhưng đây là tên của một loại bánh đặc sản tỉnh Quảng Ninh. Bánh được làm từ bột gạo gần giống bánh phở và bánh ướt, nhưng có hình dạng mỏng, thường được cuộn lại thành cuộn dài hình trụ. Khi cầm bánh theo chiều dọc, do bánh mềm và đàn hồi rất tốt nên cứ có hiện tượng "gật lên, gật xuống". Thế là người ta cứ gọi nó là "bánh gật gù".
Ngoài ra, cũng có nơi lý giải rằng do bánh ăn rất ngon, khiến ai nấy vừa thưởng thức vừa gật gù nên có cái tên này.
Cái tên này thì lại dễ giải thích thôi rồi, bởi vì "ý trên mặt chữ". Bánh này luôn được cuốn lại nên người ta cứ thế mà gọi là bánh cuốn thôi. Thế nhưng đơn giản và chân phương là thế, cách làm bánh cuốn lại phức tạp vô cùng đấy. Nếu có ai còn nhớ đến lần bếp trưởng Gordon Ramsay phải "suy sụp" vì hết lần này đến lần khác nấu hỏng món bánh này trong chuyến đi Việt Nam thì sẽ hiểu ngay sự tinh tế đằng sau cái tên tưởng chừng như đơn giản này (chương trình Gordon's Great Escape).